- Kết thúc một năm học hồi hộp với bỏ chấm điểm thường xuyên: Học sinh tiểu học em nào cũng được khen. Liệu khen có phản ánh đúng lao động của giáo viên và năng lực thực của học sinh?
Cô giáo trường tiểu học Thạch Bằng, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh hướng dẫn học sinh thảo luận. Ảnh: Hạ Anh |
Bản thân chị và gia đình đặt mục tiêu không đặt học lực con phải đạt giỏi hay khá - mà quan trọng là biết được con đạt ở cấp độ nào trong chuẩn kiến thức quy định. Theo chị, đặt mục tiêu như vậy để không quá kỳ vọng, nhưng cũng không thất vọng khi kết quả không như mong đợi.
Nhưng theo chị, với trẻ tiểu học không nên để chúng nhận thức rõ là chúng quá giỏi hay quá dốt so với các bạn. Do vậy, với những đổi mới - dù vẫn là "bình mới rượu cũ" - nhưng con rất vui vẻ với những nhận xét của cô khi mang về giấy khen với dòng chữ "Hoàn thành tốt nội dung học tập". Và câu nói "Con không được học sinh giỏi hay con chỉ được học sinh khá thôi mẹ" đã không còn sau mỗi năm học như trước đây.
"Thực ra, chỉ có các cô là khổ vì phải nghĩ cách để phân loại học sinh" - chị Phương chia sẻ.
Một giáo viên Trường Tiểu học Trung An, Củ Chi ví von: Cách đánh giá học sinh tiểu học năm nay quá "thú vị". Có quá nhiều loại sổ sách khiến giáo viên không kịp trở tay hoặc nếu kịp nhiều giáo viên phải copy từ sổ này vào sổ khác.
Cô nêu cách làm để đảm bảo công bằng, chúng tôi đánh giá toàn bộ quá trình học tập, không dựa vào điểm thi cuối kì. Vì điểm thi cuối kì thường là giáo viên ra bài cho học trò trước, rồi chấm.
Thực tế, về đánh giá học sinh, nhiều phụ huynh không đồng ý với cách đánh giá học sinh tự bình bầu cho nhau. Phụ huynh cho rằng học sinh có tư tưởng thích hoặc không thích. Nếu thích thì đưa tay bình bầu cho bạn học giỏi, không thích thì những học sinh dù dơ tay phát biểu cũng không được bình bầu sẽ không khách quan.
Vậy nên, về khen - chê học sinh chúng tôi chỉ khen một cách chung chung, rất mơ hồ như khen các em đạt nổi bật về các mặt nào đó như tham gia phong trào, có năng lực giải toán nhanh, có bài viết hay, diễn đạt tốt...
Theo cô thì những lời khen chung chung như vậy không khó khăn nhưng không đánh giá được thực chất việc học tập, học sinh cũng không biết mình giỏi hay dở. Vì nếu dở chúng tôi cũng không dám chê. Ví dụ nhiều em viết văn rất lủng củng nhưng giáo viên không được nói thẳng mà phải nhận xét em biết viết, biết dùng dấu chẩm, phẩy...
Còn theo kinh nghiệm của cô giáo Phan Tuyết (Trường Tiểu học Phước Hội 2, thị xã La Gi, Bình Thuận), quy định tại Thông tư 30, nội dung bình chọn không chỉ tập trung vào điểm số như trước đây mà khuyến khích sự phát triển toàn diện như năng lực và phẩm chất của học sinh. Cách thức bình chọn thể hiện rõ sự công khai, dân chủ từ nhiều phía như bạn bè, cha mẹ và thầy cô. Học sinh biết nhận lỗi nhưng cũng thẳng thắn phê bình...
Cô Tuyết dẫn lại buổi họp bình chọn có thêm sự tham dự của ba phụ huynh trong ban chấp hành hội cha mẹ học sinh. Tại buổi bình chọn, chính các em đã đưa tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Từng bạn, từng bạn nêu ý kiến nhận xét về ưu điểm, khuyết điểm của bạn mình, có cả những điều tôi không hề biết. Có em nói: “Hôm trước con thấy bạn Thư cãi lời mẹ hay bạn Sơn còn vào quán Internet, bạn Khánh học nhóm không năng nổ, bạn Tuyền không cho bạn mượn bút...”.
Sau buổi bình chọn, một phụ huynh nói với tôi: “Tụi nhỏ bây giờ ghê thiệt, thành thật nhận lỗi và thẳng thắn phê bình. Buổi họp bình chọn thấy vui, thoải mái mà không bị áp lực....”
"Kết thúc buổi bình chọn tôi thấy các em lại vui vẻ chơi đùa và cười nói với nhau thoải mái" - lời cô Tuyết. Những bạn được khen và chưa được khen, những bạn lúc trước bị bạn phê bình cũng ôm vai bá cổ nhau như chẳng có chuyện gì xảy ra.
Và quan trọng, theo cô Tuyết, thông qua "quyền được bình chọn" - bằng sự thẳng thắn, công tâm của mình, chính các em đã chọn ra được những bạn xứng đáng được khen, chứ không phải ý kiến chủ quan của riêng thầy cô giáo như trước đây.
Nhưng có bao nhiêu trường, bao nhiêu cô giáo sắp xếp đủ thời gian để triển khai những buổi bình chọn công tâm như vậy - khi mà thực tế sĩ số học sinh trên lớp quá đông. Nhiều lớp học lên đến trên 60 học sinh/ lớp? Và kết thúc năm học, nhiều giáo viên vẫn than quá vất vả vì phải thức đêm để vật lộn với hàng đống sổ sách...
Thế nhưng, đón nhận kết quả đã có phụ huynh phải thốt lên "Xin đừng làm khổ các em bằng những lời khen. Đành rằng những lời chê đúng có thể làm phật lòng phụ huynh nhưng lại giúp ích cho các em, để các em không bị lạc đường"!
- Lê Huyền - N. Hiền