Hơn 1.700 giáo viên mầm non bị chậm lương

Trường Mầm non Long Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) có 11 giáo viên hợp đồng. Từ đầu năm nay đến hết tháng 6, trường phải tạm thời sử dụng nguồn thu sự nghiệp và nguồn chi thường xuyên để trả lương cho giáo viên. Mỗi tháng như vậy phải tạm trích hơn 85 triệu đồng (hơn 20 triệu đồng tiền Bảo hiểm xã hội, 65 triệu đồng tiền lương).

“Sang tháng 7, nhà trường không còn nguồn để chi trả. Mỗi lần thấy các giáo viên hợp đồng nhắn hỏi ‘Em không có lương à chị?’ mà mình cảm thấy chạnh lòng” - cô Nguyễn Thị Duyên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Long Thành tâm sự.

Thương cho hoàn cảnh các giáo viên, cô Duyên tìm mọi cách xoay xở, vay mượn khắp nơi để trả lương cho chị em.

Các giáo viên hợp đồng Trường Mầm non Long Thành mong sớm có cơ chế rõ ràng để yên tâm công tác - Ảnh: Trần Tuyên 

Thông tin từ Phòng GĐ-ĐT huyện Yên Thành cho biết huyện này có tới 238 giáo viên mầm non được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Các giáo viên này được hưởng đầy đủ chế độ chính sách như viên chức theo Nghị định 06/2018/NĐ – CP và Thông tư liên tịch số 09/2013 (hợp đồng 06 và 09), nhưng đang bị chậm lương nhiều tháng nay. 

Để giáo viên yên tâm công tác, trước mắt, huyện đã chỉ đạo các trường trên địa bàn sử dụng nguồn thu và chi thường xuyên để trả lương cho giáo viên.

Còn tính trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An, số giáo viên mầm non hợp đồng bị chậm lương nhiều tháng nay lên tới hơn 1.700 người.

Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An - ông Thái Văn Thành cho biết từ năm 2013 có Thông tư liên tịch giữa các Bộ GD-ĐT, Nội vụ, Tài chính cho phép hợp đồng giáo viên mầm non theo chỉ tiêu ngân sách Chính phủ giao.

Cùng với đó, khi thực hiện kế hoạch phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2017-2021, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2018/NĐ-CP, trong đó giao và cấp ngân sách cho địa phương để chi trả cho giáo viên mầm non hợp đồng. 

Đến tháng 12/2021, Nghị định 06/2018 hết hiệu lực, song chưa có văn bản chỉ đạo tiếp theo, dẫn đến việc hơn 1.700 giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh chậm lương nhiều tháng liền.

Là một trong số các giáo viên hợp đồng tại Trường Mầm non Long Thành, cô Phạm Thị Danh chia sẻ "Dù còn nhiều thiệt thòi, tương lai mịt mù nhưng chúng tôi vẫn luôn nhiệt huyết với nghề. Chúng tôi chỉ mong sao sớm có cơ chế rõ ràng hoặc có thêm biên chế để đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên hợp đồng".

Sẽ có hơn hơn 118 tỷ đồng hỗ trợ trả lương

Trước tình hình chậm lương của giáo viên mầm non hợp đồng, tại kỳ họp thứ 7 (tháng 7/2022), HĐND tỉnh Nghệ An đã thông qua Nghị quyết số 16. Toàn bộ giáo viên mầm non hợp đồng 06 và 09 sẽ được hưởng lương từ ngân sách của tỉnh.

Mức kinh phí chi trả cho các giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh Nghệ An - Ảnh: Trần Tuyên

Theo đó, tỉnh hỗ trợ một lần với mức kinh phí tối đa 100 triệu đồng/người cho đối tượng giáo viên mầm non; Hỗ trợ 100% kinh phí để chi trả các chế độ, chính sách (như viên chức) cho đối tượng giáo viên mầm non kể từ ngày 1/9/2022 đến ngày 31/12/2025.

Đến ngày 21/9, UBND tỉnh đã có quyết định trích hơn 118 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh cấp bổ sung cho các huyện, thành phố, thị xã để hỗ trợ cho giáo viên mầm non theo Nghị quyết 16.

Đồng thời, giao cho các địa phương sử dụng nguồn kinh phí đúng chế độ, đúng mục đích, đúng đối tượng và thanh quyết toán theo đúng quy định hiện hành.

Ông Thái Văn Thành bày tỏ "Việc UBND tỉnh cấp kinh phí sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương và giúp giáo viên yên tâm công tác".

Trần Tuyên