Lịch làm việc dày đặc khi trở về Việt Nam, nhưng giáo sư Ngô Bảo Châu đã nhận lời gặp chúng tôi và nhóm “Cảm hứng trẻ” – một nhóm thông qua hoạt động của mình – đang truyền cảm hứng theo đuổi đam mê cho giới trẻ. Trong một quán cà phê yên tĩnh, cuộc trò chuyện diễn ra thân tình. GS Ngô Bảo Châu nói ít về Toán học mà tâm sự nhiều lý tưởng, đam mê, về tiền, hạnh phúc và về cuộc sống.
Tôi quen lắm người nhiều tiền mà bất hạnh
Anh đang ở trên đỉnh cao khoa học, cảm giác ở trên đỉnh cao thế nào?
Tôi thấy cũng bình thường. Có cảm giác đặc biệt mà tôi phát hiện là khi mình nói thì nhiều người nghe hơn (cười). Thực ra là đối với công việc, thì tôi hơi ít thời gian để làm chuyên môn hơn. Tôi chưa tìm lời giải cho vấn đề ấy.
Mục tiêu kế tiếp của anh là gì?
Đối với tôi, giai đoạn nghiên cứu khoa học mà để chinh phục một kết quả khoa học thì tôi thấy đã làm được rồi. Một điều rất muốn mà tôi chưa làm được là đào tạo ra học trò giỏi.
Anh rất quan tâm đến đào tạo, vậy anh có khó khăn gì? Giờ anh bắt đầu một ước mơ mới, lại bắt đầu từ đầu?
Cái khó bây giờ là ví dụ buổi họp bàn mà chưa đi đến kết luận gì hết. Đối với tôi cũng bình thường thôi, không thất vọng. Không ai cố tình gây khó dễ cho mình. Thực ra là khó khăn chung, khó khăn cơ bản là mình không có nhiều tiền, không thể muốn tiêu như thế nào thì tiêu. Phải chấp nhận chuyện đó thôi. Những cái đó tôi nghĩ là mất thời gian nhưng sẽ giải quyết được. Cái khó khăn thứ hai là chuyện ước mơ của giới trẻ ngày càng ít hơn. Cái này thì không có cơ chế nào gỡ được. Tôi cảm thấy giới trẻ bây giờ ấp ủ ít ước mơ nhưng các bậc phụ huynh có vẻ ước mơ về con rất là nhiều.
Lần trước có đoàn học sinh đi thi quốc tế, tôi có gặp các bạn. Trong đó, có 3 bạn đăng ký học Đại học Ngoại thương, tôi hỏi: “Tại sao các em lại học Ngoại thương? Rõ ràng các em có thiên hướng, có tư chất học về Toán học cơ bản”. Mẹ một bạn bảo “Học Ngoại thương tốt về tương lai, vật chất sau này”. Nhưng bạn ấy phản đối câu trả lời của mẹ. Bạn ấy muốn học khoa học tự nhiên nhưng được bố mẹ định hướng thi Ngoại thương. Tôi nghĩ chuyện đấy rất là dở, vì cha mẹ định hướng cứ nghĩ là mình thực tế nhưng có khi lại sai lầm.
Anh có gặp phụ huynh và thuyết phục họ không định hướng cho con cái?
Thuyết phục thế nào được. Khó lắm. Với những người lớn thì không nên nói nhiều về ước mơ vì khi họ đã quá 30-40 tuổi ước mơ không còn quan trọng với họ nữa. Về mặt thực tế, tôi nghĩ cái nhìn ngắn hạn là rất sai lầm. Vì cái quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người không đơn thuần là kiếm được nhiều tiền. Kiếm được nhiều tiền đơn thuần không thể mang lại cho họ cuộc sống hạnh phúc được. Cái chính của mỗi người là phải thực hiện được hết khả năng của bản thân, khả năng của mình đến đâu thì mình làm đến đó. Đó mới là cái toại nguyện nhất của bản thân. Cái bất hạnh nhất là mình cảm tưởng mình có nhiều khả năng mà mình không làm được. Tôi quen nhiều người nhiều tiền mà rất bất hạnh (cười).
Hạnh phúc của anh là gì?
