Đánh giá vai trò của Kiến trúc với phát triển bền vững đất nước, TS.KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam nhận định: “Với một đất nước nơi mà văn hóa ngay từ đầu đã được khẳng định “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “vừa là nền tảng tinh thần, vừa là động lực phát triển xã hội”, Kiến trúc – một lĩnh vực quan trọng của văn hóa luôn đóng vai trò cần thiết và quan trọng.

Kiến trúc còn là một ngành khoa học kỹ thuật không thể thiếu trong nền tảng hạ tầng phát triển của mọi xã hội. Các thế hệ kiến trúc sư Việt Nam luôn ý thức và hành động vì điều đó. Việc xác định đúng vai trò trong cộng đồng dân tộc vì sự phát triển đất nước luôn là mục tiêu và động lực của nền kiến trúc và người làm kiến trúc Việt Nam”.

W-hanoipho.png
Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao

Nhằm giải mã gen Văn hoá Kiến trúc Việt Nam, KTS Hoàng Thúc Hào – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cùng cộng sự đã thực hiện khảo sát để đề xuất một hệ thống khái niệm làm nền tảng khảo sát văn hoá kiến trúc, các yếu tố hình thành, các phần từ cơ bản hình thành bộ gen kiến trúc, tính di truyền và tính biến dị theo hệ thống khái niệm văn hoá. Từ đó có đề xuất vai trò các bên trong việc định hình bộ gen có ý nghĩa tích cực trong tương lai.

Theo cắt nghĩa của KTS Hoàng Thúc Hào, Gene chiếm tới 40%, còn hoạt động chủ ý, hướng thượng của con người là 40%, trong khi ngoại cảnh chiếm 15 - 20%. Điều tôi muốn nói, mỗi người có một thiên hướng, một chủ ý, hướng thượng khác nhau. Có người mê leo núi. Có người dành cả đời sưu tầm đồ cổ. Hay như GS. Ngô Bảo Châu đam mê toán học, Bùi Xuân Phái sinh ra chỉ để vẽ.

Theo đó, triết lý kiến trúc hạnh phúc phải dựa 3 trụ cột: Thứ nhất là KTS hạnh phúc, thứ hai là công trình “ngạc nhiên bền vững” và thứ ba là người sử dụng hạnh phúc.

KTS hạnh phúc nghĩa là họ thực hiện công việc có chủ ý, hướng thượng trong thời gian dài.

KTS hạnh phúc hướng tới làm những công trình vì con người, vì sự đa dạng văn hóa. Chủ đầu tư muốn làm nhà cao tầng có mật độ xây dựng cao nhất với số diện tích mét vuông bán ra nhiều nhất. Và họ chính là người trả tiền cho KTS. Nhưng KTS không thể làm như cái máy. Họ có thể nhận được một tỷ đồng tiền thiết kế nhưng niềm hạnh phúc sẽ hết sau một tuần.

Bàn về văn hoá, KTS Hoàng Thúc Hào nhận định: “Có bốn yếu tố cơ bản tác động đến văn hóa ở: Điều kiện địa hình: Địa điểm xây dựng bằng phẳng (thuận lợi) hoặc không bằng phẳng (bất lợi); Điều kiện khí hậu: Thời tiết nóng, lạnh, lượng mưa nhiều, ít theo mùa; ảnh hưởng của thiên tai: bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất,… Đời sống văn hóa – tín ngưỡng: Quan niệm – nhận thức của con người về sự thịnh vượng, tốt đẹp, thuận tiện, thẩm mỹ, niềm tin gửi gắm vào các đấng tối cao; Liên hệ xã hội: Tiếp xúc và đón nhận những kinh nghiệm của các dân tộc khác trong việc tổ chức không gian ở (xưa kia) và của các quốc gia khác trong bối cảnh toàn cầu hóa (hiện tại và tương lai)”.

Bốn yếu tố này cùng tác động đến lối sống cộng đồng và cách thức họ tổ chức không gian cộng đồng đáp ứng các hoạt động sống của bản thân họ. Mức độ tác động nhiều – ít, mạnh – yếu khác nhau dẫn đến các dạng thức khác nhau của công trình kiến trúc mà công trình hình thành ở nông thôn cũng không phải là ngoại lệ, thậm chí có phần đậm đà hơn tại đô thị bởi tính quần cư lâu đời hơn và thiết chế văn hóa chặt chẽ hơn.

Và bởi thế, sẽ “không có kiến trúc độc lập, kiến trúc nào cũng nằm trong một tổng thể”, KTS. Hoàng Thúc Hào đúc kết.

Thùy Chi và nhóm PV, BTV