Thành tựu này là một trong loạt nhiệm vụ sắp tới, góp phần hiện thực hóa chiến lược vũ trụ của Trung Quốc.

Thành tựu lịch sử

Tàu thăm dò nói trên mang tên Hằng Nga 4, đã đáp thành công xuống vùng tối Mặt trăng lúc 10 giờ 26 ngày 3/1 (giờ Trung Quốc). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử con người đưa được thiết bị xuống vùng tối Mặt trăng. Tuyên bố trên trang web của Cục Không gian Quốc gia Trung Quốc khẳng định: “Sứ mệnh đã mở ra một chương mới trong hành trình khám phá Mặt trăng của nhân loại”.

Tàu thăm dò đã gửi về Trái đất những hình ảnh cận cảnh đầu tiên về vùng tối Mặt trăng bằng vệ tinh chuyển tiếp.  

{keywords}
Hình ảnh cận cảnh chưa từng thấy trước đây được Hằng Nga 4 chụp và gửi về từ vùng tối Mặt trăng. Ảnh: AP

Sau đó, tàu Hằng Nga 4 đã hạ một xe tự hành tên là Thỏ ngọc-2 để xe này đi khắp khu vực xung quanh. Các thiết bị trên tàu thăm dò và xe tự hành gồm camera, radar xuyên đất và quang phổ kế để hỗ trợ xác định thành phần của khu vực cấu tạo bằng thiên thạch. Các nhà khoa học hi vọng đá và bụi trong khu vực sẽ giúp hiểu thêm về địa chất Mặt trăng.

Tàu Hằng Nga 4 cũng sẽ thực hiện một thí nghiệm sinh học để xem hạt giống cây có nảy mầm được không và trứng tằm có nở được trong điều kiện trọng lực thấp như ở Mặt trăng không.

Khu vực mà tàu thăm dò Trung Quốc đáp xuống là khu vực xa nhất và cổ xưa nhất trên Mặt trăng vì thế những gì mà tàu thăm dò khám phá ra có thể giúp con người có cái nhìn xa hơn, sâu hơn về nguồn gốc và sự phát triển của Mặt trăng. Một số nhà khoa học cho rằng khu vực xung quanh đó có thể giàu khoáng sản. Nếu bước tiếp theo trong phát triển vũ trụ là phát triển nguồn lực trên Mặt trăng thì sứ mệnh thành công nói trên có thể giúp Trung Quốc có vị thế tốt hơn các nước. 

Mặc dù khám phá vũ trụ chậm vài chục năm nhưng Trung Quốc nhanh chóng bắt kịp và có thể thách thức vị thế vượt trội của Mỹ trong lĩnh vực này cũng như trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử…

Trung Quốc là quốc gia thứ ba sau Mỹ và Nga đưa nhà du hành vào vũ trụ trên rocket của riêng mình. Sứ mệnh đầu tiên diễn ra vào năm 2003 và Trung Quốc từ đó đã đưa 11 nhà du hành vào vũ trụ. Năm 2016, hai trong số họ đã ở trên trạm không gian của Trung Quốc 30 ngày.

Năm 2018, lần đầu tiên Trung Quốc phóng nhiều rocket vào vũ trụ hơn bất kỳ quốc gia nào: 38.

Ông Namrata Goswami, một nhà phân tích độc lập, cho rằng đây là một thành tựu lớn về mặt kỹ thuật và mang tính biểu tượng. Khu vực mà tàu thăm dò đang khám phá có thể trở thành cơ sở tiếp liệu tương lai cho các sứ mệnh xa hơn trong vũ trụ.

{keywords}
Xe tự hành Thỏ ngọc-2 trên Mặt trăng. Ảnh: AP 

Ông Zhu Menghua, giáo sư trường Đại học Khoa học và Công nghệ Macao nhận định: “Sứ mệnh vũ trụ này cho thấy Trung Quốc đã đạt trình độ thế giới về khám phá vũ trụ. Chúng ta, người Trung Quốc đã làm được điều mà người Mỹ chưa dám thử”.

Chiến lược tham vọng của Trung Quốc

Theo tờ Diplomat, báo chí phương Tây dường như có xu hướng phớt lờ hoặc cố tình hạ thấp thành tựu vũ trụ của Trung Quốc, kể cả sự kiện mới nhất liên quan tới tàu Hằng Nga 4 nói trên. Tuy nhiên, Trung Quốc chứng tỏ rất nghiêm túc thực hiện các hạn chót đã đặt ra cho từng sứ mệnh trên vũ trụ. 

Tham vọng đưa tàu đáp xuống vùng tối Mặt trăng đã được cơ quan vũ trụ Trung Quốc đưa ra cách đây nhiều năm và chọn năm 2018 là năm phóng tàu Hằng Nga 4. Đúng ngày 8/12, Trung Quốc đã phóng tàu Hằng Nga 4 theo kế hoạch.

Trước đó, các sứ mệnh khác cũng được thực hiện đúng hạn chót. Ví dụ như các sứ mệnh phóng tàu không người lái năm 1999 và có người lái năm 2003, phóng trạm vũ trụ Thiên Cung 1 năm 2011 và Thiên cung 2 năm 2016, hay xây dựng tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu 1 năm 2016.

