LTS: Những động thái gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với '"chảo lửa" Trung Đông đang trở thành tâm điểm thời sự quốc tế, được dư luận khắp nơi quan tâm. Báo VietNamNet xin giới thiệu bài phân tích của Tiến sỹ Terry Buss thuộc Học viện Hành chính quốc gia Mỹ về vấn đề này. Mời bạn đọc tham khảo:
Tổng thống Donald Trump mới đây đã công bố kế hoạch hòa bình gây tranh cãi cho người Palestine và Israel; sát hại chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran, Thiếu tướng Qassem Soleimani; giảm binh lính Mỹ ở Đông và Bắc Phi; mở rộng lệnh cấm đi lại đối với các quốc Hồi giáo Eritrea, Nigeria và Sudan ngoài những lệnh cấm đã ban hành chống Iran, Libya, Somalia, Syria và Yemen; bắt đầu các cuộc hòa đàm không hiệu quả với Taliban ở Afghanistan; đánh bom các phần tử khủng bố al-Qaeda ở Yemen; đưa quân đồn trú đến Ảrập Xêút...
Để hiểu được mớ bòng bong chính sách và các hành động này, việc so sánh chính sách đối ngoại của ông Trump với chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm - Barack Obama dường như là điều khôn ngoan. Trong lúc chạy đua giành ghế tổng thống năm 2016, ông Trump đã cam kết với các cử tri rằng ông sẽ đảo ngược mọi chính sách đối ngoại của Obama và đưa ra một tầm nhìn mới - "Nước Mỹ trước tiên" - để dẫn dắt sự hiện diện của Mỹ tại Trung Đông.
Chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran, Thiếu tướng Qassem Soleimani |
Obama tái cân bằng quyền lực ở Trung Đông
Ông Obama tin rằng, tình trạng hỗn loạn ở Trung Đông trong suốt nửa thập kỷ qua bắt nguồn từ chính sách đối ngoại thất bại của Mỹ, vốn ủng hộ các quốc gia bá quyền, dẫn đầu là Ảrập Xêút, trong khi cản trở các nước ủng hộ Iran.
Obama đã trao quyền cho Iran với cái giá liên minh Ảrập phải trả và sau đó rút Mỹ khỏi khu vực cũng như các cuộc chiến không hồi kết tại đây. Khao khát có được một thỏa thuận làm chậm lại quá trình Iran phát triển các vũ khí hạt nhân, ông Obama đã đưa thỏa thuận này trở thành một phần di sản của mình trên cương vị tổng thống Mỹ. Nhiều nhà chỉ trích cho rằng, các hành động hoặc việc ủng hộ Iran của Obama là nhằm khiến nước này ký kết và tuân thủ thỏa thuận vũ khí hạt nhân.
Obama rút hầu hết lực lượng Mỹ khỏi Iraq vào 2011. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã sớm chiếm đóng phần lớn Syria và Iraq. Cả hai quay sang nhờ Iran và lực lượng Quds giúp họ trục xuất IS. Lực lượng Quds hỗ trợ các nhóm dân quân Iraq trung thành với Iran. Và nhóm Hezbollah đã chiến đấu bên cạnh quân đội chính phủ Syria.
Năm 2015, Ảrập Xêút đã tiến hành một cuộc chiến tàn khốc chống lại phiến quân Yemen. Obama đứng về phía dân quân trung thành với chính phủ Yemen trong nỗ lực ngăn chặn al-Qaeda, tổ chức khủng bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công hủy hoại Trung tâm Thương mại thế giới vào ngày 11/9/2001.
Ngoài ra, Tổng thống Obama bắt đầu làm suy yếu Israel, đồng minh trung thành của Mỹ. Obama ủng hộ người Palestine.
Obama cố gắng rút khỏi Trung Đông
Trong chiến lược của mình, Obama cũng tìm cách rút quân Mỹ ra khỏi Trung Đông và tránh dính líu vào các cuộc chiến khác. Mỹ đã bị ràng buộc vào khu vực trong nhiều thập kỷ và không thể thực hiện các mục tiêu hòa bình và thịnh vượng. Obama rất muốn "xoay trục" sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi có nhiều lợi ích của Mỹ hơn.
Obama đã sớm rút khỏi Iraq và giảm hỗ trợ Israel. Ông từ chối dính líu đến cuộc nội chiến Syria và trực tiếp can thiệp vào Yemen. Tuy nhiên, ông đã tham gia ném bom Libya để lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi vào năm 2011, kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 9 năm.
Cựu Tổng thống Obama. Ảnh: Reuters |
Obama đã chuyển giao trách nhiệm của Mỹ tại Trung Đông cho các tổ chức quốc tế, Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu, trong khi "lãnh đạo từ phía sau".
