Tiếp nhận thông tin này, giới doanh nghiệp thêm tự tin trước khó khăn và mong muốn tinh thần vào cuộc nhanh thì càng phải giải cứu nhanh, để không có tình trạng ‘trên nóng dưới lạnh’ trong việc hỗ trợ sản xuất, kinh doanh thời ảnh hưởng dịch bệnh.

Phòng, chống dịch Covid-19 được xác định là ‘như chống giặc’. Đây là một nhiệm vụ kép với việc bảo vệ tính mạng của nhân đồng thời phải ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng vượt qua khó khăn.

Cho đến thời điểm này, ảnh hưởng dịch gây thiệt hại là khá rõ nét. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực hàng không, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên toàn cầu, đã ghi nhận hậu quả rất lớn.

Số lượng lớn tàu bay của các hãng đã phải ngừng hoạt động, thiệt hại hàng chục triệu USD mỗi tháng. Cục Hàng không ước tính, các hãng hàng không bị thiệt hại 25.000 tỷ doanh thu trong năm nay. Tuy nhiên, với diễn biến mới, phức tạp và bất lợi hơn thì hàng không tiếp tục gánh chịu những tổn thất chưa lường hết.

{keywords}
Nhiều ngành sản xuất, dịch vụ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19

Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (IATA) vừa nâng mức thiệt hại hàng không toàn cầu lên hơn 110 tỷ USD, so với con số thiệt hại 29 tỷ USD mà tổ chức này đưa ra cách đây không lâu. 

Những khó khăn, thiệt hại của ngành hàng không là 1 chỉ dấu cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với suy thoái mạnh hơn. Bởi hàng không là con đường rộng nhất, nhanh nhất rút ngắn khoảng cách của mỗi quốc gia với thế giới, hàng không đi liền với du lịch, đầu tư, thương mại.

Số liệu tính toán trên thế giới cho thấy hàng không tăng trưởng 2-2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng 1% GDP. Đây là bệ phóng của ngành du lịch, thu hút đầu tư, giao thương, quan hệ quốc tế...

Ở Việt Nam, ngành hàng không cũng đóng góp rất quan trọng trong việc bùng nổ du lịch, giúp đạt doanh thu hơn 30 tỷ USD trong năm 2019. Ngành hàng không Việt Nam vận chuyển 116 triệu lượt khách trong năm qua. Các doanh nghiệp hàng không trực tiếp tạo ra doanh thu khoảng 180.000 tỷ đồng và nộp ngân sách trên 20.000 tỷ đồng trong năm 2019...

Không chỉ ở Việt Nam, vai trò quan trọng của ngành hàng không cũng được nhiều quốc gia coi trọng. Tại Thái Lan, hàng không là một trong những công cụ chính để điều chỉnh ngành du lịch và kinh tế quốc gia.

Chính phủ Thái Lan đã ngay lập tức giảm 96% thuế môi trường đối với nhiên liệu trong 7 tháng (từ 6/2/2020 đến 30/9/2020) cho các đường bay nội địa. Chính phủ nước này cũng đang xét duyệt giảm 20 - 50% phí bay qua bầu trời; giảm 50% phí cất hạ cánh, sân đỗ; giảm 30% phí sân bay cho khách hàng không nước này.

Tại Singapore, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ lên đến 4 tỷ USD, trong đó bao gồm miễn giảm thuế TNDN (25% trên tổng số thuế phải đóng), đồng thời giảm chi phí cất cánh, hạ cánh, chi phí phục vụ mặt đất tại sân bay Changi.

Tại Trung Quốc, các hãng hàng không đã được Chính phủ hỗ trợ bằng tiền với mức cụ thể đối với mỗi ghế bay của từng chặng...

Ở Việt Nam, trong Chỉ thị số 11, hàng không và du lịch là 1 trong 7 nhiệm vụ, giải pháp lớn mà Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.

{keywords}
Hàng không, du lịch là những ngành chịu tác động đầu tiên và nặng nề nhất.

Tháng trước, Cục Hàng không đã đề xuất giảm các loại phí, giảm thuế cho các hãng hàng không... Cụ thể, cơ quan quản lý, hãng hàng không và các chuyên gia đã đưa ra những giải pháp hỗ trợ cho hãng hàng không: Miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường đối với nhiên liệu bay; Giảm 70% giá đối với các khoản phí cất, hạ cánh, phí phục vụ hàng không, phí điều hành bay tại các cảng hàng không; Tạm hoãn nộp các loại thuế (thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp, bảo vệ môi trường... ) đến hết năm 2020; ban hành gói vay với lãi suất ưu đãi cho các hãng hàng không.

Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam cũng được yêu cầu rà soát, chủ động hỗ trợ, cho các hãng kéo dài thời gian thanh toán hàng hóa, dịch vụ; áp dụng mức giá thấp nhất trong khung giá, khung phí cho thuê quầy làm thủ tục, thuê mặt ở nhà ga...

Đặc biệt, để giảm chi phí đi lại cho hành khách, người dân, kích cầu hàng không, du lịch, giải pháp miễn khoản phí phục vụ và phí an toàn hàng không cho hành khách hiện đang được hãng hàng không thu hộ cho các cảng hàng không cũng đã được đề xuất và nhận được sự đồng tình của nhiều bên.

Một chuyên gia hàng không cho biết, nếu Nhà nước cho phép miễn phí phục vụ thì vé máy bay có thể giảm được cho hành khách khoảng 10.000 tỷ đồng/năm. Hoặc nếu được miễn giảm thuế bảo vệ môi trường, hãng hàng không sẽ tiết kiệm được khoản chi hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Đây là những khoản hỗ trợ rất hữu ích cho các hãng hàng không.

Các biện pháp đã có nhưng điều DN mong mỏi nhất là thực tế công tác hỗ trợ doanh nghiệp không được chậm trễ, nguồn lực cần được giải phóng nhanh đến các DN. Bởi vì đến nay, đã liên tục 2 tháng gánh chịu tác động của dịch bệnh, các DN đã bắt đầu ngấm đòn và tác động sẽ còn nặng nề và kéo dài trong khi các giải pháp đề ra vẫn đang chờ hoàn thiện để thực thi.

PGS, TS Trần Đình Thiên - thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - cho rằng, ‘cần nhận thức rõ hỗ trợ DN nói chung và các ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp như hàng không, du lịch,... không phải là xin - cho, mà là Nhà nước đầu tư, nuôi dưỡng nguồn thu và để phục hồi, phát triển kinh tế’.

‘Chính phủ coi chống dịch như chống giặc, thì càng không thể cho phép sự chậm trễ. Chúng ta đang đối mặt với những khó khăn mà hậu quả khó lường, cần phải tăng nguồn lực và cần có chế tài mạnh như quân luật trên mặt trận kinh tế nói chung. Nếu không, chúng ta không phát huy được thắng lợi trên mặt trận phòng chống dịch bảo vệ sức khỏe nhân dân và để thua đáng tiếc trên mặt trận kinh tế’, ông Thiên nói.

Mai Thu