"Như vậy là thiếu thuốc thật! Vậy thiếu ở mức nào, vướng ở đâu phải tháo gỡ”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói trong buổi làm việc cùng Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 30/6.
Báo cáo với Phó Thủ tướng, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy xác nhận, thiếu thuốc là tình huống có thật và đang tồn tại. “Vấn đề là, trước đây không thiếu nhưng tại sao vẫn những quy định cũ giờ này lại thiếu thuốc?”, ông Thức đặt vấn đề.
Theo ông Thức, trong quy trình đấu thầu có bước lập dự toán, lập kế hoạch và thẩm định. Bước khó nhất là thẩm định. Trước đây, Bộ Y tế chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ đấu thầu thuốc nhưng từ năm 2020 lại phân quyền về cho các bệnh viện.
Thời gian qua có nhiều sự cố xảy ra trong ngành y tế khiến người phụ trách đấu thầu có tâm lý e ngại, sợ làm sai, liên đới trách nhiệm. Điều này khiến cho quá trình đấu thầu của các bệnh viện chậm triển khai.
Ngoài ra, cả xã hội đều bị ảnh hưởng bởi hậu Covid-19. Các công ty, doanh nghiệp, trang thiết bị, hậu cần đều ảnh hưởng. Theo báo cáo, thời điểm này, Bệnh viện Chợ Rẫy còn khoảng 60% thuốc trong kho, thiếu 40% - số thuốc này phải chờ vài tuần tới.
PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, bên cạnh thiếu một số thuốc hiếm, thuốc quý (như thuốc giải độc, huyết thanh chữa rắn cắn….), bệnh viện cũng thiếu một số thuốc liên quan đến cấp cứu, vận mạch...
“Không phải chỉ thiếu thuốc quý, hiếm, có nhiều loại thuốc giá rẻ, phổ biến cũng bị thiếu do không có ai tham gia đấu thầu”.
Bà kiến nghị cần có cơ chế dự trữ thuốc quốc gia đối với một số thuốc đặc biệt, nếu không sử dụng do thực tế cũng không tính là lãng phí.
Về vấn đề trang thiết bị, thực tế, Bệnh viện Chợ Rẫy hiện cần mua sắm, thay thế một số thiết bị cũ, lỗi thời. Thế nhưng, lúc triển khai lại gặp khó khăn khi xây dựng giá kế hoạch.
Hiện nay có 4 cổng thông tin tham khảo giá nên rất mất thời gian. Cổng thông tin của Bộ Y tế có công khai giá trúng thầu nhưng thông tin kèm theo chưa đầy đủ về cấu hình, tính năng, kỹ thuật.
"Khi xây dựng giá kế hoạch nếu cao hơn giá trúng thầu, bệnh viện buộc phải giải trình, thuyết minh nhưng không có thông tin về cấu hình, tính năng sẽ không thuyết minh, xây dựng được", đại diện phòng Trang thiết bị y tế của bệnh viện nói.
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức dẫn chứng thêm, một đầu đèn của máy chụp CT nơi khác dùng 1 năm chưa hỏng, còn ở Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ 3 tháng là hỏng.
“Khi mua đèn thay thế phải đúng loại với máy mới sử dụng được, như vậy lại dính chỉ định thầu, nhưng không mua thì máy trùm mền, ảnh hưởng đến công tác điều trị”.
Để giải quyết ngay các vấn đề thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hai vấn đề:
Thứ nhất, cho phép tất cả các hợp đồng đấu thầu rộng rãi và đã trúng thầu trước đây có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm, để thuốc có ngay cho người bệnh.
Thứ hai, cần xác định cụ thể thế nào là "tình huống cấp bách" cho phép chỉ định thầu được nêu trong Luật đấu thầu.
"Nếu không có định nghĩa cụ thể, khi kiểm tra bệnh viện rất khó giải thích, chưa kể bị đánh giá do bệnh viện không tích cực nên đã cố tình đẩy vào tình huống cấp bách để chỉ định thầu", ông Thức kiến nghị.
Có mặt tại buổi làm việc, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, trong tình huống cấp bách, có thể kéo dài hợp đồng trúng thầu trước đó thêm 6 tháng. Tuy nhiên, các bệnh viện vẫn phải chủ động để tránh tình trạng thiếu thuốc kéo dài từ năm này qua năm khác.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, không chỉ tại Bệnh viện Chợ Rẫy mà tình trạng thiếu thuốc xảy ra tại nhiều cơ sở y tế. Phó Thủ tướng khẳng định các ý kiến nêu trên đều là tiếng nói của "người thật, việc thật". Ông yêu cầu Bộ Y tế cần nhìn nhận để đề xuất các hướng tháo gỡ, tránh việc đề xuất mang tính khẩu hiệu, không giải quyết được vấn đề.