Tại sự kiện “Thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong bối cảnh kinh tế biến động: Tranh chấp và trọng tài” sáng 26/6 ở Hà Nội, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) lưu ý: Kinh tế số là 1 trong 3 trụ cột của chuyển đổi số quốc gia. Các chỉ số thương mại điện tử mới đây cho thấy tiềm năng rất lớn của nền kinh tế số Việt Nam. Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước sẽ đạt 14,7 tỷ USD trong năm 2024, dự kiến sẽ đạt 23,77 tỷ USD vào năm 2029. Mua sắm hàng hóa qua thương mại điện tử hiện đã trở thành phương thức phân phối chủ yếu phát huy hiệu quả, góp phần duy trì chuỗi cung ứng và chuỗi lưu thông.
Một trong những thành tố quan trọng của kinh tế số là hợp đồng điện tử. Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 411/QĐ-TTg đã đặt mục tiêu đến năm 2025, trên 80% doanh nghiệp tại Việt Nam sử dụng hợp đồng điện tử.
Để ứng phó với những rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động kinh doanh dẫn đến tranh chấp hợp đồng, các doanh nghiệp cần phải quan tâm tới hoạt động trọng tài điện tử.
Nhằm cung cấp cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp để đảm bảo thực thi hợp đồng điện tử, một trong những yếu tố cốt lõi của nền kinh tế số, sau 5 năm nghiên cứu, xây dựng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, VIAC đã chính thức công bố triển khai Nền tảng Nộp đơn điện tử và quản lý các vụ tranh chấp trực tuyến (VIAC eCase).
“Nền tảng VIAC eCase ra mắt hôm nay sẽ là cơ chế bảo đảm thực thi phù hợp cho các hợp đồng điện tử góp phần mục tiêu hướng tới kinh tế số của đất nước”, TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Đánh giá cao VIAC đã có phương thức thụ lý, giải quyết các vụ việc trên nền tảng số, ông Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, cho biết: Những năm gần đây, các quốc gia trên thế giới đã đẩy mạnh chuyển đổi số các hoạt động tài phán để đáp ứng yêu cầu của nhân dân cũng như phát triển đất nước. Những quốc gia quan tâm ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực tài phán, kể cả tài phán công và tài phán tư đều đạt nhiều hiệu quả tích cực. Có thể kể tới Mỹ, Thụy Điển, Singapore, Thái Lan...
Nhấn mạnh rằng “việc vận hành Nền tảng VIAC eCase sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp”, ông Phạm Quốc Hưng phân tích: Thông thường, để yêu cầu trọng tài giải quyết 1 vụ việc, các đương sự phải đến trung tâm trọng tài hoặc ra bưu điện để gửi đơn. Nhưng với VIAC eCase, doanh nghiệp có thể ngồi ngay tại nhà hoặc tại công ty, sử dụng thiết bị công nghệ kết nối mạng Internet như máy tính, ipad, điện thoại thông minh… cũng có thể gửi đơn tới cơ quan hữu quan yêu cầu giải quyết. Việc áp dụng nền tảng này sẽ tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, tránh rủi ro giao thông và nhiều tác động tiêu cực xã hội khác.
Với VIAC, triển khai nền tảng eCase sẽ giúp quản lý chặt chẽ, chính xác những thông tin về các vụ việc đang diễn ra; tạo tiền đề để xây dựng cơ sở dữ liệu của trọng tài (đây sẽ là dữ liệu rất quan trọng để VIAC có thể triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ trong thời gian tới cũng như chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành khác).
Ghi nhận nỗ lực của VIAC trong việc đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động giải quyết tranh chấp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tin tưởng rằng Nền tảng eCase sẽ trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm; qua đó sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, vị thế và uy tín của VIAC trong quá trình giải quyết các tranh chấp thương mại.
Được biết, VIAC eCase hiện có 2 phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh, gồm các tính năng chính: Nộp hồ sơ điện tử và quản lý tài liệu điện tử; Theo dõi vụ việc; Thông báo các diễn biến quan trọng trong vụ tranh chấp và nhắc lịch khi tới hạn nộp tài liệu…
Bình Minh