Tôi vừa trả lời phỏng vấn thượng tọa Thích Nhật Từ làm báo Phật giáo Ngày nay câu hỏi này. Hạnh phúc đối với tôi thực ra khác với nhiều người nghĩ. Hạnh phúc nhất đối với tôi là cảm giác còn đang sống. Trong cái sống đó có cả cái ngọt ngào và đắng cay. Mình phải biết là ngay cả cái đắng cay đó cũng nằm trong hạnh phúc. Vì đó là cuộc sống. Khi người ta bắt đầu có những bất hạnh chính là khi chạy theo những ảo ảnh, những ảo ảnh hình dung cuộc sống rất ngọt ngào, như là chạy vào Disneyland. Khi chạy theo ảo ảnh thì chắc chắn sẽ bất hạnh. Đó là lúc mình từ chối cuộc sống thật sự.
Thưa anh, theo đuổi đam mê có phải là chạy theo ảo ảnh?
Phải xem đó là đam mê như thế nào? Phải định nghĩa lại đam mê. Đam mê thực ra không phải là ảo ảnh. Nhưng nhiều cái ước mơ là ảo ảnh. Cảm giác mình đang sống rất quan trọng. Phải biết yêu cuộc sống như chính nó vốn có. Đó là một điểm rất quan trọng trong đạo Phật. Mình phải sống hết mình với những giây phút sống của mình.
Triết lý lớn nhất phải là yêu cuộc sống
GS Ngô Bảo Châu với sinh viên |
Trong bài nói chuyện với nhà văn Phan Việt, anh nói “sống làm sao để sau này biến mất không dấu vết”. Nhưng Ngô Bảo Châu bây giờ biến mất thì hơi khó?
Mình phải biết là dấu vết như thế nào. Cũng giống như trong thiên nhiên, tất cả sinh linh tồn tại đều có một dấu vết gì đó. Dấu vết tức là cái mình để lại – cắt nghĩa chính xác rất khó. Có điều thực sự tôi rất sợ là khi nghĩ đến lúc mình chết rồi người ta làm cái mộ to tướng rồi ngày ngày đến thắp hương. Đấy là một cái dấu vết rất là kinh.
Đấy là cái nỗi sợ của anh nhưng là niềm mơ ước của rất nhiều người. Có nhiều người nhà giàu ở Việt Nam có phong trào xây mộ xây lăng cho mình?
Tôi vừa đi Huế. Nhà cho người ở thì ít nhưng mộ cho người chết thì rất to. Kể cả xây cho người đã chết rồi với tôi đó là sự lãng phí kinh khủng. Không để lại dấu vết với tôi cái lớn nhất là không nên cản trở cuộc sống của người khác. Kinh khủng nhất là cản trở cuộc sống của người khác.
Thực tế một số người tạo dấu vết của mình bằng cách cản trở cuộc sống, thậm chí cản trở sự phát triển của xã hội?
Tôi nghĩ triết lý lớn nhất là phải yêu cuộc sống. Yêu cuộc sống như chính nó chứ không phải là cuộc sống phải có chức năng nhiệm vụ gì cả. Nhiều khi mình phải nhìn kể cả những động vật, thực vật vô ích cho con người. Đôi khi chúng ta cũng nhổ cỏ dại, để bãi cỏ xanh tươi đẹp đẽ. Về mặt nguyên tắc không ai phủ nhận mình có quyền nhổ cỏ dại. Nhưng mình phải hiểu cỏ tồn tại vì nó tồn tại thôi, nó chẳng có lý do gì phục vụ cuộc sống con người cả. Con người cũng thế, mình phải nhìn người ta sống trong cuộc sống của chính họ, không phải tồn tại để phục vụ cho cuộc sống của mình.
Con người để đạt được trạng thái hồn nhiên của đầu óc rất khó vì bị quá nhiều kinh nghiệm, nhiều vấn đề của đời sống tạo nên những nếp hằn trong đầu óc. Tôi rất thích câu mang tính triết học của Trịnh Công Sơn “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”. Phải chăng cứ sống thật với mình rồi mình sẽ có niềm vui?
Không có hồn nhiên thì không thể khám phá được. Nếu đọc triết học của Platon thì một trong những tiền đề của sự khám phá là sự ngây thơ, hồn nhiên. Nếu cái gì mình cũng biết rồi thì ai còn ham mê khám phá nữa. Một trong những bí quyết để làm khoa học là giữ cho mình một tâm hồn trong trẻo.
Có lúc nào anh cảm thấy hối tiếc không?
