Ngọc Trâm đang là sinh viên năm thứ 2 Đại học Thương Mại Hà Nội. Nhà cách trường gần 30km, từ năm học này, mỗi ngày, Trâm đi học rồi về nhà hết khoảng hơn 2 tiếng. Tuyến xe bus em đi ngày nào cũng lèn kín người, nếu vào giờ cao điểm, có hôm phải đứng chôn chân một chỗ 15-20 phút.
“Đi xe bus khó chịu và tốn thời gian nhưng mỗi tháng em tiết kiệm được trên dưới 3 triệu đồng (gồm tiền ở và ăn) cho gia đình”, Trâm kể.
Năm ngoái, Trâm cùng 2 người bạn thời cấp 3 thuê chung một căn phòng tại khu chung cư mini trong ngõ ở đường Doãn Kế Thiện (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ban đầu, nhóm bạn thấy giá phòng 4,5 triệu và tiền điện 2.500 nghìn đồng/số là khá hợp lý. Sau đó, cả 3 mới biết mỗi tháng phải gánh thêm đủ thứ phí lặt vặt khác, bao gồm: tiền nước 200.000, internet 100.000, tiền vệ sinh 100.000, tiền điện sinh hoạt chung: 150.000, bảo trì thang máy: 100.000, dọn vệ sinh (không gian chung): 200.000, tiền gửi xe điện:150.000… Chủ nhà còn yêu cầu đóng tiền thuê 3 tháng một lần.
Khi bắt đầu tới ở, Trâm cũng được yêu cầu tự trang bị mặt nạ chống độc phòng khi có sự cố cháy nổ. Tòa nhà nữ sinh ở cao 10 tầng, mỗi tầng có 5-6 phòng trọ, mỗi phòng rộng 20-25m2. Nơi “đáng sợ” nhất là chỗ để xe, chật như nêm. Khổ nhất những người về sớm, đi sớm, có khi phải loay hoay nửa tiếng mới lấy được xe ra.
“So với một số bạn em ở khu cũ nát, gián chuột chạy ra chạy vào thì chỗ này vẫn tốt chán. Nhưng chi phí quá cao, tính ra, riêng tiền ở, em tốn hơn 2 triệu đồng/tháng, bằng tiền ăn của cả nhà ở quê. Cộng thêm tiền ăn, rồi học phí một kỳ 16 triệu, em ‘ngốn’ của bố mẹ nhiều quá”, Trâm chia sẻ.
Mẹ là thợ may, bố làm xây dựng ở quê, cô nữ sinh 19 tuổi biết rằng để dồn tiền cho mình ăn học gia đình phải thắt chặt mọi khoản chi tiêu khác. Cộng với việc được thông báo giá thuê sẽ tăng lên 5 triệu, Trâm và 2 người bạn quyết định trả phòng, hằng ngày đi học bằng xe bus.
Trâm cho biết, hầu như bạn bè cô ở khu vực Cầu Giấy đều phải thuê nhà trọ diện tích phòng trên dưới 20m2 với giá khoảng 3,5 đến 4,5 triệu/tháng. Một người bạn Trâm thuê trọ tại Cầu Giấy, vừa kêu trời khi nhận thông báo tiền thuê nhà tăng thêm 300.000 đồng, tiền điện sẽ tăng từ 4.000 đồng/số lên 4.500 đồng.
“Nhà bạn ấy cách cả trăm cây số, không thể đi đi về về như em. Bạn chọn cách đi làm thêm, để vừa ít ở nhà, đỡ tốn điện, vừa có thu nhập trang trải các chi phí chứ không muốn xin thêm bố mẹ. Bạn ít ở nhà trọ như vậy mà tháng vừa rồi cũng hết hơn một triệu tiền điện, nếu ở cả ngày không biết còn tốn thế nào”, Trâm bộc bạch.
Minh Trang (sinh viên năm cuối Đại học Công đoàn, Hà Nội) đang thuê chung căn phòng 20m2 giá 3,5 triệu đồng cùng một người bạn trong ngõ ở đường Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội). Tiền điện (4.000 đồng/số), tiền nước (40.000 đồng/khối) và tiền mạng, mỗi tháng chi phí cho nơi ở của Trang là 2,2-2,3 triệu đồng.
