Cầu cạn High Line ở New York (Mỹ): Từ năm 1847, thành phố xây dựng các tuyến đường sắt dọc theo sông Hudson, con đường sớm trở nên dày đặc các phương tiện tới mức thường xuyên gây tai nạn chết người. Để đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu chở đầy hàng hóa chạy trên phố, họ đã thuê những chàng “cao bồi“ cưỡi ngựa đi trước đoàn tàu, cảnh giới an toàn. Tuy vậy, tai nạn và xung đột giao thông vẫn không giảm. Năm 1935, thành phố phải xây cầu cạn trên cao cho tàu chạy, dưới đường phố dành cho xe cộ và người đi bộ.

{keywords}
Cầu cạn Hight Line ở New York (Mỹ)

Do những thay đổi lớn về nhu cầu hàng hóa và vận chuyển, tuyến đường sắt thưa vắng dần, không được sử dụng từ năm 1980, kéo theo cả dãy phố vốn là trụ sở các hãng buôn, vận tải cũng dần ảm đạm. Cho đến năm 2006, cầu cạn đường sắt được chuyển đổi thành công viên đô thị và mở cửa  từng  đoạn trong năm 2009, 2011, và 2014. 

Cây cầu cũ không còn tàu chạy nhưng ngày nay đã trở thành biểu tượng sáng tạo mới của New York, thu hút hàng triệu du khách khắp thế giới, cả khu phố nhộn nhịp trở lại, giá bất động sản tăng vọt, cầu không tàu vẫn mang lại tiếng tăm và tiền bạc cho thành phố.

{keywords}
Cầu Wells-Street trong tuyến  Blue Line thành phố Chicago (Mỹ)

Cầu Wells-Street, Chicago (Mỹ): Cầu hai tầng là loại cầu đặc trưng của Chicago, do tối ưu hóa kết cấu dàn thép. Trên tầng 2 cầu có đoàn tàu vỏ thép không gỉ của tuyến Blue Line. Tuyến chạy từ năm 1900, dài 43,34km, có 33 ga từ sân bay quốc tế O'Hare qua trung tâm thành phố (phần lớn chạy trên cao, có một số đi ngầm), chở 143.178 hành khách/ngày tức hơn 52 triệu khách/năm (2019). 

Những dầm cầu thép lắp dựng trên phố từ 1895, không ngừng được mở rộng, bảo dưỡng duy tu đúng cách nên chạy tốt. Năm 2005, nhiều nhà ga được hiện đại hóa, tự động hóa, phủ sóng 4G toàn tuyến cuối năm 2015.

{keywords}
Cầu Passy trên sông Seine và tuyến tầu siêu nhẹ của Paris (Pháp)

Cầu Passy vốn là cầu đi bộ bắc qua sông Seine (Paris, Pháp) từ năm 1835, đầu thế kỷ 20 được làm thành 2 tầng, tầng trên để tàu điện chạy trong phố. 

Cây cầu ngắn, đỡ đoàn tàu toa nhỏ, chạy êm, luồn lách qua các đường phố cổ kính/hào hoa… Đây là một trong những tuyến tàu bận rộn nhất thế giới: Tuyến số 6 dài hơn 13km, năm 2018 phục vụ 115 triệu hành khách (đi trên cao qua các phố trung tâm Paris, tiếp cận tháp Eiffel.

Nhiều thành phố Bắc Mỹ, Âu, Á đã cho tàu nhẹ chạy trên tầng 2 các cầu qua sông, trên phố. Nhiều tầng 2 xây mới hay tạo tác từ cây cầu cũ vốn có 1 tầng.

Từ thành phố sông đến thành phố cầu

Cầu Long Biên được hoàn thành năm 1902. Sau 84 năm, Hà Nội mới có thêm cầu Thăng Long và Chương Dương. Quy hoạch 1998 vẽ thêm cả chục cây cầu. 

Từ 2000-2015, Hà Nội có thêm 4 cây cầu mới. Cầu Vĩnh Tuy, khánh thành 2010, ngân sách đầu tư cả 2 giai đoạn hơn 400 triệu USD. Ba cây cầu còn lại bằng vốn vay ODA, tổng đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD. Năm 2007, cầu Thanh Trì 410 triệu USD. Năm 2014, cầu Vĩnh Thịnh 400 triệu USD. Năm 2015, cầu Nhật Tân 650 triệu USD.

