Giá đã giảm hết cỡ, khó thấp hơn

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch, đánh giá, khi dịch Covid-19 xuất hiện không ai lường trước được diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn như hiện tại. Những người làm trong ngành cũng dự đoán dịch chỉ diễn ra vài tháng. Song càng ngày càng thấy hậu quả kinh khủng và tác động nặng nề của nó.

Ảnh hưởng nặng nề như vậy nên giải pháp kích cầu du lịch cũng phải đặc biệt. Ông Vũ Thế Bình cho rằng, vừa kích cầu, chúng ta vừa phải nghĩ giải pháp xa hơn, tốt hơn, ví dụ như sống chung với dịch.

Theo ông Bình, những giải pháp kích cầu trong đợt một giờ không còn phù hợp. “Đợt kích cầu lần này không thể trông đợi vào giảm giá. Giá đã giảm hết cỡ, không thể thấp hơn, doanh nghiệp đã kiệt sức. Do vậy, nên tập trung vào chất lượng dịch vụ. Chất lượng dịch vụ phải tốt nhất, sản phẩm dịch vụ mới nhất, hấp dẫn nhất, lạ nhất”, ông Bình nói.

{keywords}
Ông Vũ Thế Bình: Chúng ta phải chấp nhận sống chung với dịch

Ngoài ra, kích cầu lần hai cần song song với việc nghiên cứu, tìm hiểu chuyển đổi số, đưa du lịch thành ngành kinh tế số để vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch. “Cần xác định dù dịch bệnh có tái phát cũng không bất ngờ và có kinh nghiệm đối phó ngay lập tức”, ông Bình nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Hoài Thu - Phó Giám đốc văn phòng Hà Nội - Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, thẳng thắn: "Tôi nghĩ chúng ta không quá băn khoăn về giá mà cố gắng phục vụ khách trở lại tốt nhất. Họ sẽ là người truyền thông tốt nhất để du lịch Việt hồi phục vào cuối năm. Khách an tâm, an toàn đi đã là một thắng lợi, có niềm tin để chúng ta phát triển trở lại", bà Thu chia sẻ.

Ngoài ra là kích cầu bằng cách liên minh, liên kết. Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Võ Thị Ngọc Thúy nói rằng TP tiếp cận kích cầu theo hai hướng: mức giá và nhu cầu của người dân. Hơn nữa, TP kích cầu bằng cách khuyến khích người dân TP.HCM đi du lịch trong thành phố và người nơi khác đến thành phố; đồng thời hướng ra ngoài bằng cách khuyến khích người TP.HCM đi ra các tỉnh, địa phương khác thông qua việc liên kết với 13 tỉnh ĐBSCL, 5 tỉnh Đông Nam Bộ, 8 tỉnh Tây Bắc, 8 tỉnh Đông Bắc và 5 tỉnh miền Trung.

“Kích cầu phải tạo động lực để du lịch có sức sống trở lại, không chỉ nhắm đến một địa phương nào”, bà Thúy nhận xét.

Thời gian tới, TP sẽ phát huy thực chất nhất liên kết vùng để tạo ra sản phẩm hấp dẫn, có sự kết nối giữa các địa phương mà TP.HCM chỉ là một mắt xích.

Theo đại diện lãnh đạo du lịch Hải Phòng, liên kết không chỉ theo vùng mà còn liên liên kết nội bộ khối: lữ hành, lưu trú, nhà hàng, vận chuyển mà thời gian qua có sự đứt gãy.

Ngoài ra, vị này góp ý cần thay đổi thói quen đi du lịch của người dân, biến cái bất lợi thành cái có lợi. Chẳng hạn, lâu nay du lịch miền Bắc vẫn theo mùa vụ, mùa đông không có khách, vậy tại sao không thay đổi thói quen đi du lịch, tạo ra sản phẩm tour trải nghiệm mùa Đông phía Bắc, tour du lịch tâm linh có thể đi vào mùa đông hay đi ngắm biển mùa đông...

