Khai thác điểm mạnh vốn văn hóa của cộng đồng các DTTS 

Gia Lai có 34 dân tộc cùng sinh sống. Bên cạnh giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là ‘‘Di sản văn hóa phi vật thể của đại diện của nhân loại”, thì văn hóa các tộc người Gia Lai đã để lại một kho tàng câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, lời nói vần, truyện cổ, truyền thuyết, thần thoại, và nổi bật hơn hết, quy mô hơn hết là sử thi - đây là tiếng nói của cha ông trong dạy bảo, khuyên răn con cháu, có giá trị giáo dục cao.  

Lễ hội cồng chiêng

Trong những năm qua, Gia Lai đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng về nội dung và phương thức hoạt động, kết hợp thai thác và phát huy đặc trưng văn hóa vùng miền, đưa văn hóa các dân tộc trở thành một trong những yếu tố tích cực để thúc đẩy phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Năm 2009, tỉnh đã tổ chức thành công Festival Cồng chiêng Quốc tế lần thứ I. Tiếp đó là Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên (năm 2018) đã thu hút hàng ngàn diễn viên, nghệ nhân trong tỉnh và một số nước trong khu vực Đông Nam Á tham gia như: Campuchia, Indonexia, Lào, Philipin, Myanma.

Mới đây, hồi tháng 4 vừa qua, sự kiện Ngày hội Văn hóa các DTTS tỉnh Gia Lai đã diễn ra tốt đẹp. Đây là lần đầu tiên Gia Lai tổ chức bằng hình thức mới, đã tạo ra ấn tượng tốt đẹp, có sức lan tỏa rộng rãi đến mọi người, qua những hoạt động đặc sắc, tái hiện cuộc sống sinh động của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Gia Lai.

Thay vì biểu diễn trên sân khấu chung, gần 800 nghệ nhân của 16 đoàn đến từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh được bố trí một khu vực riêng tại Quảng trường Đại Đoàn Kết rộng 12 ha với cây xanh rợp bóng. 

Tại đây, các nghệ nhân có thể tự do thoải mái tái hiện không gian sinh hoạt của cộng đồng; tổ chức trình diễn cồng chiêng, hát dân ca, dân vũ, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, tạc tượng, đan lát, dệt vải… Tất cả đạo cụ, mô hình của các đoàn như: nhà rông, nhà mồ… đều được các đoàn làm từ vật liệu tự nhiên như: gỗ, tranh, tre..

Chính sự sắp đặt ấy, các sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS được trở về gần hơn với môi trường vốn có của nó. 

Triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến DTTS

Có thể nói, ngay từ rất sớm, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch số 961/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng DTTS giai đoạn 2021 - 2030" trên địa bàn. Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025 là tổ chức hiệu quả các hoạt động Chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hóa và phát huy vai trò làm chủ trong xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Mỗi thôn hoặc liên kết các thôn trong xã thành lập 01 đến 02 câu lạc bộ (đội) văn hóa, văn nghệ hoạt động hiệu quả; duy trì tổ chức liên hoan, giao lưu các câu lạc bộ, đội văn nghệ 01 - 02 lần/năm phù hợp với điều kiện địa phương.

Đồng thời, tổ chức các chuyến đi thực tế cho văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số; các cuộc thi, liên hoan, các cuộc vận động sáng tác văn học, kịch bản phim, kịch bản sân khấu, nhạc, thơ, ảnh, mỹ thuật, ca khúc, chuyên mục phát thanh, phóng sự truyền hình, tác phẩm báo chí về đề tài dân tộc thiểu số. Tăng cường phát triển văn hóa đọc; tiếp tục trang bị sách, báo cho các thư viện tỉnh, huyện; phấn đấu chỉ tiêu 03 bản sách/người/năm,…

Giai đoạn 2025 – 2030, nâng cao chất lượng, đổi mới hình thức, nội dung các Chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số.

Tiếp tục nâng cao mức hưởng thụ văn hóa và phát huy vai trò làm chủ trong xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; nhân rộng các mô hình câu lạc bộ, đội văn hóa, nghệ thuật ở xóm. Duy trì tổ chức liên hoan, giao lưu các câu lạc bộ, đội văn nghệ trên địa bàn tỉnh Gia Lai 02 năm/lần. Ứng dụng công nghệ số xây dựng các sản phẩm phim, ảnh, sách, báo về văn hóa nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.

Với một hệ thống cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa luôn được quan tâm đầu tư, xây dựng đã góp phần tạo điều kiện cho cộng đồng người DTTS trong tỉnh hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần. Nhờ đó, các hoạt động văn hóa theo chủ trương xã hội hóa ngày càng thu hút sự quan tâm và hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, tính đến nay toàn tỉnh có gần 1.200 Nhà văn hóa – Khu thể thao thôn, làng (đạt 80%), phấn đấu đến năm 2030, có 100% xã hoàn thiện về cơ sở vật chất Trung tâm Văn hóa, Thể thao xã, Nhà văn hóa – Khu thể thao thôn, làng.

Diệu Bình, Thanh Hà, Đỗ Khôi, Hoàng Hiệp, Ánh Tuyết