- "Vấn đề đặt ra với các tỉnh là giảm thế nào trong khi số học sinh đầu vào tăng lên?" 

Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, đại diện các Sở GD-ĐT, UBND tỉnh thành trên cả nước đã đưa ra những đề xuất với Bộ GD-ĐT và Chính phủ xoay quanh những vấn đề: tinh giảm biên chế, chương trình sách giáo khoa mới, xã hội hóa giáo dục, tự chủ đại học…

{keywords}
Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 được tổ chức vào sáng ngày 2/8. Ảnh: Đình Tuệ

Học sinh tăng, tinh giảm giáo viên như thế nào?

Đại diện các tỉnh Phú Thọ, Cần Thơ, Kiên Giang đều chung quan điểm về vấn đề sắp xếp lại hệ thống trường lớp và tinh giảm biên chế giáo viên.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ cho rằng, thực tế ở các địa phương đây là một công việc rất khó khăn, cần phải có chỉ đạo tập trung của Chính phủ.

Mâu thuẫn ở đây là nhu cầu học tập của học sinh ngày càng cao, tỷ lệ học sinh lên lớp, kể cả mầm non, nhà trẻ ngày càng cao trong khi theo NQ19 của trung ương thì từ nay đến năm 2021 phải giảm 10% biên chế.

Nếu giảm như vậy thì Phú Thọ phải cắt giảm trên 2.400 giáo viên, tuy nhiên hiện nay giáo viên mầm non của tỉnh thiếu nghiêm trọng giống như nhiều tỉnh thành trên cả nước.

“Rõ ràng là việc học tập của con em chúng ta phải đảm bảo nhưng lại không được đẩy các thầy cô ra đường. Việc tinh giảm giáo viên của Đắk Lắk, Cà Mau gây bức xúc trong dư luận. Như vậy, vấn đề đặt ra với các tỉnh là giảm thế nào trong khi số học sinh đầu vào tăng lên? Con đường duy nhất là chuyển từ trường công lập sang tư thục, nhưng chính sách của Nhà nước lại không rõ” – vị lãnh đạo này nói.

Ông đề nghị Chính phủ quy định rõ về việc chuyển đổi từ trường công sang trường tư, cơ chế chính sách ra sao, giải quyết vấn đề giáo viên như thế nào…

Tinh giảm biên chế cũng là vấn đề của tỉnh Kiên Giang. Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh này cho biết trong 3 năm qua, tỉnh luôn thiếu biên chế giáo viên - từ 700-1.000 suất, đặc biệt là giáo viên mầm non.

“Chúng tôi đứng trước ngưỡng: Không được sử dụng hợp đồng lao động nếu ở đó đã hết biên chế. Nhưng nếu không hợp đồng thì lấy giáo viên ở đâu dạy? Chúng tôi đã hỏi HDND tỉnh nhưng không ai trả lời được câu hỏi đó. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, chúng tôi vẫn tiếp tục làm. Như vậy có vi phạm pháp luật hay không?” – vị đại diện này đặt câu hỏi.

Bà đề xuất vấn đề biên chế giáo viên nên giao cho chính quyền địa phương quyết định.

Quảng Ninh là địa phương thực hiện tích cực tinh giảm biên chế, giao kiêm nhiệm công việc. Vì thế, đại diện tỉnh này đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính ban hành các quy định về kiêm nhiệm, bao gồm khối lượng công việc kiêm nhiệm, thời gian kiêm nhiệm, chế độ cho người kiêm nhiệm, yêu cầu về năng lực trình độ của người kiêm nhiệm…

“Tôi cũng đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ quy định về khung vị trí việc làm, số người làm việc tại các phòng giáo dục. Bộ cũng cần phối hợp với Bộ Tài chính xem lại quy định về việc giao dự toán chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục, và nên giao dự toán theo định mức số người làm việc để các đơn vị tinh giảm biên chế có kinh phí để chi trả chế độ kiêm nhiệm, tăng thu nhập cho người lao động” – bà Vũ Liên Oanh, GĐ Sở GD-ĐT Quảng Ninh nêu ý kiến.

Trước phản ánh của một số địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Nghị quyết 19 của trung ương không yêu cầu các địa phương cắt đi 10% giáo viên, mà là chia giai đoạn từ nay đến năm 2021 cắt giảm trung bình 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Tức là nếu biên chế tự chủ được về lương thì không tính là biên chế theo nghĩa truyền thống nữa. Với các trường đại học cũng như vậy, trong bối cảnh đẩy mạnh tự chủ, biên chế giáo viên đại học khi trường đã tự chủ sẽ không tính vào biên chế theo khái niệm cũ.