Điều nổi bật là các tham vọng khám phá Mặt trăng và vũ trụ của Trung Quốc luôn luôn lớn dần theo thời gian. Ví dụ như tham vọng về một cơ sở nghiên cứu của Trung Quốc trên Mặt trăng hay phát hiện hệ thống hỗ trợ sự sống bằng tái tạo sinh học để đảm bảo con người có thể sống và tồn tại trên Mặt trăng.

Năm 2017, Đại học Beihang ở Bắc Kinh đã thiết lập một phòng thí nghiệm mang tên Nguyệt cung 1, mô phỏng bề mặt Mặt trăng ngay trên Trái đất. Tám sinh viên đã sống trong điều kiện như ở Mặt trăng trong 365 ngày. Đây là lần đầu tiên có một cuộc thử nghiệm như vậy với con người. 

Nhà thiết kế của Nguyệt cung 1, ông Liu Hong, cho biết thí nghiệm này là lần ở trong hệ thống hỗ trợ sự sống bằng tái tạo sinh học lâu nhất. Trong đó, con người, động vật, thực vật, vi sinh vật cùng tồn tại trong môi trường đóng mô phỏng Mặt trăng. Oxi, nước và thức ăn được tái chế trong hệ thống. Các sinh viên trồng khoai tây, lúa mỳ, cà rốt, đậu và hành tây. 

{keywords}
Kỹ thuật viên vũ trụ vui mừng sau khi Hằng Nga 4 đáp xuống vùng tối Mặt trăng thành công. Ảnh: Xinhua

Thí nghiệm này rất quan trọng đối với tham vọng sống lâu dài bên ngoài Trái đất, đặc biệt là trên Mặt trăng. Các hệ thống tương tự nhưng nhỏ hơn sẽ được đưa lên tàu thăm dò Mặt trăng và sao Hỏa để thử nghiệm trong điều kiện thực tế.

Trung Quốc đã chứng tỏ với thế giới rằng quá trình sinh sản có thể xảy ra ngoài vũ trụ năm 2016. Khi đó, vệ tinh S-J10 đã đưa 6.000 phôi chuột vào vũ trụ. Một số phôi đã phát triển giai đoạn đầu trong bốn ngày. Sự kiện này được đánh giá là một bước ngoặt quan trọng trong khám phá vũ trụ của con người. 

Thành tựu của Trung Quốc trong vũ trụ là nhờ có một chiến lược phát triển năng lực vũ trụ. Đầu tiên là đạt được khả năng đưa con người ra ngoài vũ trụ. Tiếp đó là thực hiện các sứ mệnh robot để xây dựng năng lực hiện diện lâu dài. Sau đó là phóng trạm vũ trụ để dọn đường cho các sứ mệnh khai thác, thăm dò vũ trụ xa hơn.

Các cơ quan vũ trụ thuộc sở hữu nhà nước như Tập đoàn Công nghệ và Khoa học Không gian Vũ trụ Trung Quốc và Cục Không gian Quốc gia Trung Quốc đã giám sát nghiêm ngặt và cam kết thực hiện nhiệm vụ mà đảng và chính phủ giao phó. 

Theo lộ trình vũ trụ từ năm 2020 đến 2045, Trung Quốc muốn đạt được một số bước ngoặt quan trọng về công nghệ vũ trụ. Ví dụ như phóng tàu thăm dò sao Hỏa vào năm 2020, phóng tàu thăm dò hành tinh nhỏ năm 2022, thực hiện sứ mệnh sao Mộc năm 2029, phóng tên lửa đẩy năm 2035 và phóng tàu con thoi năng lượng hạt nhân năm 2040.

Trong một bài báo đăng trên trang nhất Nhân dân Nhật báo, Viện Công nghệ Thiết bị phóng Trung Quốc nói rõ rằng tàu vũ trụ năng lượng hạt nhân sẽ chở được nhiều hàng hơn, cho phép Trung Quốc thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vũ trụ vào năm 2040.

{keywords}
Chủ tịch Tập Cận Bình coi trọng sứ mệnh khám phá vũ trụ.

Theo Diplomat, Chủ tịch Tập Cận Bình đã coi sứ mệnh ngoài vũ trụ là ưu tiên của Trung Quốc. Tầm quan trọng của lĩnh vực nghiên cứu không gian vũ trụ đối với Trung Quốc được thể hiện qua việc nhiều nhà khoa học vũ trụ có chỗ đứng chính trị quan trọng tại nước này.

Theo Tiến sĩ Namrata Goswami, một nhà phân tích cấp cao và là tác giả cuốn “Vũ trụ và các cường quốc”, chiến lược trong thiết lập các sứ mệnh vũ trụ lâu dài, xây dựng năng lực và các cơ quan vũ trụ, thể hiện năng lực kỹ thuật trong lĩnh vực vũ trụ cho thấy Trung Quốc sẽ đạt các mục tiêu mà các cơ quan vũ trụ đã đặt ra.

Với tham vọng hiện diện đầu tiên ở những khu vực giàu tài nguyên, năng lực đưa tàu đổ bộ thành công xuống vùng tối của Mặt trăng sẽ cho phép Trung Quốc đặt ra luật chơi ngoài vũ trụ.

Theo TTXVN/Baotintuc