Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Research Ethics, nhiều giảng viên thuộc đại học hàng đầu Trung Quốc thừa nhận bị ép hoặc được khuyến khích gian lận học thuật. Một số người cho rằng, đây là hệ quả của việc họ phải đăng nhiều bài trên tạp chí quốc tế để giúp nhà trường tăng vị trí xếp hạng.

Năm 2015, chính phủ Trung Quốc triển khai đề án Sáng kiến Song Nhất (Double First-Class Initiative) với mục đích xây dựng các đại học hàng đầu mang đẳng cấp thế giới. Theo đó, nhà nước sẽ rót vốn đầu tư vào những trường được chọn tham gia dự án, trong quá trình thực hiện nếu không đáp ứng yêu cầu sẽ bị loại.

Do đó sau thời gian dài thực hiện, một nhà Xã hội học của Đại học Hong Kong (Trung Quốc) quyết định thực hiện phỏng vấn sâu nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên và nghiên cứu sinh của các trường tham gia đề án. Trong đó, những người được phỏng vấn bao gồm một hiệu trưởng, các trưởng khoa và trưởng bộ môn. 

Tham gia phỏng vấn, những người đứng đầu của một số đại học tham gia đề án thừa nhận, để không bị loại khỏi chương trình nhà trường cần nâng cao vị thế quốc tế. Bằng cách này, các nhà nghiên cứu ngày càng phải công bố nhiều bài báo trên tạp chí quốc tế được Scopus lập chỉ mục. Vì vậy, không ít trường xem việc xếp hạng là một ván cờ bắt buộc phải thắng.

Tiết lộ thêm, những người lãnh đạo cho biết, khi chỉ thị ở trên giao xuống, mỗi khoa sẽ đề ra lộ trình riêng yêu cầu giảng viên phải có bài đăng tạp chí. Thậm chí, việc này còn là điều kiện quan trọng để giúp họ nhanh được thăng hạng chức danh hoặc ở lại trường làm việc.

Do đó, để không bị đuổi việc, nhiều giảng viên thừa nhận đã vi phạm đạo đức học thuật. Một trưởng khoa thuộc đại học tham gia đề án Song Nhất cũng khẳng định: "Nếu giảng viên không đáp ứng tiêu chí, chúng tôi sẽ khuyên họ nghỉ việc càng sớm càng tốt".

Bất chấp những hành vi vi phạm đạo đức học thuật, nhiều giảng viên tiết lộ thường dùng dịch vụ viết thuê, chỉnh sửa số liệu, đạo văn hoặc lấy bài nghiên cứu của sinh viên nhưng không cho đứng tên chung.

Thậm chí, họ còn hối lộ biên tập viên để được đăng bài nhanh. Một giảng viên khác cho biết thêm, đã mua quyền truy cập vào một kho dữ liệu lớn. Mỗi lần làm bài chỉ cần vào đây thay đổi giả thuyết theo đề tài nghiên cứu.   

Dù biết những hành vi trên là sai, một phó khoa vẫn nhấn mạnh đến tính ưu việt khi giảng viên có bài đăng tạp chí quốc tế. "Chúng ta không nên khắt khe và chú ý đến những hành vi gian lận học thuật, vì điều đó sẽ làm cản trở hiệu quả nghiên cứu của các giảng viên", người này nói. 

Liên quan đến vấn đề này, một nhà nghiên cứu về chính sách liêm chính khoa học của Đại học Công nghệ Đại Liên (Trung Quốc) cho biết, đây không phải là bức tranh đúng toàn cảnh: "Nghiên cứu này đề cập đến những vấn đề tiêu cực đang tồn tại, khiến người đọc dễ hiểu nhầm việc cải cách hệ thống giáo dục đại học ở Trung Quốc có vai trò thúc đẩy hành vi gian lận nghiên cứu".

Người này tiếp tục nói thêm, khi triển khai đề án Song Nhất chính phủ Trung Quốc đã nhấn mạnh, việc xếp hạng các đại học được dựa trên tiêu chí đánh giá toàn diện, chứ không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào số lượng bài đăng tạp chí quốc tế.

Do đó, những hành vi gian lận nghiên cứu không phải là kết quả của đề án này, mà đó là cái cớ để giảng viên bao biện cho những áp lực công việc hiện tại. 

25 sinh viên bị bắt vì dùng bằng giả vào đại họcTRUNG QUỐC - Liên quan đến bê bối dùng bằng, bảng điểm giả để xét tuyển vào các đại học ở Hong Kong (Trung Quốc) cảnh sát sở tại đã bắt giữ 25 sinh viên và lôi được 14 tổ chức trung gian ra ánh sáng.