Trong một lần chờ xe để gửi đồ về quê cho bố mẹ, tôi vô tình đứng ở gần một trung tâm luyện thi với biển quảng cáo rất thu hút “Luyện thi đại học cấp tốc, điểm thấp trả lại tiền”.

Thoạt nhìn qua tôi chỉ cười bởi thời của tôi không có khái niệm kéo nhau đi luyện thi, học thế nào thì thi thế ấy. Vậy mà, giờ sinh ra lắm chuyện, lớp 1 thì luyện chữ đẹp, lớn hơn chút thì luyện thi vào lớp 6, rồi lớp 10, và nghe đám trẻ kể thì căng thẳng nhất vẫn là luyện thi tốt nghiệp.

Điều khiến tôi bất ngờ nhất là lúc tan học, một trung tâm có diện tích chắc vỏn vẹn khoảng hơn 30 mét vuông nhưng có đến cả trăm học sinh ùa ra không khác gì một cái chợ vỡ.

Vội kéo tay một cậu nhóc lại, tôi hỏi “các cháu học gì mà đông thế?”.

Tôi nhớ mãi thằng nhóc trả lời rằng học lớp luyện thi tốt nghiệp THPT cấp tốc, thầy giáo ở đây giỏi lắm, năm nào cũng đoán trúng đề thi nên học sinh kéo đến học rất đông.

Thằng bé còn bảo lớp luyện thi đông nghẹt, muốn có chỗ tử tế ngồi chép với khoanh đáp án thì phải đến sớm, không thì chỉ có ngồi xa thầy, nghe tiếng được tiếng mất nên ngày nào nó cũng đến trước giờ học cả tiếng đồng hồ.

Lớp học bắt đầu lúc 6h30' nhưng từ 5h30' học sinh đã đến nhận chỗ với kỳ vọng sau thời gian ôn luyện sẽ trúng đề và được điểm cao.

Hóa ra trong tâm thức nhiều đứa trẻ người thầy giỏi chính là người dạy ôn "trúng" đề thi.

Nghĩ thì hơi buồn nhưng các cháu cũng có lý do của mình, bởi lẽ học sinh khi đi thi cần điểm số để đạt kết quả cao và vào học được trường đại học mà các cháu mong muốn.

Chẳng cần biết năng lực thực sự của các cháu thế nào nhưng có lẽ cứ trúng đề, cứ điểm cao là các cháu vui, bố mẹ cũng vui còn thầy cô có cái để... báo cáo.

Ảnh minh họa.

Chính vì thế nên việc làm thế nào dạy ôn luyện "đúng" và "trúng" cũng chính là điều mà các thầy cô khi luyện thi luôn mong muốn để nhiều học sinh của mình đỗ đại học. Một giáo viên dạy giỏi mà tỷ lệ học sinh học xong đi thi không đỗ cao thì học sinh cũng không công nhận.

Vậy nên mới có thực trạng các cơ sở luyện thi quảng cáo tỷ lệ đỗ cao hay không đỗ sẽ trả lại tiền. Như vậy việc học ở trường sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa, việc giáo dục toàn diện cũng không thể đạt được sự thành công.

Nếu việc luyện thi cứ tiếp diễn sẽ kéo theo hệ lụy là nền giáo dục bao giờ mới thoát được việc xem trọng việc thi cử hay bệnh thành tích. 

Tôi cho rằng một giáo viên giỏi là giáo viên dạy sao cho khi gặp bất kỳ đề nào học sinh cũng tìm ra được hướng giải quyết tối ưu nhất tùy vào trình độ của mỗi em, đó mới là thành công của một người thầy.

Còn việc đoán trúng đề chỉ là trò ăn may, càng không thể dựa vào đó để nói rằng giáo viên đó là giáo viên giỏi.

Nguyễn Hưng

Trong giáo dục có 1 mệnh đề «Muốn có học trò giỏi thì cần có giáo viên giỏi». 

Nhưng định nghĩa thế nào là một giáo viên giỏi thì mỗi thời sẽ có những chuẩn khác nhau làm thước đo đánh giá. 

Nếu như với giáo dục truyền thống, người thầy giữ vị trí trung tâm, là chân lý thì theo quan điểm giáo dục hiện đại, người thầy đóng vai trò là một mentor – người định hướng, người truyền cảm hứng. 

Trong thời đại 4.0, khi tất cả kiến thức đều dễ dàng tìm thấy, tiếp cận chỉ qua đôi ba dòng lệnh, thì vai trò của người thầy cũng có những thay đổi rất đáng kể. Việc đánh giá, nhìn nhận thế nào là một giáo viên giỏi cũng do đó mà thay đổi theo. 

Để cùng trao đổi, thảo luận và nhìn nhận lại việc đánh giá một nhà giáo trong xã hội hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh 4.0 có thay đổi gì so với thời đại trước, Ban Giáo dục báo điện tử VietNamNet mở diễn đàn: "Thế nào là một giáo viên giỏi?".

Ban đọc quan tâm xin gửi ý kiến về địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn.

Xin cảm ơn!