Mời quý độc giả theo dõi video:
Vào sáng chủ nhật hàng tuần, tiếng cồng chiêng, tiếng nhạc cụ dân tộc lại âm vang khắp không gian trung tâm thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Đó là thời điểm diễn ra chương trình “Sắc màu văn hóa Gia Lai - Bảo tồn và phát triển”.
Mỗi tuần, chương trình sẽ mời một đoàn nghệ nhân khác nhau tham gia trình diễn sắc màu văn hóa của dân tộc địa phương. Các nghệ nhân tái hiện không gian sinh hoạt hằng ngày như đan lát, dệt vải, tạc tượng, giã gạo, hát kể sử thi, biểu diễn dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc…; tái hiện không gian sinh hoạt lễ hội; tổ chức các trò chơi dân gian như đi cà kheo, bắn nỏ, kéo co, nhảy sạp, ném còn, bập bênh...; chế biến ẩm thực và thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Chương trình nhằm tạo không gian để người dân, khách tham quan tìm hiểu đặc trưng văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Thông qua mô hình giúp cộng đồng các dân tộc trong tỉnh quảng bá, giới thiệu văn hoá đến người dân và du khách; góp phần bảo tồn văn hoá truyền thống các dân tộc đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.
Kinh phí tổ chức chương trình từ nguồn vốn Dự án 6 thuộc Chương trình mục mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023.
Với lợi thế về vị trí địa lý, thời tiết giao thoa 4 mùa và đặc biệt là sự đa dạng, độc đáo về bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, TP Pleiku đang hướng đến phát triển du lịch xanh gắn với khai thác các giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc. Đây cũng là hoạt động thực hiện Dự án 6 của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025.
Nhờ làm tốt công tác quảng bá và đa dạng hóa các loại hình du lịch, liên tục triển khai nhiều hoạt động, sự kiện đa dạng thu hút du khách tới tham quan ngày càng nhiều, ngành du lịch tỉnh Gia Lai phát triển mạnh mẽ, đặt biệt kết quả thực hiện vượt kế hoạch đề ra trong năm 2023.
Tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Gia Lai trong năm 2023 đạt 1.200 lượt, tăng 25% so với năm 2022, vượt 9% chỉ tiêu kế hoạch năm. Tổng thu du lịch ước đạt 790 tỷ đồng, tăng 27,4% so với năm 2022, vượt 12,86% chỉ tiêu kế hoạch.
Với đà tăng trưởng trên, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu năm 2024 có tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Gia Lai đạt 1,32 triệu lượt, tăng 10% so với năm 2023. Trong đó, khách quốc tế 10.000 lượt, khách nội địa 1,31 triệu lượt. Tổng thu du lịch dự kiến đạt 860 tỷ đồng, tăng 8,86% so với năm 2023.
Theo Dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, mục tiêu đến năm 2030 và những năm tiếp theo xây dựng Gia Lai trở thành trung tâm du lịch về nghỉ dưỡng kết hợp với chăm sóc sức khỏe và rèn luyện thể lực, thể dục - thể thao; phát triển ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Cụ thể, đến năm 2030, Gia Lai đạt 4,2 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa là 4,1 triệu lượt, khách quốc tế 0,1 triệu lượt. Lượng khách tăng trưởng bình quân 20%/năm. Tổng thu từ du lịch đạt 5.500 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân đạt 20%/năm. Tạo việc làm cho 5.000 lao động trực tiếp và 7.000 lao động gián tiếp.
Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Gia Lai phấn đấu trở thành “cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”. Thương hiệu và tính bền vững của du lịch tỉnh Gia Lai được thể hiện ở các tiêu chí chính là đẳng cấp, khác biệt, khả thi.
Để đạt mục tiêu đó, thời gian tới, thành phố tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn ngân sách của Trung ương, của tỉnh, của địa phương để xúc tiến đầu tư hạ tầng du lịch; Thực hiện xã hội hóa để thu hút đầu tư, phát huy nội lực của người dân, doanh nghiệp; Thu hút một số doanh nghiệp lớn từ các trung tâm kinh tế và các tỉnh lân cận tham gia đầu tư, bảo đảm vừa phát triển dịch vụ - du lịch trên địa bàn, vừa tạo điều kiện quảng bá trực tiếp hàng hóa của thành phố với các địa phương khác.
Dựa theo điều kiện thực tế, tỉnh tạo ra các tour du lịch liên hoàn, đồng bộ có chất lượng; Nâng cao chất lượng phục vụ và cơ sở vật chất các nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở lưu trú đảm bảo văn minh, lịch sự, an toàn.
Gia Lai cũng đề ra phương hướng phát triển không gian du lịch, văn hóa, giải trí gắn với danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa, lịch sử, địa chất. Tỉnh ưu tiên phát triển các khu du lịch theo hướng liên kết không gian du lịch vùng và các tỉnh liền kề, kết nối các tuyến du lịch liên vùng để mở rộng tiềm năng du lịch của địa phương.
Thuỳ Chi- Đức Yên