Để đảm bảo đủ nước và nước sạch cho sông hồ, các thành phố/quốc gia cần có chiến lược tổng thể bảo vệ nguồn nước; Chính sách sử dụng hiệu quả tường minh; Dữ liệu đầy đủ, đo lường thông minh và chính xác… chứ không thể bằng khẩu hiệu suông và những giải pháp vu vơ.

Các thành phố bên sông

Hầu hết các thành phố nằm bên sông có chung số phận với các con sông qua đó. Sông Seine ở Paris, sông Thames ở London, sông Hoàng Phố Thượng Hải làm cho sông và phố cùng nổi danh. Các dòng sông tồn vong cùng thành phố như Vương quốc Angkor (Campuchia) rực rỡ đã suy tàn vì dòng sông chảy qua đó đổi hướng. Phố Hiến, Hội An bị quên lãng do sông đổi dòng…

{keywords}
Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng. Ảnh: Hiền Anh

Những thành phố mạnh mẽ bên sông trong sạch không phải tự nhiên mà do công sức, trí tuệ của cộng đồng xã hội, thành phố, quốc gia đó làm nên.

Thế kỷ 19 đánh dấu các đại đô thị công nghiệp đối mặt với vấn nạn nước thải quy mô lớn. Hàng loạt thành phố châu Âu bị dịch bệnh do ô nhiễm cướp đi sinh mạng hàng triệu người. London cũng vậy, năm 1858, nước sông Thames hôi thối khủng khiếp buộc thành phố xây ngay  hệ thống thu gom nước thải, cho vào cống ngầm và đẩy xa ra ngoài biển, dòng hải lưu đẩy ra xa hơn cho biển cả bao la hấp thụ tuần hoàn.

Nhiều thành phố khác cũng tìm các cách khác nhau để xử lý nước thải: bơm nước thải vào đất nông nghiệp thay cho phân bón. Để giảm mùi hôi, họ làm ra bể/tháp chứa làm lắng, vắt khô chở đến đồng ruộng. Bể chứa nhỏ dần, lại thêm hỗ trợ của vi khuẩn/bùn hoạt tính tăng khả năng làm sạch nước.

Các thành phố thể hiện đẳng cấp quản trị  qua năng lực kiểm soát nước thải (tất cả thành phố Việt Nam không có). Công nghệ tiến hóa không ngừng: Những loại hoạt chất khử mùi/thu hồi độc hại; bơm sục khí oxy tiếp cận nước thải; Gia nhiệt đẩy nhanh quá trình sinh hóa; dùng màng thấm để tạo môi trường chuyển hóa, thẩm thấu ngược…

Quá trình tái sinh nước nhanh hơn, chiếm không gian nhỏ hơn, năng suất cao hơn kèm theo đầu tư/vận hành đắt đỏ hơn khiến cho các thành phố/quốc gia ngày càng thông minh, có tầm nhìn lớn hơn về quy mô cũng như tính bền vững của việc đảm bảo chất lượng nước cho sông.

Tiết kiệm nước và kiểm soát nước thải

Thế giới tiến hóa sản xuất ra nhiều hàng hóa hơn, sử dụng tài nguyên ít hơn, tài nguyên nước đã giảm 90-95% do tuần hoàn và kiểm soát xả thải/ô nhiễm thông minh.

Ở Đan Mạch, các doanh nghiệp hợp tác với nhà khoa học để xây dựng phần mềm tính toán nhu cầu sản xuất ra một đơn vị sản phẩm tiêu dùng hết bao nhiêu nguyên liệu, nhiên liệu để tính ra lượng nước thải, khí thải và phí xử lý rõ ràng ngay từ dự án đầu tư đến sản xuất. 

Khi có sự cố môi trường, quan chức môi trường không phải bơi trong bể xử lý, ngửi mùi nước thải… để chứng minh nước đã an toàn, hoặc không có đoàn thanh tra dò tìm ống thải ngầm hay rình thời gian xả khí thải độc hại.

Nhật Bản phục hồi kinh tế hậu chiến bằng mọi giá, gây ra nạn ô nhiễm và hủy hoại môi trường, sông nước. Sau đó, nước này đã khẳng định trong luật: Tài nguyên tuy hạn chế, nhưng được chia sẻ, tạo thành nền tảng chung cho cuộc sống và sinh kế của tất cả người dân Nhật Bản. 