Ảrập Xêút nhiều lần lên tiếng phản đối sự chuyển giao quyền lực của ông Obama. Giải pháp của họ là tự mua vũ khí hạt nhân trang bị cho mình. Vấn đề càng thêm phức tạp khi Israel được tin sở hữu kho vũ khí hạt nhân của riêng họ, có thể nhằm giáng trả một cuộc tấn công từ Iran. Pakistan cũng có vũ khí hạt nhân.
Những động thái 'đảo ngược' của ông Trump
Những hành động gần đây nhất cũng như các chiến lược tổng thể về Trung Đông và Iran của ông Trump đang thách thức trực tiếp cách tiếp cận của ông Obama. Ông Trump muốn rút khỏi Trung Đông, nhưng sẽ chấp nhận thất bại khi rút lui.
Cuối tháng Một năm nay, ông Trump đã công bố Kế hoạch hòa bình Palestine - Israel đầy tranh cãi. Palestine đã cực lực phản đối kế hoạch hòa bình của ông Trump, đồng thời tuyên bố sẽ cắt đứt mọi quan hệ với Israel và Mỹ. Trước đó, vào đầu tháng, ông Trump đã ủy quyền tiêu diệt tướng Soleimani thông qua một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Iraq. Tổng thống Mỹ đương nhiệm đã phát đi thông điệp quan trọng: "Tôi không phải là Obama. Hành động chống Mỹ của các người sẽ không được dung thứ!".
Một nửa Quốc hội Iraq đã bỏ phiếu để trục xuất quân Mỹ ra khỏi Iraq sau vụ sát hại tướng Soleimani. Khi Mỹ cố gắng lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa xung quanh các căn cứ ở Iraq, chính phủ nước sở tại đã ngăn chặn việc đó. Ngay cả khi ông Obama đã phê chuẩn việc giết Osama Bin Laden, thủ lĩnh al-Qaeda vào năm 2011, ông vẫn chọn không loại bỏ tướng Soleimani, vì sợ rằng việc đó sẽ phá hỏng thỏa thuận hạt nhân với Iran cũng như dẫn đến chiến tranh với quốc gia Hồi giáo.
Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Năm 2019, Tổng thống Trump đã ra lệnh tiêu diệt thủ lĩnh IS Abu Baghdadi ở Syria như một phần chính sách "cứng rắn" của ông. Cũng trong năm này, ông Trump đã điều thêm 3.500 lính Mỹ sang Ảrập Xêút để bảo vệ các mỏ dầu của nước này. Ông cũng cung cấp cho Ảrập Xêút vũ khí và hỗ trợ tình báo. Ông Trump còn phê chuẩn việc giết con trai Osama Bin Laden, kẻ được tin đã tiếp quản quyền lãnh đạo tổ chức al-Qaeda.
Tháng 5/2018, ông Trump đã xé bỏ thỏa thuận vũ khí hạt nhân của Obama. Sau đó, ông áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế và chính trị bóp nghẹt Iran.
Trước đó xa hơn, ông Trump đã phát động cuộc tấn công toàn diện chống lại IS ở Syria. Ông đã cố gắng rút quân khỏi Afghanistan, nhưng Taliban tiếp tục vô hiệu hóa kế hoạch của ông bằng cách giết hại lính Mỹ và đe dọa dân thường. Các cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra.
Liệu chiến lược của ông Trump có hiệu quả
Hiện vẫn chưa rõ liệu chiến lược của ông Trump có hiệu quả hay không. Ông Trump hầu như tự mình đối đầu với Iran, bác bỏ cách tiếp cận ngoại giao của Obama. Điều này đã bộc lộ vấn đề.
Người châu Âu không sẵn lòng ủng hộ các lệnh trừng phạt của chính quyền Trump đối với Iran dựa trên cáo buộc rằng Tehran vi phạm thỏa thuận vũ khí hạt nhân và tiếp tục hỗ trợ khủng bố trong khu vực. Họ thậm chí đã cố gắng "ngó lơ" các lệnh cấm vận để giúp các doanh nghiệp châu Âu giao dịch với Iran.
Châu Âu, ngoại trừ Anh, đã từ chối tuần tra eo biển Hormuz. Dẫu vậy, Nhật Bản và Hàn Quốc đang điều hải quân hỗ trợ nỗ lực của Mỹ. Trong khi đó, bản kế hoạch hòa bình Trung Đông mà ông Trump công bố gần đây có thể sẽ tạo ra nhiều rủi ro. Nhìn chung, khu vực này có vẻ như đã trở nên nguy hiểm hơn so với thời kỳ ông Obama.
Thêm vào đó, nước Mỹ hiện đang đối diện với cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, được hiểu là cuộc trưng cầu dân ý về chính sách và hành động của ông Trump. Mọi đối thủ thuộc đảng Dân chủ đều chỉ trích cách tiếp cận của ông Trump về Trung Đông, Iran. Tuy nhiên, biện pháp thay thế của họ cũng giống như chính sách ngoại giao đa phương của Obama và việc rút lui của Mỹ khỏi khu vực.
Tôi hiện không thấy điểm kết nào ở trước mắt.
T.S Terry Buss