Tôi là giáo viên THCS tại một trường bán trú vùng đặc biệt khó khăn kể từ ngày 17/10/2011. Hiện tôi đang hưởng hệ số lương là 2,34, phụ cấp vùng khó khăn 0,7, phụ cấp thu hút 70%, phụ cấp bán trú và phụ cấp chức vụ tổ phó chuyên môn 0,15.

TIN BÀI KHÁC

Tôi dự định sẽ xin nghỉ thai sản vào tháng 3/2014. Vậy tôi xin hỏi trong thời gian nghỉ sinh tôi sẽ được nhận phụ cấp thai sản và lương hàng tháng như thế nào?

Thời gian tôi nghỉ sinh 6 tháng sẽ trùng với thời gian nghỉ hè. Vậy tôi có được cộng thêm thời gian nghỉ sinh hay không?

{keywords}
(ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Trường hợp của bạn Luật Giải Phóng tư vấn như sau:

- Về mức hưởng trợ cấp thai sản:

Theo Khoản 1 Điều 94 Luật Bảo hiểm xã hội quy định về chế độ tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau: “Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương này được tính trên cơ sở mức lương tối thiểu chung”.

Như vậy, theo quy định trên trong tiền lương để tính hưởng trợ cấp thai sản cho bạn chỉ bao gồm lương theo hệ số và phụ cấp chức vụ. Các khoản phụ cấp vùng khó khăn, phụ cấp thu hút, phụ cấp bán trú không được tính trong tiền lương để tính hưởng trợ cấp thai sản.

Mức hưởng trợ cấp thai sản bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của sáu tháng liền kề trước khi nghỉ việc (Điều 35 Luật Bảo hiểm xã hội).

- Về thời gian nghỉ thai sản:

Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 5 Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định: “Thời gian nghỉ hè của giáo viên thay cho nghỉ phép hằng năm là 02 tháng, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)”.

Căn cứ khoản 4 Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội quy định: “Thời gian hưởng chế độ thai sản tính cả ngày nghỉ lễ, ngày Tết, ngày nghỉ hàng tuần”.

Như vậy theo các quy định nêu trên, nếu thời gian bạn nghỉ thai sản trùng vào thời gian nghỉ hè thì không được cộng thêm thời gian nghỉ hè mà chỉ được nghỉ 06 tháng.

Tuy nhiên, nếu thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè, bạn có thể làm đơn đề nghị hiệu trưởng nhà trường bố trí cho nghỉ phép trước khi nghỉ thai sản hoặc lùi thời gian nghỉ phép sau khi nghỉ thai sản. Căn cứ quy định tại điểm b, khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 5 Thông tư số 141/2011/TT-BTC ngày 20/10/2011 của Bộ Tài chính, trường hợp bạn có đơn xin nghỉ phép trước hoặc sau khi nghỉ thai sản, nhưng do yêu cầu công tác mà nhà trường không bố trí được thời gian cho bạn nghỉ phép hoặc không bố trí đủ số ngày nghỉ phép năm, thì căn cứ khả năng nguồn kinh phí, căn cứ tổng số ngày chưa nghỉ phép năm, Hiệu trưởng sẽ quyết định hỗ trợ tiền bồi dưỡng cho bạn. Mức chi hỗ trợ được quy định tại quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường, nhưng tối đa không quá mức tiền lương làm thêm giờ vào ngày thứ bảy, chủ nhật theo quy định hiện hành. Thời gian chi trả được thực hiện một lần trong năm và được quyết toán vào niên độ ngân sách hàng năm.

Tư vấn bởi Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Hãng Luật Giải Phóng

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).