Ngày 21/8, Bộ GTVT tổ chức tọa đàm "Phát triển giao thông xanh: Thách thức và giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư".

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, phát triển giao thông xanh là nền tảng quan trọng để xây dựng một nền kinh tế xanh.

Theo đó, Đại hội Đảng lần thứ 11, 12 và 13 đã xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, ưu tiên một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông thích ứng với biến đổi khí hậu là 1 trong 3 đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội.

toa dam2 1724207338564310845227.jpg
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh T.Hải 

Thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 876 phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí CO2, CH4 của ngành GTVT, với mục tiêu phát triển hệ thống GTVT xanh, nhằm thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Chương trình hành động đã đưa ra các giải pháp cụ thể cho 5 chuyên ngành GTVT quốc gia và giao thông đô thị, bao gồm: Phát triển hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia điện khí hóa, phát triển cảng xanh và lộ trình chuyển đổi phương tiện sang sử dụng điện và năng lượng xanh.

Để thực hiện cam kết đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh cần sự hỗ trợ rất lớn của quốc tế, không chỉ về vấn đề tài chính mà còn là kinh nghiệm trong xây dựng và thực thi chính sách. Từ đó, áp dụng vào Việt Nam sao cho phù hợp với đặc thù trong nước và đặc thù của từng lĩnh vực.

Bổ sung thêm, ông Lưu Quang Thìn, Vụ phó Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, thời gian qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam đã có những phát triển đáng ghi nhận với hơn 24.300km quốc lộ, 2.000km đường bộ cao tốc, 6.800km đường thủy nội địa, 2.640 đường sắt quốc gia, 298 bến cảng, 22 cảng hàng không và nhiều công trình quan trọng, quy mô lớn được đầu tư.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế như sự mất cân đối giữa các dự án hạ tầng, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực đường bộ, tiếp đến là hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa.

Hệ thống đường sắt mặc dù là phương thức có nhiều ưu điểm nhưng chưa được ưu tiên đầu tư, còn lạc hậu; đường sắt đô thị triển khai chậm nên chưa giải quyết được tình trạng ùn tắc, ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn; chưa phát huy tiềm năng của đường thủy nội địa trong các khu vực có lợi thế.

Nguyên nhân chủ yếu do xuất phát điểm của nền kinh tế Việt Nam thấp, vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng đủ mục tiêu đầu tư.

55e724a0f023547d0d32 1724206677000831806953.jpg
Ông Fabian Hartjes, Bí thư thứ hai - Phụ trách về kinh tế và chính sách khí hậu, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam. Ảnh: T.Hải 

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Fabian Hartjes, Bí thư thứ hai - Phụ trách về kinh tế và chính sách khí hậu, thừa ủy quyền của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHLB Đức tại Việt Nam, cam kết phối hợp lâu dài, hỗ trợ giảm phát thải CO2 trong lĩnh vực GTVT.

Ông Fabian Hartjes cho rằng, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, đòi hỏi sự nỗ lực của ngành GTVT và sự phối hợp của các bộ ngành liên quan; ngành năng lượng, công nghiệp chế tạo cũng cần đồng hành cùng ngành giao thông.

Bà Kathleen A.Whimp, quyền Giám đốc Ngân hàng thế giới (World Bank - WB) tại Việt Nam - Lào - Campuchia khẳng định cam kết của WB trong hỗ trợ Việt Nam trên chặng đường phát triển giao thông xanh và phát triển bền vững trong tương lai, từ đó đạt được mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Theo bà Kathleen A.Whimp, việc Việt Nam đầu tư cho phát triển giao thông xanh, ưu tiên phát triển đường sắt đô thị, triển khai dự án xây dựng tàu điện ngầm tại TPHCM hoàn toàn phù hợp để thực hiện mục tiêu trên.

Thời gian qua, WB luôn hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, phương tiện xanh không chỉ trong cam kết tài chính mà còn hỗ trợ các sáng kiến kỹ thuật, đơn cử như sáng kiến của WB trong chuyển đổi xe buýt điện, hỗ trợ cho chuyển đổi giao thông xanh.

Tuy nhiên, theo bà Kathleen A.Whimp, để thực hiện mục tiêu chuyển đổi giao thông xanh, Việt Nam cần giải quyết các thách thức như: Thúc đẩy phê duyệt các dự án, xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với quốc tế; chuẩn bị ngân sách dài hạn cho các dự án; nâng cao năng lực thể chế và hoàn thiện khung pháp lý.