6 lần phá ngưỡng: 51 lên 56 triệu đồng/lượng

Giá vàng trong nước chùng lại vào 2 ngày cuối tuần nhưng giá thế giới tiếp tục tăng lên đỉnh cao mới trong 9 năm và được dự báo vẫn còn đi lên, có thể sớm đạt đỉnh cao mọi thời đại.

Sáng phiên cuối tuần ngày 25/7, giá vàng miếng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 53,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,02 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm gần 1 triệu đồng/lượng so với đỉnh cao phiên trước. Giá vàng SJC tại Doji ở mức 53,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 54,80 triệu đồng/lượng (bán ra).

Cao điểm, cuối giờ sáng 24/7, giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn đã đạt đỉnh 56 triệu đồng/lượng.

Trước đó, trong phiên ngày 23/7, giá vàng trong nước đã có cú bứt phá vọt thêm gần 2 triệu đồng lên gần 55 triệu đồng/lượng. Đây là một mức giá cao chưa từng có của vàng miếng SJC trên thị trường trong nước. Tính trong 5 phiên tuần qua, giá vàng đã tăng tổng cộng khoảng 4-5 triệu đồng/lượng, từ mức 50,9 triệu đồng/lượng cuối ngày 20/7.

Cụ thể, cuối chiều ngày 20/7 giá vàng 50,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 50,95 triệu đồng/lượng (bán ra) nhưng đến chiều 21/7 đã vượt: 51,05 triệu đồng/lượng (mua vào) và 51,52 triệu đồng/lượng (bán ra)

Sáng 22/7 lúc 8h30 sáng: 51,50 triệu đồng/lượng (mua vào) và 52,67 triệu đồng/lượng (bán ra). Đến chiều 22/7, liên tiếp phá mốc với  52,10 triệu đồng/lượng (mua vào) và 53,07 triệu đồng/lượng (bán ra).

Chưa dừng lại, mở hàng sáng 24/7 vàng lên 53,50 triệu đồng/lượng (mua vào) và 54,82 triệu đồng/lượng (bán ra). Và ngày trong buổi sáng 24/7 đã vượt mốc 55 triệu với mức 54 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,15 triệu đồng/lượng (bán ra).

Đỉnh cao, chốt lúc 11h45 ngày 24/7, giá đạt 54 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56 triệu đồng/lượng (bán ra).

So với đầu năm, giá vàng đã tăng khoảng 13 triệu đồng/lượng (tương đương tăng 30%).  Mặc dù giá vàng tăng mạnh nhưng thị trường vàng trong nước giao dịch khá ổn định, không có tình trạng tranh nhau mua vàng, hay các doanh nghiệp không đủ vàng/đủ tiền để trả khách.

Số lượng người đến giao dịch trên thực tế tăng đáng kể do nhiều người đến chốt lời, một số mua vàng trả nợ… nhưng không quá đột biến.

{keywords}
Biến động giá vàng trong tuần lịch sử.

Thế giới vượt 1.900 USD/ounce, dự báo lên 3.000 USD/ounce

Giá vàng thế giới nhanh chóng vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce (53,8 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế phí) trong phiên cuối tuần (25/7 - giờ Việt Nam) và chỉ còn cách chưa tới 20 USD so với kỷ lục lịch sử ghi nhận hồi tháng 9/2011, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang và giới đầu đau đầu về đại dịch Covid-19.

Như vậy, chỉ trong vòng 1 tuần, giá vàng thế giới đã phá 2 ngưỡng cản quan trọng: 1.800 và 1.900 USD/ounce. Thứ Sáu tuần trước (17/7), giá vàng vẫn ở ở nưỡng 1.795 USD/ounce, thì hiện giờ đã trên 1.901 USD/ounce.

Sau nhiều năm nằm im, giá vàng tăng bùng nổ từ 2019 cho tới nay, với mức tăng lên tới 25% tính từ đầu năm và 48,2% kể từ đầu 2019.

Đây là một mức tăng rất cao, nhưng dự báo đây vẫn chưa là đỉnh mà vàng có thể được thiết lập đỉnh vào 2022 trong bối cảnh thế giới đón nhận lượng bơm tiền lên tới cả chục nghìn tỷ USD và nhiều nền kinh tế đang duy trì lãi suất âm.

Theo phân tích kỹ thuật, vàng đang có động lực để tăng mạnh sau khi phá vỡ ngưỡng kháng cự dài hạn ở mức 1.800/ounce. Vàng đang vào một đợt tăng giá mới và trên Kitco, CrossBorder Capital cho rằng, vẫn còn cơ sở để giá tăng cao hơn.

Theo đó, CrossBorder Capital cho rằng, giá vàng cần tăng thêm 34%, tức lên 2.500 USD/ounce (tương đương 70,8 triệu đồng, chưa tính thuế phí) nếu Mỹ muốn bình thường hóa số nợ của mình, đưa giá trị nợ trở về mức trung bình lịch sử. Ở môi trường hiện tại, vàng được mô tả là “tiêu chuẩn cuối cùng của giá trị”.

Trước đó, cũng trên Kitco, TD Securities đưa ra dự báo cho rằng, vàng sẽ hoạt động tốt trong quý III và đang trên đường đạt 2.000 USD/ounce vào cuối năm 2021. Một đồng USD suy yếu, lãi suất thực âm và đại dịch Covid kéo dài sẽ thúc đẩy thị trường vàng.

Theo một dự báo vừa được ngân hàng Bank of America đưa ra, giá vàng sẽ tăng lên mức cao kỷ lục 3.000 USD/ounce (85 triệu đồng/lượng) trong vòng hơn 1 năm tới do những động thái nới lỏng tiền tệ và bơm tiền ở mức chưa từng có của NHTW các nước sẽ gây ra một áp lực lớn trên thị trường tài chính.

{keywords}
Giá vàng thế giới lên sát đỉnh lịch sử.

Mức giá dự báo lần này của Ngân hàng Bank of America đã cao hơn nhiều so với dự báo 2.000 USD/ounce đưa ra trước đó và cao hơn nhiều so với mức giá kỷ lục của giá vàng: 1.921 USD/ounce ghi nhận hồi cuối 2011.

Trong báo cáo của mình, Bank of America cho rằng “Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không thể in vàng" và do đó vàng sẽ còn đi lên. Vàng sẽ có giá trung bình 1.695 USD/ounce trong năm 2020 và 2.063 USD trong năm 2021.

Nhiều tổ chức khác dự báo, vàng có thể lên ngưỡng 2.000 USD/ounce ngay trong quý III tới, khi mà nước Mỹ tiến tới cuộc bầu cử tổng thống.

Goldman Sachs cho rằng giá vàng sẽ đạt mức kỷ lục 2.000 trong 12 tháng tới. Trong khi Tập đoàn United Overseas Bank khẳng định, vàng sẽ là mặt hàng chủ chốt duy nhất có triển vọng tích cực trong phần còn lại của năm. Các dự báo dựa trên nỗi lo lạm phát gia tăng và lãi suất thực âm ở nhiều quốc gia.

Một số tổ chức dự báo, vàng thậm chí vẫn đang ở trong giai đoạn đầu của thị trường tăng giá. Đây có lẽ sẽ là thị trường tăng giá mạnh nhất và biến động nhất tính theo tỷ lệ phần trăm. Vàng được dự báo sẽ lên mức 3.000-5.000 USD/ounce (85-142 triệu đồng/lượng) trong 3 năm tới.

Trên Kitco, Dan Oliver, nhà sáng lập Myrmikan Capital cho rằng, dự báo về dài hạn của vàng không còn là 3.000 USD/ounce, mà mục tiêu giờ là 10.000 USD/ounce (tương đương 283 triệu đồng/lượng).

Những yếu tố đẩy giá vàng lên cao

Vàng tăng mạnh trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết sau khi chính quyền ông Donald Trump hôm 21/7 yêu cầu đóng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston (Texas), cho phía Bắc Kinh 72 giờ để làm việc này.  Ông Trump cũng vừa đưa ra cảnh báo Washington có thể đóng thêm các lãnh sự quán khác của Bắc Kinh. Trong khi Trung Quốc cũng cho biết sẽ trả đũa.

Mỹ đã bổ sung thêm 11 công ty Trung Quốc vào danh sách thực thể bị trừng phạt. Các công ty này sẽ bị cấm mua công nghệ của Mỹ khi chưa được chính phủ Mỹ cấp giấy phép. Một số công ty này có quan hệ làm ăn với nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, trong đó có cả Mỹ và Hàn Quốc…

Các chỉ số chứng khoán Trung Quốc đồng loạt lao dốc 4-6% sau khi Bắc Kinh ra lệnh cho Mỹ đóng cửa lãnh sự quán tại thành phố Thành Đô. Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán tháo cổ phiếu Trung Quốc, với hàng tỷ USD mỗi phiên.

Trong khi đó, đại dịch Covid-19 vẫn lan rộng với hàng loạt nước ghi nhận các ổ dịch mới và vẫn phải tính tới khả năng phải đóng cửa một phần các nền kinh tế.