Mặc dù thấy thích chỗ trọ này vì sạch sẽ, chủ nhà nghiêm túc và tôn trọng người thuê nhưng tháng trước, Trang và bạn quyết định tìm chỗ khác có chi phí rẻ hơn để đỡ gánh nặng cho gia đình.
“Chúng em định chuyển về khu Cầu Giấy vì bạn em đã đi làm ở đường Phạm Hùng. Thế nhưng, sau khi tìm tới 5-6 phòng trọ để xem và hỏi giá, chúng em từ bỏ ý định chuyển chỗ ở. Hầu như không thể tìm được nơi nào giá rẻ hơn mà có điều kiện sống tương đương, đa số các phòng giá dưới 3,5 triệu đều rất bé, nhà cũ và bẩn. Chỗ nào giá điện thấp hơn một tí thì tiền nước, tiền vệ sinh hay dịch vụ lại cao”, Trang cho biết.
Nữ sinh chia sẻ thêm kinh nghiệm tìm phòng trọ là phải chịu khó đi dọc các tuyến đường, ngõ lớn khu mình định ở, thấy thông tin từ các tờ rơi, tìm tới tận nơi, gặp chủ nhà, nhìn trực tiếp phòng.
“Mấy lần chúng em xem trên web hay các nhóm mạng xã hội, ảnh thì lung linh, rộng rãi lắm, tới nơi lại chật chội, nhếch nhác. Hơn nữa, phần lớn các thông tin rao trên mạng là từ bên trung gian”, Trang nói.
Anh Đức Thành (Hưng Yên), vừa đi tìm thuê trọ cho cậu con trai sẽ vào đại học năm nay. Tìm kiếm trên mạng, anh thấy một người rao căn hộ mới, đẹp tại đường Lĩnh Nam (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tới tận nơi xem, anh thất vọng khi thấy đó là một phòng trọ rộng chưa đầy 15m2, có giá 4,5 triệu đồng/tháng, đóng 2 tháng một lần. Đó là chưa kể mỗi tháng tốn thêm 130.000 tiền nước, 120.000 tiền internet, tiền điện 4.500 đồng/số…
“Hôm tôi tới, có nhiều người đến xem lắm, mình nghĩ phòng xấu giá trên trời nhưng thấy người khác đặt cọc ngay cũng hoang mang. Đi khảo giá tôi thấy giờ tìm cho con ở chung với bạn một căn phòng sạch đẹp, nơi an ninh tốt mà giá rẻ hơn thế là quá khó. Không biết tới lúc con nhập học đã tìm được chưa”, anh Thành bộc bạch.
Theo dữ liệu của một kênh bất động sản, nhà trọ là phân khúc duy nhất tăng trưởng trên thị trường cho thuê đầu năm nay. Nhiều khu nhà cho thuê phòng trọ ở các quận nội thành, nơi có nhiều trường đại học, đã tăng giá 10-15%.
Chẳng hạn, khu trọ phường Quan Hoa, nếu năm 2023 giá thuê một phòng trọ nhỏ (dưới 15m2) có thể dưới 2 triệu đồng thì tới nay chi phí có thể lên tới 2,3-2,5 triệu đồng. Những phòng rộng hơn, giá dao động từ 3,5 tới 4 triệu đồng.
Lý do lý giải cho việc tăng giá này được đưa ra là: Nhu cầu tìm thuê phòng trọ cao hơn khi năm học mới bắt đầu - sinh viên từ các tỉnh lẻ đồ về Hà Nội học tập; Chủ nhà đầu tư chi phí tu sửa, trang bị hệ thống đáp ứng an toàn PCCC theo yêu cầu của cơ quan chức năng sau một loạt vụ cháy nổ; Xu hướng các đơn vị thầu nhà nguyên căn và cho thuê lại từng phòng tăng lên...
Thống kê cho thấy, hiện Hà Nội là nơi tập trung gần 60 trường đại học, với gần 600 nghìn sinh viên. Theo UBND thành phố, đến năm 2030, thủ đô có khoảng 650.000-700.000 sinh viên, chiếm 40% tổng số sinh viên vùng đồng bằng sông Hồng.
Từ năm 2010, Hà Nội Định hướng di dời các trường đại học từ trung tâm thành phố ra khu vực ngoại thành, nhưng tới nay vẫn chưa đạt tiến độ đề ra do nhiều vướng mắc.
Yên Minh