Cần từ bỏ hai điều 'độc quyền' 

Giá vàng SJC trong nước dù đã giảm nhiệt nhưng vẫn chênh lệch cao so với giá thế giới, khoảng 14 triệu đồng/lượng. Có thời điểm, mỗi lượng vàng SJC đắt hơn vàng thế giới tới 18,5 triệu đồng. Các chuyên gia từng đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có việc bỏ độc quyền nhập khẩu vàng, cũng như bỏ độc quyền thương hiệu vàng quốc gia SJC.

Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có quyết định chính thức nào từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Chia sẻ với PV. VietNamNet, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế đánh giá: NHNN phản ứng chậm. Vị chuyên gia cho rằng, NHNN là đơn vị duy nhất có thể nhập khẩu vàng, mà cơ quan này chưa muốn từ bỏ vai trò đó.

“NHNN nhập khẩu vàng, rồi lại giao cho SJC sản xuất vàng miếng và công nhận vàng SJC là thương hiệu vàng quốc gia. Đó là hai điều mà NHNN vẫn đang nắm giữ", ông Hiếu băn khoăn. 

Theo vị chuyên gia này, trên một thị trường cạnh tranh, độc quyền bao giờ cũng tạo ra lợi thế và lợi nhuận cho họ, bởi đơn vị độc quyền có thể tạo ra nguồn cung, từ đó có thể “làm giá”. "NHNN là đơn vị nhập khẩu vàng nguyên liệu duy nhất và giao cho SJC sản xuất vàng miếng, cả hai điều đó đều ở trong sự 'độc quyền' của NHNN. Tôi cũng chưa hiểu tại sao NHNN chưa muốn bỏ”, ông thắc mắc.

W-doc-quyen-nhap-khau-vang-2.jpg
Chuyên gia cho rằng, cần bỏ độc quyền nhập khẩu vàng và độc quyền thương hiệu vàng quốc gia SJC để ổn định thị trường. (Ảnh: Nguyễn Huế)

Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024 diễn ra sáng 3/1, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nói: “Nhà nước cũng không chấp nhận sự chênh lệch giá vàng với thế giới lên đến 20 triệu đồng/lượng như thời gian qua, cũng không chấp nhận mức chênh lệch về giá giữa vàng miếng SJC với các loại vàng khác đến mấy triệu đồng/lượng”.

TS.Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, điều này mâu thuẫn khi lãnh đạo NHNN không thể chấp nhận mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và vàng thế giới, nhưng NHNN độc quyền về nhập khẩu vàng và độc quyền về thương hiệu vàng quốc gia SJC, điều này tạo nên chênh lệch lớn về giá vàng độc quyền.

Ông đặt vấn đề: Làm sao để thị trường vàng cân bằng, giá trong nước và giá thế giới không quá chênh lệch? Nếu tính tất cả chi phí, chênh lệch khoảng 2 triệu đồng/lượng là mức có thể chấp nhận được. Còn chênh lệch từ 2-5 triệu đồng/lượng là mức cao và chênh lệch từ 5 triệu đồng trở lên là rất cao.

“Để giá vàng trong nước chỉ chênh với thế giới 2 triệu đồng/lượng, không còn cách nào khác ngoài việc NHNN cần từ bỏ hai điều 'độc quyền' trên. Cần cho các đơn vị kinh doanh vàng có uy tín, thực lực tài chính nhập khẩu vàng, để nguồn cung dồi dào, cân bằng cung - cầu.

Tại thời điểm này, không cần thương hiệu vàng quốc gia SJC nữa vì không còn chuyện đổ xô đi mua vàng, tích trữ vàng, định giá mọi chuyện trên vàng, trên USD... tức là, đã chống được hiện tượng vàng hóa. Vì thế, để thị trường có những sản phẩm cạnh tranh công bằng là cần thiết; không thể tuyên bố một sản phẩm nào là thương hiệu quốc gia, còn các sản phẩm khác không phải thương hiệu quốc gia”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Bỏ độc quyền, có rủi ro nào cho thị trường?

Nếu bỏ độc quyền nhập khẩu vàng, liệu thị trường có đối mặt rủi ro nào hay không? Trả lời câu hỏi này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có thể đối mặt với việc nhập khẩu nhiều quá, nguồn cung quá dồi dào và đẩy giá vàng xuống rất sâu.

Chuyên gia nhấn mạnh, tại Nghị định 24, vấn đề “độc quyền” của NHNN trong nhập khẩu vàng cũng như thương hiệu vàng quốc gia SJC cần thay đổi. 

Đồng thời, nên lập sàn giao dịch vàng để mọi thành phần tham dự thị trường vàng có thể lên đó cập nhật những thông tin thông suốt.

Trong khi đó, trao đổi với PV. VietNamNet, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, cho rằng, nếu giải quyết sớm thì không có chuyện chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới đến 20 triệu đồng/lượng.

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, hiệp hội đã có văn bản xin cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho 3 doanh nghiệp là: Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) rất bài bản, trong khuôn khổ của Nghị định 24 từ tháng 8/2023 nhưng chưa được duyệt.

“Không cho nhập khẩu vàng không giải quyết được vấn đề. Cần giải quyết vấn đề từ gốc, chứ không phải từ ngọn”, ông Khánh khẳng định.

Theo ông Khánh, bỏ độc quyền nhập khẩu vàng không có rủi ro nào cho thị trường. Hiệp hội đã đề nghị cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu chừng mực, nằm trong sự kiểm soát.