Tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2016, chị Vũ Thị T.L (quê Ninh Bình) không tìm được công việc đúng chuyên môn tại Hà Nội.

Cầm tấm bằng đại học về quê, chị L. hy vọng cơ hội việc làm rộng mở hơn. Tuy nhiên, chị chạy vạy khắp nơi nhưng đến đâu cũng nhận được cái lắc đầu bởi các trường đã đủ chỉ tiêu giáo viên Văn.

Trong khi chờ đợi việc làm đúng chuyên ngành, chị L. làm thêm cho một spa gần nhà với vị trí gội đầu cho khách. Mức lương chị nhận được là 3 triệu đồng/tháng cộng thêm doanh thu.

Làm việc ở spa được 1,5 năm, người phụ nữ này được tăng lương lên 4,5 triệu. Cùng với các khoản khác, thu nhập của chị ở mức 5,5-7 triệu đồng/tháng tùy lượng khách nhiều hay ít.

“2019, tôi được một trường THPT nhận làm giáo viên hợp đồng và cứ hết một năm lại ký mới một lần với mức thu nhập khoảng 5-6 triệu/tháng. Kể từ ấy tôi bắt đầu nuôi ước mơ trở thành giáo viên chính thức của nhà trường.

Trải qua nhiều năm công tác, tôi là người rất thấm thía nỗi lo mỗi khi hè về. Dịp nghỉ hè không có lương, giáo viên hợp đồng như tôi phải làm nhiều công việc khác để có thu nhập bù vào", chị nói.

Nghỉ hè, giáo viên làm thêm công việc gội đầu tăng thu nhập. Ảnh: NVCC

Vì vậy, sẵn có tay nghề gội đầu từ trước nên nghỉ hè, chị xin việc tại quán cắt tóc gội đầu gần nhà.

"Tôi làm thời vụ nên cũng không có lương cứng. Tùy loại dầu gội, với mỗi đầu khách nữ, quán thu 25-50 nghìn đồng và tôi được trả công từ 10 đến 15 nghìn đồng/khách", chị nói thêm.

Có hôm đông khách, làm từ 8h đến 21h, thu nhập của chị L. được khoảng 150 nghìn/ngày. Hôm vắng khách, chị chỉ được 40-60 nghìn/ngày nhưng vẫn phải trực ở quán vì hễ có khách là phải làm.

Nỗi khổ mang tên "giáo viên hợp đồng" không phải ai cũng thấu. Đồng lương ít ỏi, bấp bênh nên họ buộc phải làm thêm đủ các nghề để trang trải cuộc sống, lo cho gia đình. Nhưng nỗi lo hiện rõ hơn có lẽ là khi mùa hè đến vì nghỉ hè tức là giáo viên bị cắt thu nhập.

Cô giáo Phí A.T đã dạy hợp đồng tại một trường mầm non trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) được một thời gian. Mức thu nhập của chị là 5 triệu đồng/tháng và chỉ được hưởng 10 tháng lương/năm. Nghỉ thai sản không được hỗ trợ, không được đóng bảo hiểm xã hội… là những thiệt thòi không nhỏ đối với cô giáo T. và nhiều giáo viên khác. 

Phải nuôi hai con nhỏ trong khi giá cả, tiền nước, tiền điện, phí sinh hoạt... tăng, nữ giáo viên này phải cực kỳ tiết kiệm đúng kiểu "giật gấu vá vai" mới đủ với mức lương giáo viên hợp đồng.

“Hè đến, thu nhập bị cắt, tôi phải quay cuồng kiếm thêm việc bù đắp cho những tháng không có lương.

Bố mẹ đẻ ở gần biển nên tôi nhờ ông bà chuyển hải sản theo xe khách lên Hà Nội và rao bán cho cư dân ở chung cư gần nhà. Tôi bán đủ loại cá, tôm, cua… Thời điểm nhà nhà bán hàng online đầy cạnh tranh như thế này tôi phải ưu tiên ship hàng tận nơi, ship miễn phí để có được lượng khách nhất định". 

Nhiều giáo viên chọn bán hàng online mong thêm thu nhập trang trải sinh hoạt dịp hè.

Ngoài ra, cô T. còn nhận bán thêm cả bánh rán phố cổ, sữa tươi trân châu, bún đậu... để tăng thu nhập.

Nghề tay trái này giúp các cô có đồng ra đồng vào nhưng khi được hỏi, các thầy cô đều mong muốn sớm kết thúc kỳ nghỉ hè, được trở lại trường lớp, được sống với đam mê của mình và quan trọng là có lương để trang trải sinh hoạt.

Trước tình trạng này, một số hiệu trưởng cũng thừa nhận không phải trường nào cũng đó đủ kinh phí để chi trả lương hè cho giáo viên hợp đồng ngắn hạn. "Do điều kiện nhà trường còn khó khăn, bởi vậy, dù biết giáo viên hợp đồng ngắn hạn sẽ chật vật trong dịp nghỉ hè nhưng cũng không giúp được gì", một hiệu trưởng trăn trở.

Tại các trường tư thục, ngân sách chi trả lương cho giáo viên hợp đồng ngắn hạn được lấy từ nguồn thu học phí. Học phí của học sinh thu theo tháng học, việc trả lương cho giáo viên cũng trả theo thời gian dạy vì vậy biết các giáo viên sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng nhà trường đành "lực bất tòng tâm".

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên. Nguyên nhân chính dẫn đến số giáo viên cấp học mầm non còn thiếu tăng hơn so với năm học trước là do số trẻ đến trường năm học 2022 - 2023 tăng thêm 132.245 trẻ so với năm học trước.

Ngoài ra, năm học 2022 - 2023, toàn quốc có hơn 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc (gồm 10.094 giáo viên nghỉ hưu và 9.295 giáo viên nghỉ việc).

Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có chính sách đột phá thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn hơn.

Ngày 21/7 vừa qua, Sở GD-ĐT TP Cần Thơ cũng cho biết, TP này đang thiếu 688 giáo viên. Bà Lê Thị Thùy Dung - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, phân tích nguyên nhân không tuyển dụng được giáo viên như hiện nay là do “chế độ tiền lương của giáo viên còn thấp”. 

“Hiện nay, giáo viên mới ra trường nếu chưa được nâng lương, tiền lương của họ chỉ nhận được khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Từ tháng 7 được nâng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng, giáo viên nhận được khoảng 4,2 triệu đồng/tháng”, bà Thùy Dung nói về nguyên nhân thiếu giáo viên.