Tính tới đầu giờ sáng 25/7, theo Worldomester, số ca nhiễm Covid trên toàn thế giới đã lên tới gần 16 triệu người, trong đó có hơn 640 nghìn ca tử vong. Số lượng người nhiễm tại châu Âu là trên 3 triệu người.

Tại Mỹ, dường như không có dấu hiệu nào cho thấy coronavirus đang dừng việc lây lan trên khắp đất nước này. Mỹ đã ghi nhận hơn 4 triệu trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 1/4 con số này được phát hiện trong 15 ngày qua.

Ảnh hưởng của đại dịch tới nền kinh tế là rất lớn. Hàn Quốc vừa công bố chính thức rơi vào suy thoái sau 17 năm. GDP nước này trong quý II giảm 3,3% so với quý trước. Đây là lần đầu tiên kinh tế Hàn Quốc sụt giảm 2 quý liên tiếp kể từ năm 2003 và đây là mức giảm theo quý mạnh nhất kể từ năm 1998.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đưa ra dự báo rằng, cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ đẩy các nền kinh tế vào một đợt suy thoái trầm trọng, ước tính thiệt hại lên tới 12 nghìn tỷ USD. Theo đại diện IMF, nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm 4,9% trong năm nay và bằng một nửa so với mức giảm 10% trong cuộc khủng hoảng kinh tế 1930.

Giữa nhiều nguy cơ, Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới vẫn tiếp tục cho thấy sự bất ổn. Những dự báo từ đại diện của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, nền kinh tế Mỹ còn lâu mới khỏe mạnh và sự phục hồi hoàn toàn có thể sẽ phải mất nhiều năm để đạt được.

Theo thống kê, bảng cân đối của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng nhanh trong thời gian vừa qua, tăng thêm 3 ngàn tỷ USD chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng và hiện đã vượt ngưỡng 7 ngàn tỷ USD.

Cựu Chủ tịch Fed chi nhánh New York Bill Dudley cho rằng, quy mô bảng cân đối của Fed có thể sẽ vượt quá 10 nghìn tỷ USD vào cuối năm nay. Trong khi đó, cơ sở vốn của Fed chỉ là 39 tỷ USD.

Điều này có nghĩa là Fed đang phải sử dụng các nghiệp vụ vay và bơm tiền để làm đòn bẩy rất lớn. Hệ quả là Fed đang gánh chịu rủi ro lớn để chống đỡ cho nền kinh tế Mỹ và vàng cũng sẽ phản ứng tương ứng, tăng lên một mức giá mà có thể cân bằng được bảng cân đối của Fed.

Trên CNBC, nhà kinh tế học Stephen Roach cho rằng, nước Mỹ đang đứng trước một cuộc suy thoái kép. Theo đó, kỳ vọng phục hồi hình chữ V khiến các nhà đầu tư ở Mỹ lạc lối và bỏ qua nguy cơ nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào cuộc suy thoái kịch tính thứ 2.

Cựu chủ tịch Morgan Stanley Asia cho rằng, số ca mắc mới tăng đột biến và chính vấn đề của nền kinh tế Mỹ sẽ gây ra cuộc suy thoái kép. Nhiều khả năng nước Mỹ sẽ chứng kiến hàng loạt vụ phá sản vào nửa cuối năm nay.

Vàng còn được hỗ trợ mạnh bởi một đồng USD suy yếu. Đồng bạc xanh đang ở mức thấp nhất kể từ cuối 2018 so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác. USD đang có tuần giảm mạnh nhất tháng.

Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) rạng sáng 25/7 (giờ Việt Nam) xuống chỉ còn 94,35 điểm. Hồi cuối tháng 3/2020, chỉ số này còn đứng trên ngưỡng 100 điểm.

Đồng USD xuống mức rất thấp khi nhà đầu tư hoài nghi về khả năng kinh tế Mỹ phục hồi cũng như việc kiểm soát dịch bệnh ở Covid-19 của đất nước này. Số liệu kinh tế công bố cho thấy số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng trong tuần kết thúc ngày 18/07/2020 tăng 109.000 người lên 1,42 triệu người. Điều này xuất phát từ việc một số bang phải tái đóng cửa do dịch bệnh bùng phát trở lại.

{keywords}
Vàng tăng giá mạnh trong những ngày qua.

Trên CNBC, nhà kinh tế học Stephen Roach cảnh báo về sự sụp đổ của đồng USD. Chuyên gia này cảnh báo đồng USD sẽ giảm 35% trong năm nay và 2021 sau khi đã giảm khoảng 6% trong 3 tháng qua. Và đồng USD đang ở “giai đoạn đầu của một cuộc suy thoái”.

