- Khi về nhà, tôi có nhắn tin xin chuộc lại giấy tờ tùy thân, thì hắn lại bảo tôi: "Anh có quay clip lúc em với anh ở trong khách sạn" và đòi tôi thêm 5 triệu tiền chuộc clip.

TIN BÀI KHÁC

(ảnh minh họa)

Tôi hiện đang học một trường trung cấp. Tôi có hẹn đi chơi với một bạn trai quen qua mạng xã hội. Sau đó, chúng tôi đi nhà nghỉ, rồi gã ngỏ ý chở tôi đi dạo siêu thị. Đến cổng siêu thị, hắn thả tôi xuống cổng và bảo tôi chờ để hắn đi gửi xe. Lúc này toàn bộ giỏ xách, tiền và điện thoại tôi bỏ trong cốp xe hắn (gồm 2,7 triệu và một điện thoại di động). Tôi định lấy ra thì hắn bảo "lát gởi xe xong anh mang lên luôn cho". Như bị mê hoặc, tôi cũng gật đầu và ngoan ngoãn đứng chờ ở cổng. 10 phút trôi qua, tôi biết chắc chắn mình đã bị lừa. Tôi có mượn điện thoại của một người gần đấy và gọi vào máy hắn thì hắn bảo nhầm số.

Khi về nhà, tôi có nhắn tin xin chuộc lại giấy tờ tùy thân, thì hắn lại bảo tôi "Anh có quay clip lúc em với anh ở trong khách sạn" và đòi tôi thêm 5 triệu tiền chuộc clip.

Tôi có cho hắn mã pin ATM của tôi gồm 1 triệu trong tài khoản, với hi vọng hắn sẽ trả giấy tờ lại cho tôi (vì có thương lượng trước đó) nhưng hắn đã không gửi lại giấy tờ cho tôi.

Giờ hắn cứ đòi tiền và đe dọa tôi. Trong khi tôi chỉ biết nick hắn trên trang mạng đó, và cũng chỉ biết số điện thoại hắn đang xài. Ngoài ra, tôi không biết thêm gì (vì nghĩ hắn có thể dùng tên giả nên coi như tôi cũng không biết tên). Nhưng hắn lại biết khá rõ về tôi, cả địa chỉ, tên tuổi, số xe máy. Tôi sợ có thể không đưa hắn tiền thì hắn sẽ theo dõi và làm liều với tôi (vì hiện tại hắn đang giữ giấy tờ xe của tôi). 

Tôi thật sự đang rất sợ, liệu tôi có nên báo công an, nhờ những người đại diện cho pháp luật hỗ trợ để bắt hắn hay không? Nếu tôi kiện hắn, chuyện gì sẽ xảy ra? (imsu_....@yahoo.com)

Luật sư tư vấn:

Đối với hành vi của người thanh niên trên, bạn nên báo ngay với cơ quan công an để được được can thiệp kịp thời.

Hành vi của người bạn trên là vi phạm pháp luật, chiếm đoạt tài sản của bạn trái phép. Theo đó, hắn ta có thể bị xử lý về tội: “Cưỡng đoạt tài sản” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều và Điều 139 Bộ luật Hình sự:

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 135. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ) Gây hậu quả nghiêm trọng. 

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tư vấn bởi Văn phòng luật sư Giải Phóng. Địa chỉ: 225 Hai Bà Trưng, Phường 6, Quận 3, Tp Hồ Chí Minh. Tổng đài tư vấn luật: 19006665

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).