- Sau khi đọc các bài “Bơm 120.000 tỷ đồng cho BĐS”, “Dồn sức cứu BĐS: Những hệ quả nguy hiểm”, nhiều bạn đọc đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC;

Tiếp tục ‘giải cứu’ BĐS, đi ngược lợi ích của dân?

Bạn đọc Việt (email viet_thanh1968@yahoo.com) nhận xét: “Bài viết quá hay. Nếu đổ 120.000 tỷ đồng để cứu BĐS như Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nói thì rất có thể sẽ gây ‘thảm họa’ cho đất nước (tất nhiên một số đại gia, nhóm lợi ích sẽ hưởng lợi). Vấn đề hiện nay của vòng luẩn quẩn BĐS - Ngân hàng chính là do ‘lỗi’ đã tạo cơ hội cho thói tham lam ích kỷ của các nhóm lợi ích kiếm tiền bằng mọi giá kể cả đặt nền kinh tế của cả quốc gia vào thế rủi ro để ‘mặc cả’. Phải chấp nhận làm cuộc cách mạng tái cấu trúc sửa ‘lỗi’ trong đó cả nguồn nhân lực thực thi tái cấu trúc mới giúp Việt Nam phát triển. Ngoài ra không còn con đường nào khác.”

Ảnh minh họa
Phụ họa của email buongdan@yahoo.com: “Xin cám ơn tác giả, một người nói đúng thực tế và nhìn nhận khách quan. Rất nhiều ‘nhà’ nọ, ‘nhà’ kia chỉ có mỗi giọng: Mua nhanh kẻo tăng giá, mua nhanh kẻo hết, quả là có ‘nhóm lợi ích’ tác động rất mạnh. Nhưng không có kẻ nào mạnh bằng quy luật nghiệt ngã của thị trường.”

Email khiemkg2012@gmail.com cho rằng: “Nếu tiếp tục thực hiện giải cứu BĐS theo cách này có thể nói là đi ngược lại với lợi ích của người dân, khuyến khích kiểu làm kinh tế ‘đi đêm’ vì lợi của nhóm.”

Tán đồng của email bell8588@gmail.com: “Việc cứu trợ này giống với việc cùng bắt tay cho ‘lợi ích nhóm’, chứ không phải là ‘giải cứu’ gì cả. Bởi vì, chỉ 1 nhóm nhỏ được hưởng quyền lợi, còn người dân vẫn chịu thiệt thòi. Số tiền bỏ ra quá lớn, trong khi lợi ích nó mang lại chẳng nhiều. Đây có lẽ là 1 dự án đầu tư lỗ, rất rõ.”

“Những 'gói' như thế này chỉ mang lại lợi ích cho các đại gia bất động sản. Vì thế tiền của nhà nước liệu có phục vụ các vị này không?” đó là thắc mắc của emai chungtbackupmail@gmail.com.

Email nvh_10000@yahoo.com đặt câu hỏi: “Lượng tiền này lớn so với hỗ trợ các ngành khác cần cấp thiết hơn, ảnh hưởng đời sống xã hội nhiều hơn. Tuy nhiên sau đợt này nếu lại tăng thêm quy mô biệt thự hoang, đất bỏ trống và nhà xây không người ở thì ông Thứ trưởng Nam có chịu trách nhiệm không?”

Câu hỏi khác của bạn Sa Tế (email tapdoandautu@gmail.com): “Thật lạ là câu ‘tiền sớm muộn cũng chảy vào bất động sản’ thậm chí nhiều lúc buông ra từ miệng người có trách nhiệm, chẳng khác gì xúi giục chộp giật, đồn kích, vụ lợi. Sao không khuyên người ta đầu tư kinh doanh, sản xuất, tạo việc làm? 

Với tình trạng hiện nay, chứng khoán thì bị nội gián làm giá, vàng thì bị giới kinh doanh vàng lũng đoạn, còn bất động sản thì cũng bị giới kinh doanh đưa đẩy đồn thổi, tin vịt lung tung. Nên tốt nhất nếu có tiền thì bỏ vào kinh doanh hoặc gửi ngân hàng. Nay đã hết thời, không nên dính dáng mấy thứ đầu tư ‘ngồi mát’ đó, không khéo lại nộp tiền cho quỷ dữ.”