Vàng thế giới tăng mạnh sau khi Liên minh châu Âu (EU) đạt được thỏa thuận về gói giải cứu nền kinh tế khu vực trị giá tổng cộng 750 tỷ euro (860 tỷ USD).

Trên Kitco, theo CEO của Celsius Network, giá vàng sẽ có một đợt tăng mạnh kéo dài và có thể lên tới 3.000 USD/ounce vào cuối năm tới, thậm chí có thể còn cao hơn nữa, nếu cuộc chiến tiền tệ hiện tại không được kiểm soát.

Hầu hết các nước đang in tiền với quy mô khổng lồ, chưa từng có trong lịch sử, một quý in tiền bằng nhiều năm cộng lại. Việc in tiền quy mô lớn có nguy cơ gây nên tranh chấp tiền tệ nghiêm trọng. Đây là cơ sở để vàng có thể bước vào một giai đoạn tăng vọt.

Bộ Tài chính Mỹ đã triển khai các kế hoạch vay hàng nghìn tỷ đồng cho các gói giải cứu liên quan đến đại dịch Covid-19. Con số này quá lớn, vượt xa số tiền 530 tỷ USD đã vay trong quý 3/2008 để ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong cả năm 2019, Bộ Tài chính Mỹ chỉ vay ròng 1.280 tỷ USD.

Theo một dự báo gần đây trên CNBC, thâm hụt ngân sách Mỹ có thể đạt kỷ lục 80 năm, lên gần 4.000 tỷ USD trong năm tài khoán 2020 (cao gấp 4 lần so với dự báo trước đó) do chính phủ Mỹ phải thực hiện một loạt các biện pháp hỗ trợ để giúp nền kinh tế số 1 thế giới thoát khỏi sự đình trệ do Covid-19.

Không chỉ Mỹ, tình trạng tin tiền với các chương trình kích thích kinh tế lớn lịch sử tại nhiều nước cũng góp phần khiến vàng được cho là sẽ ngày càng hấp dẫn. Theo Reuters, Nhật Bản và châu Âu cũng liên tục tăng quy mô gói kích thích kinh tế, trị giá hàng nghìn tỷ USD

Hàng loạt NHTW các nước đã hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, trong đó nhiều nơi duy trì mức lãi suất âm như tại Nhật và châu Âu. Áp lực lạm phát trong dài hạn là bệ đỡ vững chắc cho vàng.

 

Các nước đẩy mạnh mua vàng

Vàng trở thành một lựa chọn hàng đầu khi mà các nước lớn rơi vào căng thẳng đối đầu. Đây là một mặt hàng có tính an toàn cao, giữ nguyên giá trị khi thị trường biến động. NHTW các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga… vẫn âm thầm mua vàng.

Trên thực tế, khoảng 80% vàng dự trữ trên thế giới hiện do ngân hàng trung ương và bộ tài chính 25 quốc gia nắm giữ. Tính tới nay, theo Hội đồng vàng thế giới, Mỹ nắm giữ hơn 8.100 tấn vàng, chiếm gần 79% dự trữ ngoại hối. Nước Đức nắm giữ hơn 3.360 tấn...

Không chỉ NHTW và chính phủ các nước, trong khoảng 3 năm gần đây, giới siêu giàu thế giới đổ xô xây hầm bí mật giấu vàng để đối phó với các rủi ro. Theo Goldman Sachs, từ cuối năm 2016, số vàng đầu tư không minh bạch lớn hơn nhiều so với các quỹ vàng hữu hình tại các quỹ ETF giao dịch vàng.

Trên CNN, Công ty Rising S cho biết, doanh thu năm 2016 cho việc xây dựng các hầm ngầm cao cấp của họ tăng 700% so với năm 2015, còn doanh số chung đã tăng 300% kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 cùng năm.

Các quỹ giao dịch vàng lớn cũng đẩy mạnh mua vào. Tính tới 22/7, các quỹ ETF ghi nhận phiên mua ròng vàng thứ 19 liên tiếp, đẩy số vàng ròng nắm giữ tăng thêm 23,2 triệu ounce. Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust hiện nắm giữ 39,4 triệu ounce vàng với tổng quá trị 73,7 tỷ USD.

Lượng nắm giữ vàng của các quỹ ETF trong năm nay đã đạt đỉnh 12 tháng gần nhất sau khi tăng 28% lên mức 106,2 triệu ounce.

 

 V. Minh