PGS Phạm Đức Chính, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, khẳng định chỉ trong sức ép vươn lên mới mong đưa khoa học Việt Nam tiến lên và đóng góp thật sự cho phát triển đất nước.
Ảnh: Lê Văn |
Đa số hội đồng ngành không có uy tín chuyên môn
Bản dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS) có một điểm mới là yêu cầu các thành viên các Hội đồng chức danh giáo sư (HĐCDGS) Ngành phải có chức danh GS, nhưng theo ông, đây lại là một cản trở cho tiến trình cải cách.
Xin ông nói rõ hơn về nội dung này, tại sao lại là cản trở? Vì theo lẽ thông thường, để xem xét phong hàm GS, PGS cho người khác thì bản thân mình cũng phải có cấp hàm tương đương mới hợp lẽ.
- Chúng ta đang trên tiến trình cải cách để hội nhập quốc tế. Chúng ta cần chọn được các GS là những đầu tàu khoa học xuất sắc nhất các lĩnh vực theo chuẩn mực quốc tế.
Tuy nhiên số đông các GS và thành viên nhiều hội đồng chức danh GS hiện nay – được lựa chọn theo kiểu cũ - không có hoặc có thành tích công bố quốc tế yếu kém, thậm chí còn có tư duy tiêu cực cản trở tiến trình đổi mới. Bởi vậy, ít nhất cần giữ quy định cũ để có thể chọn được các HĐCDGS Ngành có tinh thần cải cách từ các GS, PGS xuất sắc nhất theo chuẩn mực quốc tế.
Ông có cho rằng, việc mời các tiến sĩ chưa có chức danh GS tham gia HĐCDGS có khả năng biến tướng, tạo điều kiện để chính các tiến sĩ có lợi thế/ cơ hội để được phong GS một cách dễ dàng hơn không?
- Có những ngành và cơ sở không đủ số GS và PGS chủ biên tối thiểu 2 - 3 bài báo quốc tế. Bởi vậy, việc bố sung các tiến sĩ trẻ có thành tích công bố quốc tế tốt sẽ làm tăng thêm chất lượng các Hội đồng. Nếu họ có thành tích xuất sắc thì việc họ sẽ được phong PGS, GS trong tương lai gần cũng là điều dễ hiểu.
Với những Hội đồng chất lượng, chúng ta không e sợ tiêu cực. Các Hội đồng ngành của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (Nafosted) gồm cả các GS, PGS, tiến sĩ được chọn và làm việc bình đẳng. Tuy vậy cũng đã có các trường hợp thành viên Hội đồng xin đề tài bị trượt, và có các thành viên Hội đồng có đề tài không được nghiệm thu.
Thưa ông, ngoài các tiêu chuẩn đã nêu, để được bầu làm thành viên HĐCDGS còn cần những gì khác hay không? Bởi vì, nếu chỉ đơn giản là tiêu chuẩn, thì cứ ai đạt chuẩn là được phong hàm, đâu cần phải thành lập hội đồng làm gì nữa?
- Mọi tiêu chuẩn (phải theo như quốc tế) cho GS, PGS và thành viên HĐCDGS chỉ là điều kiện cần. Trên trường quốc tế cũng vậy, năng lực thẩm định chuyên môn của các HĐCDGS đóng vai trò quyết định để chọn được các GS, PGS xứng đáng nhất.
Các thành viên HĐCDGS Ngành cần là những nhà khoa học có thành tích công bố quốc tế xuất sắc không chỉ vượt chuẩn tối thiểu mà còn được tín nhiệm thông qua bỏ phiếu online từ những nhà khoa học đạt chuẩn tối thiểu công bố quốc tế.
Phiếu không tín nhiệm cũng giúp loại bỏ các cá nhân tiêu cực. Đó chính là cách làm đã thành công của Nafosted.
Ông đã từng lên tiếng cảnh báo về tính liêm chính của các hội đồng chức danh giáo sư, và “trong khi họ ban phát hư danh cho biết bao GS, PGS yếu kém (kể cả chính họ), và trực tiếp hay gián tiếp tạo ra vô số các tiến sĩ, sách, công trình, đề tài khoa học dỏm rời xa chuẩn mực quốc tế”. Xin ông nói rõ hơn về điều này.
- Đa số các HĐCDGS Ngành hiện nay không có uy tín chuyên môn với cộng đồng khoa học đang làm việc hướng tới chuẩn mực quốc tế. Họ giúp xây dựng những tiêu chí rườm rà phi hội nhập giúp sản sinh bao công trình, đề tài, sách, tiến sĩ, PGS, GS rởm, tệ nạn chạy chọt, làm khoa học và giáo dục Việt Nam trì trệ và tha hóa.
