Ngày 17/7, tại TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai - Bộ NN&PTNT phối hợp với Vụ Cơ sở vật chất - Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo “Tích hợp nội dung giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào chương trình, hoạt động trong ngành giáo dục”.

Cán bộ quản lý, giáo viên Tổng phụ trách đội, giáo viên trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tích hợp nội dung giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào chương trình giảng dạy của các trường THCS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã tham dự hội thảo.

Ngay từ đầu năm (ngày 5/1/2024), lãnh đạo Bộ GD-ĐT và Bộ NN&PTNT đã ký kết Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong ngành Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2024-2029.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết, năm 2024 là năm đầu tiên triển khai chương trình phối hợp, hai Bộ đã tiến hành các buổi tập huấn về hướng dẫn “Tích hợp nội dung giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào chương trình, hoạt động trong ngành giáo dục”.

hoi thao.jpg

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý đê điều và PCTT phát biểu khai mạc tại hội thảo

Tại tỉnh Bắc Kạn, cuối tháng 5 và tại tỉnh Bình Định trong đầu tháng 7 đã diễn ra các buổi tập huấn này. Bên cạnh đó, hai Bộ đã tiến hành hội thảo về xây dựng kế hoạch hướng dẫn lồng ghép kiến thức PCTT vào các chương trình, hoạt động ngoại khoá trong trường học, được tổ chức tại Hải Phòng, TPHCM và Đà Nẵng với sự tham dự của đại biểu là cán bộ quản lý Sở GD&ĐT và Sở NN&PTNT đến từ 63 tỉnh, thành phố.

Tiếp tục chuỗi các hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro thiên tai cho các em học sinh, tỉnh Ninh Thuận được lựa chọn để tổ chức trong năm đầu tiên của chương  trình.

Phó cục trưởng Nguyễn Văn Tiến hy vọng qua hội thảo tập huấn, các học viên với sự tham gia tích cực và có những đóng góp sáng tạo để cùng nhau đưa ra một lộ trình ban đầu cho công tác giáo dục về phòng chống thiên tai trong trường học, qua đó từng bước nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai và cộng đồng; từng bước xây dựng nhà trường, cộng đồng an toàn trước thiên tai.

Truyền đạt 6 chuyên đề về phòng chống thiên tai

Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, thiên tai cả nước nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng đang diễn biến rất phức tạp và khó lường, gây thiệt hại nhiều về người và tài sản.

hoi thao 1.jpg
Ông Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại hội thảo

Hiện nay có khoảng 18 triệu học sinh, chiếm ¼ dân số cả nước và là những nhân lực trong tương lai của đất nước, do đó biện pháp giáo dục giảm nhẹ rủi ro thiên tai là một hình thức đầu tư có chi phí không lớn nhưng mang lại hiệu quả cao, bền vững nhất.

Trong những năm qua, ngành GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận có nhiều hoạt động: xây dựng kế hoạch, xây dựng trường học an toàn, tổ chức buổi ngoại khoá, diễn tập ứng phó với thiên tai, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong việc lồng ghép, tích hợp nội dung PCTT cũng như  tổ chức các hoạt động liên quan. 

hoi thao 2.jpg
hoi thao 3.jpg

Các học viên làm việc nhóm và trình bày trao đổi, thảo luận tại hội thảo ở Ninh Thuận

“Thông qua hội thảo tập huấn lần này sẽ giải quyết những thách thức khó khăn trong quá trình tích hợp, lồng ghép kiến thức phòng, chống thiên tai vào chương trình môn học, hoạt động giáo dục”, ông Linh nhấn mạnh. 

Tại hội thảo tập huấn, các học viên được các chuyên gia truyền đạt 6 chuyên đề về PCTT liên quan, gồm: Tổng quan về Đề án 533 và chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai giữa Bộ NN&PTNT và Bộ GD-ĐT, giai đoạn 2024 - 2029; tích hợp kiến thức PCTT vào các chương trình môn học cấp THCS; hướng dẫn tích hợp nội dung giảm nhẹ rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu vào chương trình giảng dạy và hoạt động trải nghiệm cho học sinh cấp THCS; giới thiệu về thiết kế xây dựng trường học an toàn trước thiên tai; giới thiệu, hướng dẫn khai thác sử dụng tài liệu PCTT trong trường học.

Các học viên cũng đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến tham luận, nêu rõ những hoạt động điển hình đơn vị mình đang triển khai hiệu quả cũng như những thách thức khó khăn trong quá trình tích hợp, lồng ghép kiến thức phòng, chống thiên tai vào chương trình môn học, hoạt động giáo dục, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để hoạt động tích hợp bài bản và hiệu quả hơn.

Trước đó, sáng 28/5, buổi tập huấn cũng diễn ra tại tỉnh Bắc Kạn. Ông Nguyễn Duy Diệp, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh nhìn nhận, tăng cường giáo dục pháp luật về PCTT trong ngành giáo dục là hoạt động thiết thực, hiệu quả. 

Mới đây, ngày 12/7, lớp tập huấn được tổ chức tại Bình Định. Ông Lê Xuân Sơn, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh cho biết, Bình Định là một tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, trong những năm gần đây chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan; thường xuyên phải hứng chịu nhiều loại thiên tai, nhất là bão, lũ, ngập lụt gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế của tỉnh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình và đời sống nhân dân.

hoi thao 4.jpg
Đại diện Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT trình bày chuyên đề Hướng dẫn tích hợp, lồng ghép nội dung PCTT, biến đổi khí hậu vào chương trình các môn học, hoạt động giáo dục cho học sinh cấp THCS tại Bình Định

Nhận thức rõ những tác động nghiêm trọng của thiên tai, nên công tác PCTT trong những năm qua luôn được chú trọng và từng bước nâng cao, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Ngành GD-ĐT tỉnh luôn quan tâm đến công tác PCTT trong nhà trường, giáo viên và học sinh.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia trao đổi thảo luận các chuyên đề về triển khai thực hiện tích hợp kiến thức PCTT; hướng dẫn tích hợp, lồng ghép nội dung PCTT, biến đổi khí hậu vào chương trình các môn học, hoạt động giáo dục cho học sinh cấp THCS;... Qua đó, giúp các thầy, cô giáo nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tích hợp, lồng ghép nội dung PCTT trong các trường học.