Có. Tất nhiên là có những lúc hối tiếc về những quyết định trong cuộc sống.
Anh có thể kể về một sai lầm của anh không?
Không (cười). Tôi chưa chuẩn bị cho chuyện này. Sai lầm thì có nhiều sai lầm nhưng sai lầm để mình phải hối tiếc thì…
Anh đã bao giờ thấy chán Toán chưa. Đã bao giờ anh nghĩ đến việc bỏ Toán để theo đuổi cái khác chưa?
Mệt mỏi thì có chứ chán đến mức đó thì không.
Làm thế nào để hết mệt mỏi?
Mệt mỏi thì làm chuyện khác. Tôi nghĩ làm cái gì mãi thì cũng chán, nhưng quan trọng là phải luôn có cái mới. Khoa học hay ở chỗ lúc nào cũng đi tìm cái mới. Như Bổ đề cơ bản tôi theo đuổi nhiều năm trời nhưng làm xong tôi lại không thấy không ham mê như trước nữa.
Trong mười mấy năm lúc nào cũng ham mê như vậy ạ? Vậy không kết thúc thì tốt hơn đúng không, để lúc nào anh cũng thấy đam mê?
Ừ đấy. Trước đây tôi có viết một câu thơ lăng nhăng mà mọi người không ai hiểu là “Có một con đường ta đi/Giá chi không bao giờ tới đích”. Chuyện làm Toán cũng thế, mình vẫn muốn tới đích, nhưng cái hạnh phúc nhất đó là lúc đi trên con đường. Cuộc sống của mình cũng thế. Cái đích của cuộc sống chẳng qua là cái chết (nghĩa trang thôi).
Tôi nghĩ là lúc mình đi trên con đường ấy, cái quá trình mình đi còn hạnh phúc hơn là đến được đích?
Nhưng nếu không có đích thì mình sẽ không thể đi được. Hôm trước tôi có nói với Phan Việt là phải có một cái đích cao quý. Cái cứu cánh có hai nghĩa, vừa là mục đích nhưng vừa có một cái nghĩa hơi hiểu sai một chút, đó là cái cứu mình, giúp mình tổ chức cuộc sống của mình.
Đó có phải lý tưởng không anh?
Phải có lý tưởng là đúng. Mỗi người phải có lý tưởng nhưng nói sống có lý tưởng thì tôi hơi ngại, một phần là hơi bị sáo. Lý tưởng là mình quên mất sống cuộc sống của mình mà chỉ nghĩ tới cái đích. Mình phải tin vào cái đích của mình.
Giờ có nhiều bạn trẻ có nhiều cái đích không phải là cao quý lắm, ví dụ có một cái nhà, một cái xe, một thu nhập ổn định. Đó không có gì xấu cả, nhưng nó khác với cái thời chiến tranh với lý tưởng cao quý “thép đã tôi thế đấy”.
Xây dựng một cuộc sống an bình, đầy đủ cho gia đình thì không có gì là xấu cả. Nhưng nếu thực sự mà để dùng từ tôn giáo là “cứu rỗi” con người thì những mục đích đó không thể cứu rỗi con người được. Bản chất của con người, theo xuất phát điểm của tôn giáo, của triết học là luôn sợ hãi cái chết, nhìn thấy cái đích trước mặt mình là nghĩa trang. Cái gì là cứu rỗi mình ra khỏi cái đích đó, hiển nhiên không phải là chuyện nhà cửa, xe cộ của mình mà chính là vươn lên những cái tốt đẹp nhất. Cái đó khác với cuộc sống hàng ngày.
Cái tốt đẹp là sống có ích?
Có ích và hướng tới những giá trị đẹp, cái đẹp cứu rỗi cuộc sống. Người ta nói “Phụ nữ đẹp cứu rỗi cuộc sống” (cười) nhưng thực ra không phải.
Phụ nữ đẹp nhiều khi làm cuộc sống phức tạp đi?
Phức tạp lắm. Vô cùng phức tạp (cười).
Phải đảm bảo cuộc sống vật chất
Người ta nghĩ đến anh là một nhà Toán học nổi tiếng nhưng không biết anh tiêu tiền thế nào?
