Nguy cơ phá sản

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, vừa có báo cáo cho biết, qua trao đổi, thảo luận, nắm bắt nhanh tình hình từ 16 tổ chức, hiệp hội trong nửa đầu tháng 8/2022 nhận thấy, các DN rất cần có sự trợ lực về tài chính, để có thể duy trì hoạt động và hồi phục.

Theo Báo cáo của Ban IV, hầu hết các DN vẫn đứng trước khó khăn hết sức lớn về tài chính, với những lý do điển hình là: thiếu vốn lưu động, chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao, số lượng đơn hàng và lợi nhuận sụt giảm, khó tiếp cận vốn vay. Các DN nhỏ và vừa cùng hộ kinh doanh chiếm tới 95% tổng số DN đang hoạt động, nếu không giải quyết vấn đề tín dụng, sẽ có nguy cơ phá sản, bởi không có tiền trả lương cho người lao động; không có vốn để kinh doanh và đầu tư mới.

Tiếp cận tín dụng, huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn là một trong những khó khăn lớn của DN hiện nay. Ảnh: Hoàng Hà

Báo cáo tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với DN năm 2022 ngày 11/8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc tiếp cận tín dụng, huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn là một trong những khó khăn lớn của DN hiện nay. Trong khi đó, mức độ tăng về chi phí của DN cao hơn mức độ tăng về doanh thu trong quý 2/2022 so với trước, khiến nhiều DN đối mặt với khó khăn. Vì vậy, cần sớm tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho DN.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), chi phí sản xuất tăng cao đáng lo ngại, khiến cho giá thành sản phẩm tăng. Chi phí thức ăn chăn nuôi sau dịch đã tăng khoảng 20%, tác động chi phối rất lớn. Chi phí vận tải biển tăng đến 4 lần so với trước; các chi phí khác như nhân công, bao bì, hóa chất… đều tăng.

Trong khi lạm phát tăng cao, người dân các nước giảm tiêu dùng, nhiều nhà nhập khẩu cho biết không nhận đơn hàng từ nay đến tháng 10/2022. Nghĩa là chúng ta sẽ tồn kho, sẽ không có tiền để trả cho ngân hàng, mà không trả khoản vay cũ thì các ngân hàng sẽ không cho vay khoản vay mới. DN sẽ thiếu vốn để mua nguyên liệu, để duy trì hoạt động.

Tương tự như vậy là ngành hàng da giày. Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, các DN thành viên đang đối diện với rất nhiều khó khăn, tỷ lệ tồn kho lên tới khoảng 40%. Tồn kho cao dẫn đến tình trạng thiếu dòng tiền. Như vậy sẽ không có tiền để trả các khoản vay cho ngân hàng, nguy cơ sẽ không được tiếp tục vay vốn nữa, đẩy DN vào chỗ giảm hoạt động.

Phản ánh mới đây của các DN khu vực Đông Nam Bộ đến Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, nửa đầu năm 2022 đã chịu tác động lớn từ giá xăng dầu tăng cao gần 50%, chi phí logistics tăng 15-20% so với cùng kỳ 2021, trong khi năm 2021 tăng 40% so với năm 2020. Cùng với đó, giá nhiều nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài vào cũng tăng với tốc độ từ 20-30% nên khó khăn càng chồng chất.

Khó khăn về vốn, đơn hàng, thị trường, chi phí,... đang bủa vây các DN (ảnh minh họa - Hoàng Hà)

Chi phí tăng đã len lỏi vào trong tất cả các hàng hóa của Việt Nam. Trong khi giá đầu ra không theo tăng theo tương ứng. Điều này khiến cho lợi nhuận của các DN bị giảm mạnh, nhiều DN đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Đa số DN đang gặp khó khăn về tài chính. DN càng nhỏ thì càng khó khăn. 

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Tại một hội nghị mới đây về liên kết phát triển du lịch, bà Cao Thị Tuyết Lan, Giám đốc kinh doanh Công ty Du lịch và sự kiện Viettours, nêu ý kiến, tuy thuế giá trị gia tăng đã giảm cho các DN từ 10% xuống còn 8%, nhưng thời hạn đã sắp hết (12/2022), do đó bà kiến nghị tiếp tục kéo dài chính sách này để kích thích tiêu dùng, qua đó hỗ trợ DN. Chưa kể, hiện DN hiện không thể vay được vốn vì ngân hàng hết room tín dụng, trong khi các công ty rất đói vốn để đầu tư. Bà cho hay, 2 năm vừa qua, các DN du lịch như công ty bà “sống được đã là kỳ tích rồi”, nên cần được hỗ trợ, tạo động lực để phát triển.

Từ các thực trạng khó khăn đó, Ban IV đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan cân nhắc một số giải pháp để giải quyết khó khăn về tài chính cho DN. 

Theo đó, Ban IV kiến nghị Chính phủ tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ DN về thuế, phí, tín dụng. Tiếp tục rà soát, mở rộng hỗ trợ nhằm giảm gánh nặng chi phí của DN trong quá trình phục hồi. Đẩy nhanh các gói hỗ trợ kinh tế bao gồm: gói cấp bù lãi suất 2%; giải ngân gói đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 113.050 tỷ đồng. Nâng “trần” tăng trưởng tín dụng, để ưu tiên thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực kinh doanh trọng điểm như du lịch, công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông, lâm, thủy sản.

Các Hiệp hội đề nghị, ngân hàng cần giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn các khoản vay đến hạn, cho vay tồn kho, tín chấp, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Cần thiết phải thiết kế gói tín dụng riêng để hỗ trợ DN kịp thời hơn.

Đói đơn hàng, thị trường xuất khẩu đang xấu điChi phí đầu vào tăng cao cùng nhu cầu tại nhiều thị trường lớn giảm khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với khó khăn vào nửa cuối năm 2022, đặc biệt là tình trạng thiếu đơn hàng.