Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, mỗi năm tội phạm tiến hành rửa tiền thành công từ 1.000-1.500 tỷ USD trên toàn thế giới, gây ra những tác hại khôn lường, trong đó có khoảng 1.000 tỷ USD thông qua các hoạt động hối lộ, tham nhũng…
Chính vì vậy hoạt động phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, là một trong những hoạt động luôn được quan tâm bởi các nhà làm luật, chính sách và các cơ quan thực thi. Trong đó quan trọng nhất là minh bạch tài chính, trong sạch hệ thống tài chính, từ đó góp phần làm giảm các loại hình tội phạm trong xã hội như buôn lậu, buôn người, ma túy, tham nhũng…
Theo đại diện của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho biết khi sự phát triển của các công nghệ mới, điện toán đám mây, kinh tế số, ứng dụng số… thì các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng phát triển nhanh, đem lại nhiều thuận lợi. Song đi kèm với đó là các tội phạm rửa tiền trở nên tinh vi và phức tạp hơn.
Nhằm khắc phục những thiếu hụt được xác định trong Báo cáo đánh giá đa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 941/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia về PCRT, TTKB và TTPBVKHDHL giai đoạn 2021 - 2025.
Kế hoạch hành động bao gồm Danh mục 41 hành động quốc gia về PCRT, TTKB, TTPBVKHDHL giai đoạn 2021 - 2025 và Phụ lục 83 hành động thực hiện Kế hoạch đến tháng 3/2023. Theo Kế hoạch này, bên cạnh việc ban hành Luật PCRT 2022 và các văn bản hướng dẫn chi tiết, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự liên quan đến tội rửa tiền, tội TTKB, hành vi TTPBVKHDHL; nghiên cứu tính khả thi và đề xuất xây dựng cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội tại Việt Nam;
Bộ Tư pháp, Bộ Công an phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu, rà soát Luật Tương trợ tư pháp; giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản…
Bên cạnh đó, các bộ, ngành phải triển khai thực hiện một loạt các hành động khác như: Tăng cường, đẩy mạnh hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền (Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao); tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát trong PCRT thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành có đối tượng báo cáo thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành…
Theo bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền, NHNN, kế hoạch hành động quốc gia về PCRT, TTKB, TTPBVKHDHL được ban hành và triển khai đồng bộ không chỉ thể̉ hiện ý chí quyết tâm của Việt Nam trong công tác PCRT nói riêng và phòng, chống tội phạm nói chung mà còn góp phần quan trọng trong định hướng và triển khai công tác PCRT, TTKB tại Việt Nam. Quá trình triển khai thực hiện các Kế hoạch hành động quốc gia luôn được Ban Chỉ đạo lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và điều phối có hiệu quả đối với các bộ, ngành có liên quan trong triển khai công tác PCRT, TTKB và phòng, chống tội phạm tại Việt Nam. Thông qua việc ban hành và triển khai các kế hoạch hành động cấp quốc gia về PCRT, TTKB, TTPBVKHDHL và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, có thể thấy, Chính phủ Việt Nam cam kết xây dựng và hoàn thiện cơ chế PCRT, TTKB với các mục tiêu chính như sau:
- Xây dựng một cơ chế PCRT, TTKB, TTPBVKHDHL có hiệu quả ở Việt Nam vì nền hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
- Thực hiện trách nhiệm thành viên của Việt Nam trong Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG).
- Bảo vệ tối đa lợi ích của quốc gia, của các tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế, góp phần phòng, chống tội phạm tham nhũng, rửa tiền, TTKB, TTPBVKHDHL, tăng cường sự ổn định của các tổ chức tài chính và các đối tượng báo cáo khác, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo PCRT đã tiếp tục được kiện toàn thông qua việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 12/5/2022 về việc thành lập Ban Chỉ đạo PCRT thay thế Quyết định số 470/QĐ-TTg. Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành trong công tác PCRT trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Trưởng Ban Chỉ đạo; các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo gồm: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) là Phó Trưởng Ban thường trực; lãnh đạo Bộ Công an là Phó Trưởng Ban. Thành viên Ban Chỉ đạo bao gồm Lãnh đạo các bộ, ngành quan trọng như: Tòa án nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Văn phòng Chính phủ; Bộ Quốc phòng; Bộ Tư pháp; Bộ Ngoại giao; Bộ Nội vụ; Bộ Tài chính; Bộ Công Thương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Xây dựng; Thanh tra Chính phủ; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Với thành phần như trên, việc kiện toàn Ban Chỉ đạo PCRT quốc gia cho thấy sự quan tâm ngày càng sâu sắc của Chính phủ với công tác PCRT.