Ông Đam cho rằng: “Việc thực hiện máy móc cắt 10% giáo viên là chưa chuẩn xác”.

“Thứ hai, cắt giảm biên chế giáo viên cần chủ yếu tập trung vào biên chế gián tiếp, còn tinh thần chung là giáo viên vẫn phải đủ để dạy".

Xã hội hóa giáo dục công khai không e ngại lạm thu

{keywords}
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị. Ảnh: Thanh Hùng

Về chương trình phổ thông mới dự kiến sẽ được đưa vào nhà trường từ năm 2020, đại diện các Sở và UBND đề nghị Bộ sớm quy định danh mục thiết bị tối thiểu để địa phương chuẩn bị về mặt đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất.

“Đề nghị Bộ sớm ban hành kế hoạch triển khai đổi mới chương trình phổ thông để tỉnh xây dựng kế hoạch bài bản và đồng bộ” – ông Nguyễn Anh Ninh, GĐ Sở GD-ĐT Lào Cai đề xuất.

Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất Bộ bổ sung nội dung quy định về mức thu học phí, khung học phí với loại hình trường công lập tự chủ chi thường xuyên.

Đồng thời, đại diện Sở này cũng nêu vấn đề chung của các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội là khó khăn về đất đai để xây dựng trường học, và đề nghị được giải quyết.

Bàn về vấn đề xã hội hóa giáo dục, đại diện Sở Kiên Giang nêu thực tế: Thông tư 55 hiện nay không cho phép thu vì những e ngại lạm thu. Trong khi, trường học chỉ trông chờ vào nguồn xã hội hóa từ phụ huynh đóng góp để phục vụ con em mình.

“Chúng tôi mong muốn nguồn xã hội hóa này phải được khai thông: thu như thế nào, phục vụ cho ai, công khai ra sao.. thì nhân dân sẽ ủng hộ, không có gì đáng ngại” – vị này nói.

Phản hồi ý kiến của đại diện tỉnh Kiên Giang về câu chuyện xã hội hóa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Thông tư của Bộ GD-ĐT đã vô hình chung do quản lý không tốt đã chặn hết nguồn xã hội hóa một cách đúng đắn, biến thành cào bằng trên danh nghĩa hội phụ huynh. Như vậy là không đúng tính chất và gây bức xúc.

Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay Bộ đang hoàn thiện Nghị định về cơ chế quản lý các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, trong đó sẽ giải quyết vấn đề: một mặt ngăn không cho lợi dụng danh nghĩa của tất cả mọi tổ chức cơ quan để “bổ” đầu người, bắt phụ huynh đóng một cách “tự nguyện”, mặt khác phải mở kênh để toàn xã hội tùy theo năng lực, tấm lòng của mình đóng góp cho giáo dục.

“Hướng khó nhất với các trường tự chủ là: hệ thống văn bản không nhất quán. Khá nhiều nội dung tự chủ trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ là tuân theo quy định hiện hành. Đã gọi là thí điểm tự chủ thì phải khác quy định hiện hành. Những quy định hiện hành về đầu tư công, chi tiêu công hiện nay rất ràng buộc đại học tự chủ. Rất mong đề án tự chủ sắp tới sẽ có những cơ chế khác biệt” – ông Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, một trong 3 đại học được Bộ GD-ĐT giao xây dựng đề án bỏ Bộ chủ quản, chia sẻ tại hội nghị.


Nguyễn Thảo

Thủ tướng: "Đẩy mạnh đổi mới chương trình, sách giáo khoa"

Thủ tướng: "Đẩy mạnh đổi mới chương trình, sách giáo khoa"

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị về việc thực hiện đẩy mạnh đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. 

Quyết nghị sớm đổi mới cơ chế học phí đại học

Quyết nghị sớm đổi mới cơ chế học phí đại học

Nghị quyết Quốc hội yêu cầu ngành "khẩn trương ban hành quy định cụ thể về tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, đổi mới cơ chế học phí”.

Bộ Giáo dục thu hồi Đề án đổi mới thi THPT quốc gia 749 tỉ đồng

Bộ Giáo dục thu hồi Đề án đổi mới thi THPT quốc gia 749 tỉ đồng

Sau khi báo chí đưa thông tin về đề án “Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ  giai đoạn 2018-2020” với khái toán tổng kinh phí lên đến 749 tỉ đồng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo thu hồi.

Sách giáo khoa mới sẽ được đưa lên mạng miễn phí

Sách giáo khoa mới sẽ được đưa lên mạng miễn phí

Bộ sách giáo khoa ở chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ GD-ĐT biên soạn sẽ được số hóa và đưa lên mạng, theo đó người dùng sẽ được sử dụng miễn phí mà không mất tiền mua.