Vậy sau nhiều lần điều chỉnh quy định về chức danh giáo sư, bây giờ đã đến thời điểm trao việc công nhận chức danh về các trường đại học hay chưa, thưa ông?
- Về lâu dài, tôi cho rằng nên trao việc công nhận chức danh về các trường đại học khi nền khoa học và giáo dục Việt Nam đã trưởng thành.
Tuy nhiên, với tinh trạng lộn xộn trong giáo dục và đào tạo và tình trạng bất tuân chuẩn mực khoa học quốc tế ở Việt Nam như hiện nay, các HĐCDGS Ngành có năng lực nghiêm chỉnh theo chuẩn quốc tế sẽ giúp nhiều cho tiến trình chuẩn hoá khoa học nước nhà.
Chỉ trong sức ép vươn lên mới trưởng thành
Ông đã từng đưa ra đề xuất rằng đối với các ngành khác nhau thì có thể áp dụng các tiêu chuẩn về công bố quốc tế khác nhau, ví dụ, đối với các ngành Toán, Lý, Cơ, Tin, Hóa, Sinh… cần lấy tiêu chuẩn quốc tế ISI, thậm chí cao hơn nữa là SCI. Tại sao lại như vậy?
- Vì nhiều lý do khác nhau, các ngành và cụm ngành của Việt Nam có các đặc thù và trình độ hội nhập khác nhau. Chúng ta cần tính tới điều đó để các ngành đều có điều kiện phát triển liên tục hướng tới hội nhập trong giai đoạn quá độ hiện nay.
Nafosted hiện yêu cầu chuẩn ISI (SCI E) đối với khối khoa học tự nhiên và kỹ thuật, nhưng chỉ chuẩn Scopus với khối khoa học xã hội và nhân văn.
Đang có "cơn cuồng" mang tên ISI – đây là cảm nhận của một số người nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội, một lĩnh vực mà nếu so sánh các chỉ số về công bố quốc tế thì hiện tại đang rất yếu thế hơn lĩnh vực khoa học tự nhiên. Ông nhìn nhận điều này như thế nào?
- Không có gì phải sợ hãi cả. Chỉ trong sức ép vươn lên, chúng ta mới mong đưa khoa học Việt Nam tiến lên sánh vai, trước hết là với các láng giềng, và đóng góp thật sự cho phát triển đất nước.
Một khi chúng ta đã quyết tâm hội nhập để vươn lên, thì không có lĩnh vực khoa học nào được miễn trừ khỏi tiến trình này, vì ngành nào cũng cần cho phát triển toàn diện của Việt Nam.
Và khi đó tất cả sẽ được hưởng lợi, như cuộc cải cách tới “kinh tế thị trường + hội nhập” từ 30 năm trước đã mang lại.
Theo ông, HĐCDGS Nhà nước nên "giải quyết" những tranh luận hiện nay như thế nào để tránh khỏi cảnh "đẽo cày giữa đường"?
- Trách nhiệm là ở Bộ GD-ĐT: Cần có các bước đi cụ thể và khả thi để tiến bước thật sự tới hội nhập.
Bộ GD-ĐT cần theo gương cách làm đã thành công của Nafosted với Bộ Khoa học và Công nghệ: thu thập thông tin lý lịch khoa học (có kiểm tra) của các nhà khoa học các ngành đạt chuẩn tác giả chính bài báo quốc tế (ISI với khoa học tự nhiên và kỹ thuật, và Scopus với khoa học xã hội và nhân văn), bầu chọn các HĐCDGS ngành mới, đưa các nhà quản lý thực sự có tinh thần hội nhập - được tín nhiệm của cộng đồng khoa học hội nhập quốc tế – dẫn dắt tiến trình này.
Các tiêu chuẩn chức danh cụ thể sẽ được hình thành và chỉnh lý cùng với tiến trình này.
Nếu có một đề nghị cốt lõi cho vấn đề chức danh giáo sư của Việt Nam, thì với ông, đó là gì?
- GS, PGS không phải là hư danh để ban phát, mà đó là trách nhiệm trao cho các đầu tàu thật sự của khoa học Việt Nam, đưa khoa học Việt Nam tiến vào hội nhập quốc tế.
Xin cảm ơn ông.
Ngân Anh thực hiện