Giá dầu WTI giao tháng 7 trên sàn Nymex đêm qua (giờ Việt Nam) giảm gần 3,3 USD (tương đương giảm 8,2%) xuống còn 36,34 USD/thùng trong bối cảnh dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng, triển vọng kinh tế Mỹ u ám dưới con mắt của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và giới đầu tư lo ngại làn sóng Covid thứ 2.
Đầu giờ sáng 12/6, giá dầu WTI giảm tiếp thêm hơn 4,2% xuống còn 34,81 USD/thùng.
Giá dầu Brent giao tháng 8 trên sàn London cũng rớt gần 3,2 USD (tương đương 7,6%) xuống 38,55 USD/thùng.
Giá dầu thế giới giảm sâu ngay trước thời điểm giá xăng trong nước có thể được điều chỉnh tăng mạnh, khoảng 1.000 đồng/lít trong ngày 12/6 theo những diễn biến giá thế giới tăng mạnh trong 2 tuần qua.
Trong 2 tuần qua, giá dầu WTI đã từ mức khoảng 33 USD/thùng lên mức 40 USD/thùng, tương đương mức tăng khoảng 20% so với kỳ trước.
Giá dầu thế giới quay đầu giảm mạnh trở lại. |
Tuy nhiên, tính theo diễn biến mới nhất với phiên sụt giảm 8% đêm qua, thì giá dầu WTI chỉ còn tăng khoảng 10% so với kỳ trước. Đây là yếu tố có thể ảnh hưởng tới quyết định điều chỉnh giá xăng ít hay nhiều của các cơ quan quản lý. Trong kỳ điều chỉnh gần nhất hôm 28/5, giá xăng mỗi lít tăng 882-890 đồng, các mặt hàng dầu cũng đắt thêm 892-974 đồng.
Giá dầu thế giới giảm mạnh và được dự báo còn giảm tiếp cho dù NHTW và bộ tài chính các nước, trong đó có chính quyền ông Donald Trump vẫn không ngừng tung các chính sách và gói hỗ trợ nền kinh tế.
Sở dĩ giá dầu thế giới giảm mạnh đêm qua là bởi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô tại Mỹ vọt 5,7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 05/06/2020, trái ngược hoàn toàn với dự báo giảm 3,2 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò trước đó.
Dầu giảm giá còn do Fed đưa ra một bức tranh u ám về triển vọng kinh tế Mỹ với GDP giảm 6,5% trong năm 2020 và tỷ lệ thất nghiệp ở mức trên 9% vào cuối năm cùng với đánh giá cho rằng triển vọng kinh tế Mỹ ở “mức độ bất ổn cao bất thường”.
Lại thêm khó khăn cho ông Donald Trump. |
Nền kinh tế Mỹ cũng như thế giới bị đe dọa bởi làn sóng Covid thứ 2. Số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ tiếp tục leo thang và vượt mốc 2 triệu khi các doanh nghiệp nối lại hoạt động. Trên phạm vi toàn cầu, số người nhiễm SARS-CoV-2 đã lên tới 7,4 triệu người.
Nỗi lo về một làn sóng nhiễm Covid thứ 2 đã khiến chứng khoán Mỹ quay đầu giảm sau một chuỗi ngày hồi phục mạnh và lên đỉnh mới. Chỉ số công nghiệp Dow Jones đêm qua bốc hơi hơn 1.800 điểm. Chỉ số tầm rộng S&P 500 giảm 5,9% trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 5,3% và đánh mất mốc kỷ lục 10.000 điểm vừa xác lập phiên liền trước.
Giới đầu tư quay trở lại bán mạnh các cổ phiếu hàng không và du lịch.
V. Hà