Gửi con về quê sống với ông bà trong dịp nghỉ hè, chị Thu Hương (ở Đống Đa, Hà Nội) liên tục nghe ông bà phàn nàn về việc con chị suốt ngày ngồi lì trong phòng điều hòa để dùng iPad.
“Ông bà mải làm lo nhà cửa, lợn gà, vườn tược, nên cũng không chơi được với cháu nhiều. Chỉ đến giờ ăn mới giục cháu ra ăn. Thế là cháu cứ thoải mái dùng iPad cả ngày, không ai kiểm soát”, chị Hương kể.
Câu chuyện của nhà chị Hương không phải chuyện cá biệt trong đời sống xã hội hiện nay. Rất nhiều bậc phụ huynh còn coi việc cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử là giải pháp giúp họ có thể thời gian để làm những công việc khác, dù có thể đã nghe tới hệ lụy trẻ sẽ bị tác động và ảnh hưởng tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần khi sử dụng thiết bị điện tử và Internet.
Theo một báo cáo khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD), tại Việt Nam, cứ 10 trẻ em tham gia khảo sát thì có 7 trẻ sử dụng Internet hơn một tiếng/ngày; 43,4% trẻ em sử dụng Internet từ 1 - 3 tiếng/ngày; 80,8% trẻ em nói rằng cha mẹ hoặc người thân biết trẻ sử dụng Internet; 50,4% trẻ em chia sẻ việc tiếp cận Internet với bố mẹ/người thân; 30,4% bố mẹ/người thân chủ động kiểm soát việc sử dụng Internet của trẻ. 4% trẻ giấu không cho bố mẹ/người thân biết mình có sử dụng Internet.
60% trẻ tham gia khảo sát cảm thấy an toàn khi sử dụng Internet; 60,9% trẻ nhận thức được các nguy cơ mất an toàn khi sử dụng Internet, đặc biệt là bị nghiện Internet.
Tìm hiểu thì thấy trẻ nghiện Internet, đặc biệt là trò chơi trực tuyến, không phải câu chuyện mới xảy ra gần đây mà đã được cảnh báo từ năm 2009. Nhiều ý kiến quan ngại rằng tình trạng nghiện Internet và trò chơi trực tuyến quá mức sẽ góp phần gây ra tội phạm vị thành niên, khiến nhiều trẻ bị suy giảm sức khỏe, thậm chí phải nhập viện.
Một cuộc khảo sát do Viettrack thực hiện vào năm 2010 cho biết trò chơi trực tuyến là một trong những hình thức giải trí chính của trẻ em Việt Nam và là hoạt động trực tuyến phổ biến nhất của trẻ.
Cũng trong năm 2010, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức khảo sát trên 370.000 học sinh thuộc 1.000 trường học, kết quả cho thấy phần lớn học sinh ở Hà Nội đi đến các tiệm Internet để chơi điện tử trực tuyến từ 1 - 3 lần/tuần, mỗi lần chơi từ 1 - 3 giờ. Cứ 4 trẻ em tiểu học ở Việt Nam thì có 3 trẻ chơi trò chơi trực tuyến vào ngày cuối tuần.
Một khảo sát khác ở 5 thành phố của Việt Nam cho thấy có trên 1.000 học sinh chơi trò chơi trực tuyến từ 3 - 16 giờ/ngày.
Còn theo khảo sát về sự an toàn và vai trò công dân kỹ thuật số của UNICEF năm 2012, có tới 82% số thanh thiếu niên ở khu vực thành thị và 32% ở khu vực nông thôn cho biết đã và đang chơi điện tử trực tuyến.
Sự phát triển của điện thoại thông minh ở Việt Nam đã dẫn tới sự gia tăng mạnh mẽ của các trò chơi điện tử trên điện thoại di động. Khoảng một nửa trong tổng số 350 triệu lượt tải ứng dụng của Việt Nam là dành cho các trò chơi trên di động, chiếm 60% doanh thu điện thoại thông minh của cả nước. Vấn nạn “nghiện điện thoại thông minh” đang gia tăng, đặc biệt ở giới trẻ. Nhiều người thú nhận đang bị nghiện nặng.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu mã độc thuộc Tập đoàn Công nghệ Bkav chia sẻ: “Không thể phủ nhận Internet là nơi cung cấp nhiều thông tin để trẻ học tập tốt. Tuy nhiên, nghiện Internet có sự ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý, đạo đức, hành vi của trẻ, không chỉ ở cường độ tiếp xúc mà nguy hiểm hơn là những nội dung thông tin, hình ảnh đủ thể loại, không được chọn lọc, định hướng cho lứa tuổi các em. Đây là vấn đề khá đau đầu với các bậc phụ huynh vì để tự do hoặc cấm đoán đều không phải giải pháp tốt. Vì thế, rất cần có giải pháp giúp cho phụ huynh đồng hành cùng trẻ, để phụ huynh yên tâm khi con cái sử dụng Internet, phát huy tối đa các mặt tốt mà nó đem lại, và hạn chế những ảnh hưởng xấu đến con trẻ”.
Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông lưu ý: “Việt Nam đã có văn bản quy định về cung cấp dịch vụ đối với trò chơi điện tử trực tuyến và hoạt động của các quán cà phê Internet nhằm kiểm soát hành vi nghiện Internet và hạn chế trẻ em sử dụng Internet quá mức. Tuy nhiên, vẫn chưa ban hành hướng dẫn hay khuyến nghị về những biện pháp phải thực hiện để hạn chế thời lượng chơi của trẻ em do việc sử dụng Internet và chơi game được trẻ xem tại nhà và sử dụng các thiết bị thông minh mà có thể dễ dàng mua trên thị trường với số tiền không quá lớn”.
Có ý kiến đề xuất Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm từ Trung Quốc. Mới đây, Trung Quốc vừa ban hành quy định cụ thể về thời gian chơi game cho trẻ dưới 18 tuổi, để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ em. Tại Trung Quốc, khoảng 62,5% trẻ vị thành niên thường chơi game online, 13,2% trẻ chơi game di động nhiều hơn 2 tiếng mỗi ngày.
Một giải pháp khác cũng được đề ra, đó là khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam phát triển, làm chủ các công nghệ bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng, cũng như có thêm nhiều ứng dụng, nội dung giúp trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng.