Nhiều giải pháp giám sát

Bên cạnh việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp giám sát, đảm bảo an toàn hoạt động đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Trong đó có một số lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS) có tính chất đầu cơ, phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung…, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Cụ thể, NHNN đã giám sát thường xuyên, liên tục đối với tình hình hoạt động của các đơn vị trong hệ thống và xây dựng các báo cáo giám sát an toàn vĩ mô, vi mô theo định kỳ đối với các đối tượng và nhóm đối tượng giám sát; giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao (bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp,…) qua hệ thống báo cáo thống kê và từ các nguồn thông tin khác.

Trên cơ sở kết quả giám sát, NHNN đã ban hành các văn bản cảnh báo, khuyến nghị đối với các vấn đề cần quan tâm.

Ngoài ra, NHNN tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng đưa nội dung thanh tra về hoạt động cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vào kế hoạch thanh tra chuyên ngành đối với các cuộc thanh tra pháp nhân định kỳ hàng năm.

ngân hàng.jpg
Vốn cần đi vào khu vực sản xuất kinh doanh. 

Đặc biệt, NHNN thường xuyên kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung/BĐS không có nhu cầu thực/kinh doanh có tính chất đầu cơ BĐS, làm giá, lũng đoạn thị trường BĐS; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của TCTD, cho vay chéo..., đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

NHNN cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, việc sử dụng vốn nhất là việc tập trung quá lớn tín dụng vào một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái hoặc doanh nghiệp “nội bộ” có nguy cơ rủi ro lớn.

Tính đến cuối tháng 7/2023, toàn hệ thống có 40 TCTD đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với tổng số dư là 205,4 nghìn tỷ đồng, giảm 14,7% so với cuối năm 2022 và giảm 11,6% so với năm 2020. Tỷ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trên tổng dư nợ tín dụng nhỏ, chiếm 1,67%, thấp hơn mức 2,0% cuối năm 2022.

Đến tháng 7/2023, tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán chiếm 0,55% tổng dư nợ. Còn tín dụng đối với lĩnh vực BĐS tăng 4,99% so với cuối năm 2022, chiếm 21,73% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.

Vốn phải vào khu vực sản xuất kinh doanh

Theo đánh giá của NHNN, thị trường chứng khoán, trái phiếu chịu tác động mạnh mẽ, thay đổi đột ngột sau khi xảy ra các sự kiện, thông tin tiêu cực dẫn đến nhiều dự án bị đình trệ, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng. Một số doanh nghiệp vừa vay vốn tại TCTD, vừa phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nên khi xảy ra tình trạng mất khả năng trả nợ/mất thanh khoản do việc khó khăn từ huy động vốn từ kênh trái phiếu dẫn đến không có dòng tiền để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu để trả nợ.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp/cá nhân đầu tư TPDN không được trả gốc và lãi theo cam kết nên ảnh hưởng đến nguồn thu, thiếu vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất, ảnh hưởng đến tình hình tài chính nói chung và ảnh hưởng đến các khoản trả nợ vay TCTD nói riêng.

Thị trường bất động sản sau thời gian phát triển nóng đã bộc lộ nhiều tồn tại, giá bất động sản sụt giảm ở nhiều phân khúc.

Điều này gây ảnh hưởng lớn đến khả năng thanh khoản và khả năng bán/cho thuê tài sản để thanh toán nợ gốc/lãi vay khi đến hạn của khách hàng; nhiều dự án bất động sản gặp vấn đề về pháp lý, khó giao dịch; việc huy động vốn của dự án khó khăn, tác động đến dòng tiền và tiến độ triển khai thực hiện dự án.

Thị trường bất động sản thanh khoản thấp cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản để thu hồi nợ xấu của các TCTD.

“Có thể thấy, sự bất ổn của thị trường vốn cụ thể là thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản trong thời gian qua gây ảnh hưởng tới tính thanh khoản của thị trường, góp phần làm mặt bằng huy động vốn lên cao, dẫn tới lãi suất cho vay tăng cũng là một tác nhân ảnh hưởng đến khả năng, nguồn trả nợ của khách hàng, do đó gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao cũng như chất lượng tín dụng của toàn hệ thống”, NHNN đánh giá.

Theo chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực, giảm lãi suất không thể giảm quá nhiều, quá mạnh, quá nhanh được, nếu không một số dòng tiền sẽ dịch chuyển từ kênh tiết kiệm riêng tư sang kênh chứng khoán.

“Như vậy vẫn phải đảm bảo một mức độ hấp dẫn nhất định để dòng tiền tiếp tục vào ngân hàng, ngân hàng có thanh khoản cho vay, đảm bảo nguồn vốn đi vào kinh doanh thay vì chỉ đầu tư tài chính hay tồn kho bất động sản như thời gian vừa qua. Tôi nghĩ rằng phải đồng bộ chính sách như vậy thì mới đảm bảo mức độ thẩm thấu, việc giảm lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ mới có hiệu quả”, TS Cấn Văn Lực nhận định.

Nguyễn Lê và nhóm PV, BTV