Tôi không ham mê những gì đắt tiền. Tôi cũng không biết chính xác mình có bao nhiêu tiền. Vợ tôi cũng hơi giống tôi theo mức giá đó. Gia đình chi tiêu tương đối bình thường. Có đủ tiền để không quá mức so đo về việc chi tiêu. Đó là một phần tôi muốn cố gắng giáo dục con cái về chuyện đó. Thật ra là mình chỉ thực sự thiếu tiền khi mình quá bị phụ thuộc vào những cái đắt tiền. Cái lớn nhất của con người cần có là tự do. Cái phụ thuộc lớn nhất là tiền nong. Khi mình quá ham mê những cái đắt tiền thì mình sẽ bị phụ thuộc rất nhiều..
Nhưng có phải do anh có tiền nên anh theo đuổi được đam mê hay không?
Cái đó đúng. Phải có một thu nhập nhất định nào đó để đảm bảo cuộc sống vật chất. Khi người ta đói thì không nên quy kết cho người ta bất cứ một chuyện gì cả. Theo Victor Hugo thì ăn cắp là việc xấu nhất nhưng khi đói thì được quyền ăn cắp để được sống. Quyền được sống lớn hơn…
Nhưng anh ở nước ngoài nên anh vừa có thể theo đuổi đam mê, vừa có thể có tiền. Nếu công việc của anh cũng là khoa học, nhà giáo, nhưng ở Việt Nam thì khó hơn.
Tôi biết thế. Nhưng tôi nghĩ xã hội rồi sẽ thay đổi. Nói chung tôi là con người tương đối lạc quan.
Đam mê kế tiếp của anh là gì?
Tôi chỉ muốn làm thế nào để tạo ra nhiều cơ hội cho nhiều bạn trẻ làm được cái mình muốn.
Sự thành công của anh cũng là tạo cơ hội rồi. Anh tạo niềm tin cho các bạn trẻ. Có bạn nào đã nói với anh là “Lớn lên em muốn trở thành người giống như anh” chưa?
Chưa thấy bạn nào nói vậy nhưng có mấy sắc đẹp nguy hiểm viết thư bảo “Em chỉ muốn lấy người như anh” thôi. (Cười).
Anh có rất nhiều việc, vậy cuộc sống của anh có gì khác với mọi người? Một ngày bình thường của anh như thế nào?
Tôi ngủ ít thôi nhưng ngủ đúng giờ. Ở Việt Nam, một ngày của tôi hơi “rắc rối” hơn vì gặp nhiều bạn bè. Nhưng sống ở nước ngoài thì buổi sáng tôi dậy tương đối sớm để cùng vợ chuẩn bị đồ ăn sáng, ăn trưa cho trẻ con, 2 đứa nhỏ. Trưa cô bé lớn ăn ở trường. Vợ tôi đưa trẻ con đi học. Có hôm tôi đưa. Có lúc tôi làm việc ở nhà, có lúc đến trường làm việc. Cũng có nhiều việc. Buổi chiều về nhà, xem bài vở con cái, nói chuyện với chúng nó một chút. Nói chung tôi tương đối hài lòng với cuộc sống của mình.
Anh có thể về hẳn Việt Nam, ở Việt Nam các cô gái chân dài chỉ hơi nổi tiếng thôi thì đi dự tiệc đã được trả 1.000-3.0000 USD rồi. Nổi tiếng như anh chỉ cần dự hội nghị là sống thoải mái.
Thôi. Thực ra làm việc ở nước ngoài cũng là một cách giúp đỡ được nhiều bạn Việt Nam hơn.
Anh có thích làm người quan trọng không?
Không muốn người khác giúp đỡ mình quá nhiều. Chính khi người khác làm cho mình quá nhiều thì mình mất đi cuộc sống của mình. Có một nhà khoa học viết một cuốn sách kinh điển về sử dụng tiếng Anh cách đây 100 năm rồi. Khi ông ấy viết được một nửa thì do ông viết chậm quá, nhà xuất bản Oxford mới đề nghị cử một bà đến để lo giặt giũ nấu nướng cho ông ấy vì ông ấy sống có một mình. Ông ấy bảo “Không, các anh muốn tôi chết sớm à?”. Và ông ấy tiếp tục làm việc theo cuộc sống của ông ấy. Tất nhiên là viết cuốn sách đó rất quan trọng, nhưng cuộc sống của ông ấy quan trọng hơn. Cuộc sống đời thường là quan trọng nhất.
(Theo Tiền phong số Xuân Ất Mùi)