Hơn 4 tuần qua, giá vàng thế giới “lao dốc không phanh”, từ mốc 1.800 USD/ounce về ngưỡng 1.730 USD/ounce. Chỉ tính riêng trong tuần trước, giá vàng thế giới đã giảm hơn 50 USD/ounce.
Tới đầu tuần này, giá vàng thế giới có khởi đầu không mấy tích cực khi giá cứ liên tục lao dốc trong 2 phiên đầu tuần.
Cụ thể, mở cửa phiên giao dịch đầu tuần (ngày 22/8, giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.747,3 USD/ounce, giảm 11,4 USD/ounce so với đêm hôm trước.
Đến ngày 23/8, giá vàng thế giới tiếp tục giảm sâu. Đêm 23/8 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.733 USD/ounce, thấp hơn khoảng 4,8% (88 USD/ounce) so với đầu năm 2022.
Sang ngày 24/8 (giờ Việt Nam), vàng thế giới quay đầu tăng giá. Vào lúc 17h30' ngày 24/8 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.745 USD/ounce, tăng 12,5 USD/ounce so với đêm hôm trước. So với mức đỉnh hơn 2.000 USD/ounce được lập vào tháng 3 vừa qua thì giá vàng thế giới hiện đã hạ tới gần 300 USD/ounce.
Giá vàng thế giới gần đây giảm mạnh do chịu áp lực từ đồng USD không ngừng đi lên. Đồng USD đã tăng giá lên mức đỉnh cao nhất trong 5 tuần qua. Nhiều chuyên gia nhận định, đồng bạc xanh có thể tiếp tục đà “bứt phá” trong thời gian tới và gây áp lực lên vàng, khiến vàng khó có thể tăng.
Ngoài ra, giá vàng giảm còn do sức ép của việc tăng lãi suất. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hé lộ sẽ tăng lãi suất trong thời gian tới. Hiện có hai luồng ý kiến khác nhau về việc liệu Fed sẽ tăng lãi suất lên 50 hay 75 điểm cơ bản tại cuộc họp vào tháng 9.
Giới phân tích cho biết, trong bối cảnh đồng USD tiếp tục mạnh lên, Fed hé lộ thông điệp tăng lãi suất thì giá vàng sẽ tiếp tục giảm. Giá vàng có khả năng tụt về mức 1.700 USD/ounce.
Trong khi giá vàng thế giới giảm sâu thì giá vàng trong nước vẫn duy trì ở mức cao. Không ít phiên giao dịch, giá vàng trong nước đi ngược với giá thế giới. Tức dù giá vàng thế giới giảm mạnh thì giá vàng miếng vẫn đi ngang hoặc tăng mạnh. Điều này khiến mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế luôn duy trì ở mức cao.
Đơn cử, trong phiên giao dịch 19/8, dù giá vàng thế giới giảm sâu thì giá vàng miếng SJC có thời điểm vẫn tăng từ 100.000-200.000 đồng/lượng. Sang ngày 20/8, giá vàng thế giới giảm mạnh thì giá vàng miếng SJC vẫn đứng yên. Đến ngày 22/8, giá vàng trong nước giảm cùng chiều với giá vàng thế giới. Tới ngày 23/8, giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cùng giảm. Ngày 24/8, giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cùng tăng nhẹ.
Có một thực tế là giá vàng miếng luôn cao hơn giá vàng thế giới đến mức phi lý. Từ đầu năm tới nay, giá vàng miếng SJC đã tăng từ 10-11%. Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới luôn ở mức rất cao, từ 15-19 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm vọt lên tới 20 triệu đồng/lượng.
Hiện giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.745 USD/ounce, tương đương 49,35 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC tại Hà Nội được giao dịch quanh mức 66,3-67,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại ngân hàng (chưa tính thuế, phí), giá vàng thế giới đang rẻ hơn giá vàng miếng SJC tới 17,77 triệu đồng/lượng.
Nhiều chuyên gia cho biết không có nước nào trên thế giới có mức chênh lệch quá lớn như vậy. Ở nhiều nước, mức chênh lệch giữa giá vàng nội - ngoại chỉ vài USD/ounce. Chẳng hạn, tại Singapore, chênh lệch giữa giá vàng của nước này với giá vàng thế giới chỉ khoảng 5-6 USD/ounce, tức chỉ đắt hơn vàng thế giới chỉ khoảng 170.000-220.000 đồng/lượng.
Không chỉ có khoảng cách chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra lớn, thị trường vàng Việt Nam còn tồn tại nhiều điểm bất thường như chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước với thế giới ở mức rất cao, có lúc tới 20 triệu đồng/lượng; chênh lệch giữa giá vàng nữ trang, vàng nhẫn với vàng miếng cũng rất lớn, có thời điểm tới hơn 16 triệu đồng/lượng; cùng với đó là sự chênh lệch giá giữa các thương hiệu...
Có thể thấy, thị trường vàng trong nước đang "lạc lõng" so với diễn biến trên thị trường thế giới. Trong khi vàng ở nhiều nước trên thế giới được định giá theo cung - cầu, theo tuổi vàng, theo hàm lượng vàng… thì ở Việt Nam, giá vàng miếng SJC dường như nằm ngoài những quy luật chung.
Các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư không nên lướt sóng ở những phiên sốt nóng để hạn chế rủi ro. Nếu mua vàng tích trữ hoặc đầu tư dài hạn thì nên chọn những thời điểm vàng giảm giá. Đồng thời, nhà đầu tư cần tìm hiểu các thông tin có thể ảnh hưởng tới giá vàng để tránh thua thiệt khi giao dịch.