Trao đổi với PV VietNamNet, GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương thông tin, bệnh viện đã gửi Bộ Y tế bản tổng kết 2 năm thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện và xin chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60 của Chính phủ. Như vậy, 2 bệnh viện tuyến trung ương là Bạch Mai và Bệnh viện K đều đã xin thay đổi mô hình tự chủ.

Đánh giá về mô hình tự chủ bệnh viện GS.TS Lê Văn Quảng cho biết, về lý thuyết, tự chủ toàn diện có nhiều ưu điểm trong việc nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động nhưng mỗi ngành nghề có đặc thù riêng. Với ngành y, thực hiện tự chủ toàn diện một cách nhanh chóng, quyết liệt sẽ chưa phù hợp ở thời điểm hiện nay. Đồng thời, GS.TS Quảng cũng phân tích nhiều bất cập sau 2 năm thí điểm thực hiện tự chủ. 

Bộ Y tế giao cho 4 bệnh viện thực hiện tự chủ nhưng chỉ 2 viện là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K thực hiện. Theo GS.TS Quảng, đây là 4 viện đầu ngành của cả nước – số lượng bệnh nhân lớn. Dù áp dụng tự chủ toàn diện hay không số lượng bệnh nhân ít có sự thay đổi vì vậy rất khó để đánh giá sự hiệu quả của mô hình này. 

GS.TS Lê Văn Quảng thông tin, sau 2 năm tự chủ bệnh viện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn vốn để đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị cùng những rào cản về pháp lí. Người đứng đầu bệnh viện này nhấn mạnh, thời gian qua, việc tự chủ mua sắm trang thiết bị là một trở ngại khó khăn đối với bệnh viện thực hiện tự chủ toàn diện. Đối với ngành y tế, việc có đầy đủ máy móc, thiết bị rất quan trọng trong công tác khám chữa bệnh. "Trong hai năm thực hiện việc thí điểm tự chủ toàn diện, Bệnh viện K chưa đầu tư được thiết bị mới nào", GS.TS Quảng nói.

Các bác sĩ Bệnh viện K trong một ca phẫu thuật

Nguyên nhân là do bệnh viện giảm nguồn thu sau 2 năm dịch Covid-19. Năm 2021, nguồn thu của bệnh viện giảm từ 35-40% tương đương khoảng 1.300 tỷ đồng. Trong khi đó các máy móc, thiết bị phục vụ việc chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư rất đắt tiền. Ví dụ một hệ thống máy xạ trị có giá khoảng 150 tỷ đồng, các thiết bị chẩn đoán khác có giá khoảng 20-50 tỷ/máy. Sau 2 năm, viện chưa đầu tư được thiết bị nào mới trong khi đó nếu tiêu chuẩn 1 máy phục vụ 70 bệnh nhân, bệnh viện cần đầu tư thêm 6-7 máy (hiện bệnh viện đang có 9 máy, trong đó 1 máy bảo dưỡng, thời gian hoạt động của các máy này hiện nay là từ 5h đến 22h).

Bên cạnh đó, GS.TS Quảng còn phân tích chi phí đào tạo, chi cho đội ngũ cán bộ nhân viên đi học tập, nâng cao tay nghề không hề nhỏ. Bên cạnh đó, bệnh viện còn phải lo chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ cho các bác sỹ, sinh viên các trường, các bệnh viện tuyến dưới… Thu nhập của cán bộ trong 2 năm vừa qua giảm và bệnh viện đã nỗ lực duy trì để đảm bảo đời sống cho nhân viên y tế.

Người đứng đầu bệnh viện này cũng đề cập đến vấn đề hiện nay giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ. Hơn nữa, giá dịch vụ theo yêu cầu phải theo khung giá nhưng đến nay khung giá cũng chưa được ban hành. Việc tính giá dịch vụ y tế phải theo quy định nên việc bệnh viện tự xây dựng giá là khó thực hiện và cần có cơ quan chức năng xây dựng, hướng dẫn. 

Đặc biệt, nếu tự chủ để có kinh phí đầu tư, chi phí khám chữa bệnh sẽ phải tăng lên nhưng đây là viện tuyến cuối điều trị ung thư – bệnh phải điều trị lâu dài, tốn kém trong khi đa số bệnh nhân nghèo, khó khăn.  

Đánh giá cao chủ trương bệnh viện tự chủ nhưng Giám đốc Bệnh viện K cho rằng đây chưa phải là thời điểm thích hợp để thực hiện tự chủ toàn diện “Phải có điều kiện đáp ứng nhu cầu hoạt động cho bệnh viện, sau đó mới tiến tới tự chủ toàn diện nhưng việc này cần phải có lộ trình”, GS.TS Quảng nói.

Giám đốc Bệnh viện K cũng khẳng định dù tự chủ hay chưa tự chủ toàn diện, đội ngũ y bác sĩ đều làm hết chức năng, nhiệm vụ để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Hiện bệnh viện đã có công văn gửi Bộ Y tế xin chuyển sang hình thức tự chủ nhóm 2 theo Nghị định 60. “Nghị quyết 33 cũng chưa có hành lang pháp lý rõ ràng đảm bảo cho việc thực hiện trong khi Nghị định 60 có tính pháp lý hơn và phù hợp với Bệnh viện K hơn”, Giám đốc bệnh viện cho biết.

Tự chủ bệnh viện đang là vấn đề “nóng” đối với ngành y tế. Tại hội nghị của ngành y tế do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 21/8, GS.TS Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng, tự chủ bệnh viện là cần thiết nhưng phải có chế tài quy định. “Đừng nghĩ rằng tự chủ là khoán đứt mà tự chủ là tận dụng tối đa năng lực của bệnh viện, Chính phủ vẫn phải đứng đằng sau hỗ trợ. Như vừa rồi, Bệnh viện Chợ Rẫy là điển hình. Dù họ đã rất cố gắng nhưng làm gì cũng vướng. Do đó, cần có những chế độ, quy định để phát huy thế mạnh, hỗ trợ cho bệnh viện”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã đề nghị Bộ Y tế đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công.

Hiện nay, chi phí giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ, nghĩa là một số mức thu chi chưa được đưa vào. Vậy việc tự chủ có ảnh hưởng tới các bệnh viện không? Phải xây dựng lại định mức, xây dựng lại đơn giá… Thứ hai là đánh giá sắp xếp lại các bệnh viện công lập theo Nghị định 60. Nếu đơn vị nào tự chủ được 100%, cho phép thực hiện tự chủ, nếu cơ sở nào tự chủ một phần (chi thường xuyên), thực hiện sắp xếp theo Nghị định 60, nếu chưa đủ điều kiện có thể tạm dừng.