Suy ngẫm của email ongnoichipheo@yahoo.com: “Theo triết học mà nói thì chúng ta phải chờ cho đến khi mâu thuẫn lợi ích giữa ‘nhóm lợi ích’ và tầng lớp nhân dân bị đẩy lên đến đỉnh điểm, và khi đó mâu thuẫn sẽ được giải quyết thôi. Vấn đề ở đây là khi nào và cách giải quyết mâu thuẫn này?”

Không hạ giá nhà để người dân mua được, mọi giải pháp đều…vô nghĩa?

Bạn Khánh (email dungmongconha@gmail.com) lo ngại: “Nếu tiếp tục giải cứu bất động sản, người nghèo vẫn nghèo, người giàu càng giàu thêm. Nước mắt nhà giàu chảy ngược vẫn được cứu giúp, còn đội ngũ những người thu nhập từ lương đành phải chờ đến...kiếp sau mới mua nổi nhà. Mặt khác, giới đầu cơ bất động sản càng trỗi dậy bao nhiêu thì nền kinh tế càng méo mó bấy nhiêu.”

Bạn Lê Lan (Email lelan13510@yahoo.com) mong mỏi: “Gói cứu trợ từ tiền thuế một nắng hai sương của dân. Cầu mong nó đừng trôi sông, trôi biển, lại làm giàu cho một số kẻ vốn đã hưởng lợi từ làn sóng đầu cơ trước đây!”

Ước ao của email thanhoang68@vnn.vn: “Nhà nước giả sử có nhiều tiền thì để nhà nước ‘ôm’ BĐS rồi lại tái phân phối cho người nghèo trong XH thì kể cũng ok.”

Bạn Minh Thanh (email minhthanh186@rambler.ru) phân tích: “Mấu chốt của VN là vấn đề làm thế nào hạ giá nhà (căn hộ) để người dân lao động có thể mua được nhà. Không giải quyết được việc đó thì mọi giải pháp đều vô nghĩa. Dòng tiền mới có thể giúp các công ty BĐS dễ thở hơn, dễ đáo nợ hơn, dễ giữ giá sản phẩm hơn nhưng không giải quyết được tận gốc vấn đề của thị trường BĐS. Quản lý theo kiểu gì mà để VN chiếm kỷ lục về giá nhà cao trên thu nhập của người lao động?”

Tán đồng ý kiến trên, nhưng email thu2966@gmail.com lại tiếp cận từ góc độ khác: “Khi tôi tiếp xúc với nhiều người nước ngoài (không như các câu nói mang tính ngoại giao trên báo chí) họ nói rằng chúng ta không làm được cái gì cả, từ cái đinh vít trở đi cũng phải nhập khẩu. Tại sao những người có trách nhiệm lại không đủ quyết tâm dùng những khoản đầu tư như vậy để đầu tư sản xuất mà lại bơm vào BĐS? Phải chăng những người này đang bị nhóm lợi ích chi phối?”

Theo email thanhoang68@vnn.vn thì: “Không thể cứu được thị trường BĐS do không có đủ nguồn lực, số lượng sản phẩm BĐS dư thừa đã quá lớn và giá của nó vẫn quá cao so với khả năng chi trả của người có nhu cầu thực. Hiện tại không hy vọng sự mua vào của giới đầu cơ, lướt sóng.

Việc nhà nước nếu có ý định bơm một khoản tiền lớn vào BĐS sẽ làm tiền VNĐ mất giá nặng thêm vì sự đầu tư vào một sản phẩm đang ế ẩm có giá vẫn quá cao so với giá trị thực. Còn các hậu quả khác không cần nói...Lòng tin của đại đa số người dân là cái quan trọng nhất.”

Email phong.tv1@gmail.com cho rằng: “Theo tôi thì BĐS hiện giờ cứ để như vậy. Hãy đầu tư vào sản xuất và xuất khẩu, phát triển công nghiệp.”

Bạn Triệu Ngọc Liễu (emai trieungoclieu3@gmail.com) nêu ý kiến: “Thực tế đại đa số những người có nhu cầu thực sự nhà ở cũng chưa thể tiếp cận được với việc mua nhà bởi giá bất động sản còn quá cao (chưa phản ánh giá trị thật) so với thu nhập thực tế của họ. Nếu cứu trợ lúc này cũng chỉ ‘béo’ nhóm lợi ích thôi chứ người dân chẳng được hưởng lợi gì đâu. Đứng về phía lợi ích tổng thể hay lợi ích nhóm tùy thuộc vào bản lĩnh và tầm nhìn của người lãnh đạo.”

Ban Bạn đọc