Người dân được hưởng lợi từ tài nguyên thì có trách nhiệm xử lý nước thải tại chính nhà mình - theo mô hình xử lý nước thải tại nguồn, viết tắt là “Johkasou”. Mỗi gia đình mua riêng hoặc chung nhau trả tiền lắp Johkasou, vật tư, vận hành trạm xử lý nước thải mini.

{keywords}
Du thuyền chạy dọc sông Seine (Paris, Pháp). Ảnh: Hiền Anh 

Nước Pháp năm 1964 đã ban hành “Đạo luật về Nước" với một cải tiến quan trọng là lập ra 6 công ty quản lý lưu vực - tương ứng với 6 lưu vực thuỷ văn lớn (sông Seine, Meuse, Loire, Rhone, Rhine và Garonne). Các công ty này thu tiền của cơ sở dùng nước hoặc làm ô nhiễm nước, đồng thời cũng tài trợ cho những cơ sở phải chuyển nước từ xa hay thực hiện việc lọc nước. 

Ngân sách của 6 công ty nhiều gấp 4 lần ngân sách của Bộ Môi trường. Trách nhiệm công ty phải công bố chất lượng nước hay đáp ứng các “quyền tự do tham khảo thông tin về môi trường". Công dụng của nước được khai thác tổng thể, các bên sử dụng phải chi trả để công ty quản lý nước trở nên hùng mạnh đảm bảo cả quốc gia lẫn liên quốc gia châu Âu chia sẻ nguồn nước dồi dào, chất lượng tốt.

Trung Quốc - nước phát triển kinh tế nhanh chóng - cũng là nước sử dụng tài nguyên nước lớn nhất hành tinh. Các thành phố thải ra từ 24 tỷ m3 (1980) tăng lên 73 tỷ m3 (2006), phần lớn đổ vào sông không qua xử lý; 64% nước sông chất lượng thấp trong tổng số 140.000 km sông (2006). Nhiều sông hồ cạn khô, các vùng bán ngập thu hẹp kéo theo môi trường sinh thái suy giảm. 

Đầu những năm 2000, Trung Quốc đã thực hiện chiến lược làm sạch các dòng sông, lập bản đồ xả thải, đưa ra lộ trình xử lý ô nhiễm sông hồ toàn quốc. Chính phủ định ra cơ chế quản lý nước theo hướng thị trường như: Mua quyền sử dụng 228 triệu m3 nước ở Ninh Hạ, Nội Mông; công bố quota cho phép lấy nước của 27 tỉnh, khu tự trị và thành phố. 

Thiết bị đo nước lắp đặt 90% nhà ở đô thị và công trình. Bộ Tài nguyên nước (MWR) phân vùng kiểm soát dòng thải chất gây ô nhiễm ở 7 lưu vực sông lớn, danh sách 118 nguồn nước uống quan trọng của quốc gia để bảo vệ nghiêm ngặt; làm rõ trách nhiệm trả phí của các tổ chức, cá nhân xả thải.

Từ việc đầu  tư đồng bộ xử lý nước thải, khai thác giá trị kinh tế to lớn từ tài nguyên nước, Trung Quốc đã từng bước (1990-2050) hoàn thành dự án “Nam Thủy Bắc Điều” trị giá hơn 60 tỷ USD để xây dựng gần 4.000 km kênh mương, hồ chứa nhằm chuyển gần 45 tỷ m3 nước từ các sông hồ phía Nam dồi dào lên vùng phía Bắc khô hạn. Hàng trăm thành phố bên sông có hàng ngàn sáng kiến, mô hình khác nhau về bảo vệ và nâng cao chất lượng nước các dòng sông.

Trung Quốc đã từng bước đảm bảo đủ nguồn nước và nước sạch, chất lượng nước và an toàn; giảm đe dọa do lũ lụt hay khô hạn của 7 lưu vực sông lớn từng bước được kiểm soát kéo theo sự hồi sinh của hệ sinh thái sông hồ. Năm 2018, kết quả quan trắc từ 1.935 trạm toàn quốc đạt chất lượng nước tốt từ loại 1-3 chiếm 71% so với 36% năm 2006.

KTS Trần Huy Ánh 

Không tính chuyện xây nhà bán đất, lấy ‘thuận thiên’ quy hoạch sông Hồng

Không tính chuyện xây nhà bán đất, lấy ‘thuận thiên’ quy hoạch sông Hồng

Điều khác biệt trong quy hoạch sông Hồng 2021 là Nhà nước lập quy hoạch bất khả xâm phạm bờ đê sông và đảm bảo sinh kế của người dân.