{keywords}
Tây Bắc mùa lúa chín là địa điểm đang được du khách yêu thích (ảnh LĐ)

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours, cho rằng lần kích cầu thứ hai này cần tập trung vào giá trị gia tăng, chuyên biệt hóa sản phẩm du lịch. Thay vì yêu cầu địa phương kích cầu, cơ quan chức năng cần chọn ra điểm đẹp nhất để kích cầu trước, như Hà Nội vào thu, kỷ niệm 1010 năm Thăng Long, Tây Bắc ruộng bậc thang mùa lúa chín, miền Tây mùa nước nổi, Tây Nguyên mùa hoa dã quỳ,... tạo thành xu hướng đi du lịch, sau đó mở rộng dần ra rộng ra các điểm đến khác.

Truyền thông về điểm đến an toàn

"An toàn rồi, du lịch thôi" - ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, phát động người dân đi du lịch tại buổi tọa đàm “Kích cầu du lịch nội địa, Trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn” diễn ra chiều 24/9. Trong đó, an toàn là yếu tố quan trọng hàng đầu nếu muốn kích cầu, kéo nhu cầu của người dân đi du lịch lên.

Theo một khảo sát của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), 41% số người được hỏi sẵn sàng đi du lịch từ tháng 9-11/2020, trong đó gần một nửa (46,7%) đi ngắn ngày (2-3 ngày). Hơn 70% số người tham gia khảo sát vẫn chọn đi máy bay. Về dịch bệnh, hơn một nửa trong số ý kiến được hỏi vẫn lo ngại khi đến các điểm đã bị dịch bệnh (57%). Vì vậy, điểm đến an toàn là yếu tố tác động chính tới kế hoạch đi du lịch của họ (56%).

Tâm lý e dè, lo ngại dịch bệnh nhấn chìm sở thích đi du lịch của người dân. Do đó, ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, cho rằng, nếu kích cầu lần đầu khó 1 thì lần này khó 10, rất cần có những giải pháp sáng tạo, đột phá.

{keywords}
Khảo sát cho thấy điểm đến an toàn quan trọng như thế nào trong quyết đinh đi du lịch của người dân

Theo bà Nguyễn Lê Hương - Phó Tổng giám đốc Vietravel, dịch Covid-19 quay lại lần hai khiến du khách e ngại, vì vậy, sự an toàn luôn được đặt lên hàng đầu.

Bà Hương lưu ý, khi Covid-19 bất ngờ xảy ra tại Đà Nẵng, chúng ta chưa có kịch bản cụ thể. Vì vậy, cơ quan Nhà nước cần sớm ban ra quy trình để khách hàng, nhà cung cấp và các hãng hàng không biết phải làm gì sau khi đi du lịch về, chính sách hoãn/hủy ra sao... Điều đó giúp cho tâm lý của khách hàng thoải mái hơn.

Tại TP.HCM, bà Võ Thị Ngọc Thúy cho hay thành phố vừa phát động phong trào du lịch an toàn, an toàn để đi du lịch. Trong đó, các bên cam kết thực hiện bộ tiêu chí an toàn một cách tự nguyện.

Ông Martin Koerner - Giám đốc Thương mại tại Alma Resort, Khánh Hòa, khẳng định, để mang lại kỳ nghỉ an toàn cho khách hàng, vai trò của nhân viên là không thể thiếu. Vì vậy, resort này phổ biến quy trình phòng chống dịch cho tất cả cán bộ, nơi mỗi người đều có trách nhiệm nhắc nhở lẫn nhau, từ cấp lãnh đạo cao nhất cho tới nhân viên làm vườn.

Tại buổi tọa đàm, hầu hết các ý kiến đều xác định truyền thông về điểm đến an toàn là nhiệm vụ được coi là trọng tâm hàng đầu. Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Hoan kiến nghị, thay vì các địa phương, doanh nghiệp vẫn làm như trước thì cơ quan Nhà nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nên đứng ra làm việc này. Có như vậy mới thuyết phục người dân an tâm đi du lịch.  

Ngọc Hà