Quy hoạch giao thông Hà Nội đến 2030 được phê duyệt năm 2016. Ngoài 6 cây cầu hiện có, Hà Nội sẽ xây mới, mở rộng 9 cây cầu vượt qua sông Hồng. Chi phí đầu tư riêng cho hạng mục cầu khoảng 100 nghìn tỷ đồng, trong khi tổng thu ngân sách của Hà Nội 2015-2020 khoảng 940 nghìn tỷ đồng. Thực tế tổng đầu tư cho toàn bộ hạ tầng giao thông 5-7 nghìn tỷ đồng/năm. 

{keywords}
Cầu Long Biên. Ảnh: Hiền Anh

Do vậy 5 năm (2016-2020) không có đầu tư ngân sách cho cầu bắc qua sông Hồng, duy nhất có cầu Văn Lang được đầu tư bằng vốn doanh nghiệp BOT trị giá 65 triệu USD (10% cầu Nhật Tân). Cuối năm 2020, Hà Nội hoàn thành cải tạo mặt cầu Thăng Long (27 triệu USD) và khởi công giai đoạn 2, mở rộng cầu Vĩnh Tuy bằng vốn ngân sách.

Tháng 3/2020, Hà Nội đề xuất xây cầu Tứ Liên và Thượng Cát  khoảng 26 nghìn tỷ đồng bằng vốn đầu tư công và hình thức đầu tư khác phù hợp. Hà Nội cũng đã lên kế hoạch thu tiền từ đất trong 3 năm tới (2021-2023) đạt hơn 104 nghìn tỷ, có thể phải dành một khoản lớn để làm mấy cây cầu này.

Câu hỏi đặt ra là những cây cầu này không cải thiện thực trạng giao thông Hà Nội, khi vị trí của chúng ở bờ Nam (nội thành) chưa có đường dẫn tới chân cầu, còn bờ Bắc chân cầu đặt chỗ đồng không mông quạnh, dân cư thưa thớt.

Trong khi các cầu khác đã quá tải 3-5 lần (Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Chương Dương). Hiệu quả đầu tư và năng lực giao thông của 2 cầu này rất thấp. Cầu Tứ Liên muốn phát huy hiệu quả thì phải nối với đường Văn Cao qua ngầm Hồ Tây (dài 3km, gấp đôi hầm Thủ Thiêm, nội suy trị giá 1,7 tỷ USD). Tổng đầu tư cầu và ngầm lên tới 2,5 tỷ USD (khoảng 55 nghìn tỷ đồng). Hà Nội thu từ tiền bán đất mỗi năm không quá 1 tỷ USD, nhiều món phải chi không chỉ dành cho làm cầu.

Do vậy mỗi cây cầu phải làm giàu cho thành phố chứ không thể lại là gánh nặng nợ nần.

Có tiền không cần bán đất

Quy hoạch giao thông Hà Nội đã xác định vị trí ngầm Trần Hưng Đạo, quy mô tương tự ngầm Thủ Thiêm nên ước khoảng 850 triệu USD, tương đương cầu Tứ Liên, nhưng mang lại rất nhiều lợi ích. Tại bờ Nam nối ngầm với ga ngầm đường sắt đô thị ga Hà Nội, tạo ra không gian dịch vụ và hạ tầng ngầm giá trị cao rộng 1 triệu m2 có thể “nhượng quyền phát triển” (Transfer of Development Rights - TDR) lên tới hàng tỷ USD. 

{keywords}
Giải cứu cầu Long Biên , dư ra tiền xây phố Phùng Hưng mới

Tại bờ Bắc, tiếp cận tới không gian cảnh quan sông Hồng mới “trong đê bối/ngoài đê quai” rộng 4 triệu m2 (gấp 5 lần khu phố cổ) giá trị nhiều tỷ USD. Chỉ cần “nhượng quyền phát triển” các không gian này đã thừa chi phí làm cầu, cầu dẫn, đường bộ và đường sắt đô thị nối trung tâm Hà Nội với khu dân cư tập trung quận Long Biên.

Khẩn cấp là cầu Long Biên đang nguy cơ sập đổ, trong khi ngành đường sắt cạn tiền duy tu. Cần “biến nguy thành cơ” bằng cách gia cường kết hợp gia tăng chức năng, tích hợp đường sắt quốc gia và giao thông đô thị, theo bài học “những cây cầu làm giàu cho thành phố”. Cầu Long Biên không chỉ được gia cường chống sập mà còn phục dựng hình dáng ban đầu, tạo phố thương mại mới, giải tỏa 4 giao cắt đường sắt cắt ngang đường bộ trong phố (Trần Phú, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khuyến).

Trần Huy Ánh 

Những dòng sông sạch chảy qua thành phố giàu mạnh

Những dòng sông sạch chảy qua thành phố giàu mạnh

Những dòng sông ô nhiễm, cạn nước cũng từng bước làm cho thành phố nghèo hèn, ốm yếu.