Huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) tọa lạc trên độ cao hơn 700m so với mực nước biển, với hơn 34.000 đồng bào thuộc bảy dân tộc anh em (gồm Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú, Kinh, Hoa) sống xen kẽ tại 86 bản. Trong số đó, người dân tộc Thái chiếm số đông (48,25%), tiếp đó là người Mông (42,89%). Năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn là 64%.
Theo người dân địa phương, chữ Lát (trong Mường Lát) tiếng Thái có nghĩa là “nơi nước tràn qua”, bởi mùa mưa nước từ các con suối thường tràn qua làng bản để hòa vào lòng sông Mã. Lại từng là Mường lớn nhất vùng nên người ta lấy từ tên bản này làm tên chung cho huyện. Còn có cách lý giải trong dân gian cho rằng Lát là chữ Lạt của người Thái cổ - nghĩa là "nơi tập trung buôn bán sầm uất ở trên cao".
Song, tới nay, Mường Lát vẫn là một huyện biên giới nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 19/9/2022 về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt mức bình quân của các huyện miền núi.
Nhằm đánh giá thực trạng về kinh tế - xã hội, môi trường và các tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã và đang áp dụng tại huyện Mường Lát mới đây đã diễn ra Hội thảo với chủ đề: “Giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp góp phần xây dựng nông thôn mới tại huyện Mường Lát, Thanh Hóa”.
Phát biểu khai mạc hội Hội thảo, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, Mường Lát là một trong số các huyện khó khăn nhất cả nước, đặc biệt là về điều kiện tự nhiên, sinh thái. Trong những năm qua, địa phương đã nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa, thế nhưng sự phát triển của huyện chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có và sự hỗ trợ này.
Cũng theo ông Thanh: "Qua khảo sát địa bàn, một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện có thể phát triển thành chuỗi giá trị. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về việc triển khai một số mô hình phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện trong năm 2023".
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Mường Lát là một huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Do vậy, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện phải tự lực, tự cường, không cam chịu nghèo khó, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Giang đề nghị Bộ NN&PTNT, các cơ quan Trung ương quan tâm, hỗ trợ huyện xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung, xây dựng mô hình trồng cây ăn quả ở vùng có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, xây dựng mô hình trồng và chế biến, tiêu cây thụ dược liệu, bố trí vốn cho huyện để phát triển nông nghiệp gắn với du lịch…
Kết luận Hội thảo, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia nhấn mạnh, cần đánh giá lại tiềm năng lợi thế của huyện Mường Lát một cách bài bản hơn, để đưa các giải pháp công nghệ phù hợp đối với sự phát triển của địa phương. Đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn, cần tập trung phát triển các giá trị bản địa, gồm cây trồng, vật nuôi, dược liệu bản địa, thậm chí là sơ chế, bảo quản bản địa, tiến tới nhân rộng các mô hình và chuyển giao công nghệ.
Hồng Liên, Văn Bắc, Tuấn Kiệt, Duy Linh, Phùng Thuỷ