Hiện nay, Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt một ngày, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên 70% lượng rác này được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng dưới 20% là được chôn lấp hợp vệ sinh. 

Lượng rác chôn lấp không hợp vệ sinh đang hàng ngày gây ô nhiễm cho môi trường đất, môi trường nước và không khí. Vấn đề này trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở các thành phố lớn. Ngoài ra, trong số 30% được xử lý bằng phương pháp không chôn lấp thì cũng có đến 2/3 là được đốt tiêu hủy bằng các lò đốt rác thủ công, gây khói bụi ô nhiễm không khí.

anh 3.jpg
Xu thế hiện nay trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt là tái chế, tái sử dụng. 

Tại Hà Nội, lượng rác sinh hoạt đô thị phát sinh hàng ngày khoảng 7.000 tấn/ngày. Hiện bãi rác Nam Sơn đã quá tải và Hà Nội đã có một số nhà đầu tư đăng ký đầu tư khu xử lý rác thải ở Sóc Sơn, Nam Sơn và một số nơi khác nhưng mới chỉ có một Nhà máy đốt rác phát điện của Công ty Thiên Ý (Trung Quốc) đã chạy thử giai đoạn 1. Sau hơn một năm nhà máy vẫn chưa được nghiệm thu và vận hành chính thức.

Còn tại TP.HCM, mỗi ngày phát sinh khoảng 10.000 tấn rác thải sinh hoạt đô thị. Thành phố đã kêu gọi được nhiều nhà đầu tư xử lý rác thải hàng chục năm trước nhưng chủ yếu là dùng phương pháp chôn lấp. Hiện nay hầu hết các bãi rác này đã sắp quá tải và đang hàng ngày gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như bãi rác Đa Phước hay khu xử lý Tây Bắc thuộc huyện Củ Chi.

Ngoài ra, các thành phố lớn khác đều gặp khó khăn trong vấn đề quản lý và xử lý rác thải. Tại Cần Thơ đã có nhà máy đốt rác phát điện với công suất 400 tấn/ngày, nhưng đang gặp vấn đề về khí thải. Lượng khí thải chiếm tới 5% tổng lượng rác xử lý với nguy cơ chứa các chất gây nguy hại, đang được thu gom nhưng kho chứa tro bụi đã quá tải mà chưa tìm được cách xử lý phù hợp. 

Tại Hải Phòng, lượng rác phát sinh vào khoảng 700-800 tấn/ngày. Hiện thành phố đang có kế hoạch kêu gọi các nhà đầu tư xử lý rác theo các công nghệ hiện đại.

Tại Đà Nẵng, rác thải đã trở nên vô cùng bức xúc nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được cải thiện. Bãi rác Khánh Sơn với sức chứa 3 triệu tấn rác đã hết công suất, phải mở rộng nhiều lần nhưng vẫn có nguy cơ quá tải với lượng rác phát sinh hiện nay khoảng 1.100 tấn/ngày, tương đương hơn 400.000 tấn/năm. 

Thời gian vừa qua, Việt Nam cũng đã có công nghệ đốt rác thải thành năng lượng (WtE) nhằm chuyển hóa tất cả các loại chất thải rắn thành năng lượng. Dây chuyền điện rác WtE đầu tiên đã được đưa vào thực nghiệm tại Duy Tiên, Hà Nam. Ngoài ra, một số địa phương khác cũng đã đặt mục tiêu và phát triển công nghệ điện rác, điển hình như Cần Thơ, Đồng Nai, TP.HCM, Phú Thọ, Hà Nội...

Theo các chuyên gia, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức, điển hình như việc nhận thức của người dân, cộng đồng trong phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế; hầu hết công nghệ tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn lạc hậu và gây tác động xấu tới môi trường và sức khỏe con người; chưa có hướng dẫn về danh mục công nghệ xử lý, tái chế phù hợp với điều kiện Việt Nam; thiếu kinh phí, ngân sách địa phương không đủ đầu tư để triển khai thực hiện quản lý chất thải rắn sinh hoạt đồng bộ, hiệu quả.

Các chuyên gia cũng nhận định, xu thế hiện nay trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt là tái chế, tái sử dụng và tận dụng năng lượng từ chất thải nhằm tối ưu hóa quá trình tái chế, giảm thiểu sự lãng phí và bảo vệ môi trường. Do đó, về chính sách cần hoàn thiện, bổ sung quy chuẩn Việt Nam cho lò đốt chất thải rắn thay thế cho quy chuẩn trước đây để phù hợp với thực tế; bổ sung các quy định về giá mua điện cho các dự án điện rác...

Về mặt công nghệ, cần đẩy mạnh triển khai các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm lựa chọn các công nghệ phù hợp với Việt Nam; ban hành cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh công tác phân loại rác thải tại nguồn và khuyến khích áp dụng công nghệ tái chế. Điều này sẽ giúp giảm lượng rác thải đi vào bãi rác và tận dụng tối đa tài nguyên có được từ rác thải.

Tiến Quang

Lệ Yên và nhóm PV, BTV