- Nhiều ĐBQH muốn giám sát không hình thức, phải vào chăn để biết có rận, không thể chỉ đoàn đến rồi đoàn lại đi, làm việc êm đẹp...
Tại phiên họp của QH chiều nay về luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, ĐB Nguyễn Bá Thuyền so sánh luật như tấm vải đẹp, trở thành quần áo xấu hay đẹp do người thợ may. Như việc giám sát hiệu quả là ở chủ thể thực hiện giám sát và đối tượng giám sát.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền |
Ông phản ánh thực trạng nhiều đoàn "kéo đi rất đông" nhưng chỉ nghe báo cáo qua loa, chẳng đi thực tế, xong rồi về. Trong khi người dân mong được đoàn giám sát lắng nghe cụ thể.
"Đi giám sát mà dê cấp cho người nghèo đi lạc vào nhà bí thư lại không biết, tiền cho người nghèo lại chia hết cho cán bộ xã cũng không biết, thì rất gay", ông Bá Thuyền nêu.
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng giám sát chỉ mới nghe ngóng, chưa vào trong chăn để biết có rận. Ông đề nghị bổ sung phương thức giám sát chuyên đề là nghiên cứu trực tiếp hồ sơ tài liệu, gặp hỏi những người có liên quan, nhất là những người hay khiếu nại tố cáo, trực tiếp xem xét thực địa...
ĐB Nguyễn Anh Sơn |
Phó đoàn ĐBQH Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh không hài lòng việc "đoàn giám sát về làm việc êm đẹp, ra về may mắn thế là thành công". Trong khi đó, những kiến nghị, xem xét trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu, cán bộ công chức phụ trách trực tiếp chưa được quan tâm lắm.
ĐB Sinh cho rằng, cần có quy định để cá nhân hóa các hạn chế yếu kém phát hiện qua giám sát, từ đó khắc phục, tạo sự chuyển biến hoặc thay đổi con người để lĩnh vực đó có hiệu quả hơn.
Phó đoàn ĐBQH Nam Định Nguyễn Anh Sơn cũng ngán ngẩm cảnh "đoàn đến rồi đoàn lại đi; địa phương chẳng chuyển biến gì, không sao". Ông kiến nghị quy định kết luận giám sát của các cơ quan dân cử sẽ được chuyển đến cấp trên của đối tượng giám sát để cơ quan này đôn đốc thực hiện, chứ không đợi đến khi đối tượng không thực hiện thì mới kiến nghị cấp trên xử lý.
ĐB Đỗ Văn Đương lưu ý thêm chủ thể giám sát phải chịu trách nhiệm về kết luận của mình, khách quan, trung thực, có tính khả thi. "Nếu không thì đối tượng giám sát nói lại, không có đường chạy".
Quy định khi nào được ủy quyền trả lời chất vấn
Về chất vấn thành viên Chính phủ, Phó đoàn ĐBQH Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa khẳng định yêu cầu chất vấn chức danh nào thì chức danh đó phải trả lời.
ĐB Huỳnh Nghĩa |
Thực tế vừa qua, nhiều ĐB chất vấn Thủ tướng hoặc Chủ tịch UBND nhưng người trả lời thường là Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND vì pháp luật không bắt buộc chức danh bị chất vấn bắt buộc phải trực tiếp trả lời chất vấn, cũng không cấm việc ủy quyền trả lời.
Phó đoàn ĐBQH Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền góp ý: "Tôi dự họp HĐND mấy tỉnh, Giám đốc sở ngồi đó mà Phó giám đốc lên trả lời chất vấn. Phải quy định rõ ràng khi nào mới được ủy quyền".
ĐB cho rằng, chỉ khi nào cấp trưởng vắng mặt có lý do không thể làm được thì mới ủy quyền cho cấp phó.
Chung Hoàng - Ảnh: Hoàng Long