Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 7 năm nay, xuất khẩu hạt điều của nước ta đạt 1,94 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mỹ và Trung Quốc vẫn là khách hàng chính của hạt điều Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm lần lượt là 512 triệu USD và 300,8 triệu USD. Loại hạt này của nước ta chiếm thị phần áp đảo trong tổng giá trị nhập khẩu của Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, quốc gia này đang giảm nhập hạt điều của nước ta, tăng mua từ các thị trường khác.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 19,34 nghìn tấn hạt điều, trị giá gần 88,51 triệu USD, giảm 10,8% về lượng và giảm 23% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, quốc gia 1,4 tỷ dân này chi 74,8 triệu USD để nhập khẩu hạt điều Việt Nam. 

Như vậy, con số thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc lại có sự chênh lệch khá lớn với thống kê từ Tổng cục Hải Quan của nước ta. 

Đáng chú ý, Trung Quốc chi ra số tiền gấp khoảng 40 lần cùng kỳ năm ngoái để mua hạt điều từ Campuchia. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu điều từ Campuchia còn khá khiêm tốn, chỉ khoảng 3 triệu USD.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo quý III/2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sẽ tăng nhờ yếu tố chu kỳ và nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ, EU tăng trở lại. 

Hiện các nhà máy sản xuất trong nước ký được nhiều đơn hàng mới và nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này bắt đầu hồi phục. Hoạt động sản xuất diễn ra sôi động, các đơn vị phải tăng công suất chế biến để kịp các đơn hàng đã ký cho hai quý cuối năm. 

Nhưng Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) nhận định, những tháng cuối năm nay cho đến quý I/2024, tăng trưởng của ngành điều tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn và thách thức.

VINACAS đưa ra 2 kịch bản cho ngành điều. Với kịch bản lạc quan, ngành điều tăng trưởng nhờ tiêu thụ nhân điều khi việc kích cầu tiêu thụ hiệu quả, lượng tồn kho tại các thị trường tiêu thụ lớn gồm Mỹ, châu Âu giảm xuống sẽ đẩy nhu cầu mua hàng vào cuối năm.

Trong trường hợp kinh tế toàn cầu tiếp tục suy thoái, điều không phải là mặt hàng thiết yếu nên nhu cầu của người tiêu dùng sẽ tiếp tục giảm.

Trên thực tế, tại thủ phủ Bình Phước, nửa đầu năm nay có 30% nhà máy chế biến điều nhỏ và vừa phải đóng cửa do không có đơn hàng.

Trong khi đó, các nước châu Phi đang tiến dần đến việc tự sản xuất chế biến nhân điều (tương tự các nhà máy tại Việt Nam). Do đó, nguồn nguyên liệu châu Phi nhập về Việt Nam thường là điều thô phẩm cấp thấp. Các doanh nghiệp nhập khẩu lưu trữ hàng trong kho thời gian dài dẫn đến chất lượng điều nhân chế biến cũng giảm sút.

Trước thực trạng trên, VINACAS xin điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu hạt điều năm nay xuống mức 3,05 tỷ USD, giảm 50 triệu USD so với kế hoạch và thấp hơn 750 triệu USD so với mục tiêu Bộ NN-PTNT đề ra hồi đầu năm.