VietNamNet trân trọng giới thiệu những hồi ức của bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước cộng hòa XHCN Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam về ngày ký kết chính thức Hiệp định Paris. 

Ngày 27/1/1973, lễ ký kết chính thức "Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" là ngày đáng ghi nhớ với nhân dân ta và nhân dân thế giới...

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris về Việt Nam, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm hội nghị quốc tế ở Thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: TTXVN

Đối với mỗi anh chị em chúng tôi trong hai đoàn đàm phán, ngày 27/1/1973 cũng là ngày không thể nào quên. Những ngày trước đó cả hai đoàn phải tập trung hoàn thành văn kiện, kể cả việc rà soát, in ấn. Làm việc mệt mỏi cho đến tận khuya nhưng vẫn vui...

Hôm ấy, từ tờ mờ sáng, chúng tôi đã được bạn bè ở Paris và các tỉnh, cả bạn bè mấy nước lân cận, gọi điện, gửi lẵng hoa chúc mừng thắng lợi, cổ vũ chúng ta chiến đấu đến ngày toàn thắng.

Trời Paris hửng nắng. Đúng 10 giờ, các đoàn lần lượt đến đại lộ Kléber. Điều hết sức xúc động là hai bên hè đường và trước cửa Trung tâm hội nghị quốc tế người đông nghịt giữa rừng cờ đỏ sao vàng và cờ sao vàng trên nền nửa đỏ, nửa xanh, tưng bừng vẫy gọi, chào đón chúng tôi, chúc mừng lễ ký kết.

Phần lớn bà con kiều bào và bạn bè Pháp, cùng khá đông bạn bè các nước châu Âu, châu Phi và cả những người bạn Mỹ đến chia vui với chúng ta. Mỗi người đều thấy đó là kết quả đấu tranh chung, trong đó có sự đóng góp của chính mình đã hàng chục năm kiên trì phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ và ủng hộ Việt Nam chiến đấu chính nghĩa.

Phóng viên thông tấn Mỹ AP mô tả: "Họ hô các khẩu hiệu chống Mỹ và chống Sài Gòn khi Lắm và Rogers đến; nhưng lại hò reo hoan hô các đoàn xe của bà Bình và ông Trinh - Việt Nam muôn năm! Hoan hô Chính phủ cách mạng lâm thời! Hoan hô Việt Nam dân chủ cộng hòa".

Phóng viên hãng thông tấn Mỹ UPI cũng tả quang cảnh hôm đó: "Buổi lễ ký kết hòa bình ở Việt Nam diễn ra trong khung cảnh huy hoàng tráng lệ của thế kỷ 19 và những biện pháp an ninh nghiêm ngặt nhất mà thế kỷ 20 có thể tạo ra. Bốn ngoại trưởng được một đạo quân gồm 2000 cảnh sát và nhân viên an ninh bảo vệ nghiêm cẩn... Sau bốn năm làm gia chủ nơi tiến hành cuộc đàm phán, giờ đây, người Pháp tin rằng bà Nguyễn Thị Bình, các ông Nguyễn Duy Trinh, W. Rogers và Trần Văn Lắm sẽ làm cho toàn thế giới hướng về Paris trong ngày 27/1/1973".

Đó là không khí rất trang nghiêm. Chúng tôi được quan chức lễ tân Pháp trịnh trọng hướng dẫn đi giữa hai hàng Vệ binh cộng hòa với gươm tuốt trần oai nghiêm chào đón. Phòng họp rực sáng hơn thường lệ. Trong phòng đã có mặt đại diện Chính phủ Pháp, các đại sứ của bốn nước thành viên Ủy ban quốc tế và rất đông các nhà báo, nhiếp ảnh, quay phim quốc tế...

Vẫn chiếc bàn tròn lớn phủ kín nỉ xanh mà bốn đoàn đã tranh luận suốt 174 phiên, từ ngày 25/1/1969 đến hôm nay, vừa tròn bốn năm. Đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh dẫn đầu và Bộ trưởng Xuân Thuỷ ngồi bên. Đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Bình dẫn đầu. Đoàn Mỹ do Ngoại trưởng William Rogers dẫn đầu, có thêm Thượng nghị sỹ Mike Mansfield, người thường xuyên chống chiến tranh Việt Nam (anh em trong đoàn cho biết, sau lễ ký, ông này đến xin tấm biển ghi tên đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời đặt trên bàn để làm kỷ niệm).

Đúng giờ, bốn bộ trưởng Ngoại giao bắt đầu ký hiệp định và bốn nghị định thư kèm theo. Mỗi ngoại trưởng phải ký tới 32 chữ ký và mỗi người có 32 cây bút để làm việc đó. Hiệp định gồm 9 chương, 23 điều...

Bà Nguyễn Thị Bình trả lời phỏng vấn của các nhà báo sau khi dự phiên họp đầu tiên bàn về thủ tục của Hội nghị 4 đoàn tại Paris (Pháp) ngày 18/1/1969. Ảnh: TTXVN

Đối với chúng ta, nội dung quan trọng và cơ bản nhất của Hiệp định Paris là Điều quy định Mỹ phải tôn trọng các quyền cơ bản của nhân dân ta, quân Mỹ phải rút về nước mà không kèm theo bất cứ điều kiện gì; hành lang Nam - Bắc vẫn nối liền, hậu phương với tiền tuyến thành một dải liên hoàn thống nhất, đảm bảo cho phong trào cách mạng miền Nam dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời giữ nguyên được địa bàn, giữ nguyên được thế lực của mình để tiếp tục tiến lên giành thắng lợi cuối cùng.

Đặt bút ký vào bản Hiệp định Paris lịch sử rất xúc động, nghĩ đến miền Nam, nghĩ đến đồng bào, đồng chí, đến gia đình, bạn bè trên cả hai miền Nam - Bắc...

Trong đời tôi, đây là vinh dự lớn được thay mặt nhân dân và các chiến sỹ cách mạng miền Nam Việt Nam đấu tranh trực diện với Mỹ tại Paris, được thấy niềm tự hào vinh quang cùng với ân tình sâu đậm mà cả thế giới dành cho cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta.

Tôi vô cùng biết ơn Bác Hồ và cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Mặt trận và Chính phủ Cách mạng lâm thời đã tin cậy giao cho tôi một nhiệm vụ khó khăn, nhưng rất vẻ vang này.

Tôi muốn nói lên lòng biết ơn của tôi đối với đồng bào và chiến sỹ ta từ Nam chí Bắc, đã chấp nhận mọi hy sinh và dũng cảm chiến đấu để có được thắng lợi to lớn hôm nay; cảm ơn bà con kiều bào tại Pháp và các nước xung quanh; cảm ơn sự đoàn kết, cộng tác của tất cả anh chị em trong hai đoàn đàm phán và các cơ quan, đoàn thể ta ở Paris. Và tôi nghĩ đến gia đình, đến chồng con…

Buổi lễ kéo dài hơn 10 phút. Tiếp sau đó, Chính phủ Pháp mở tiệc rượu chào mừng. Mọi người chạm cốc, bắt tay. Không khí vui vẻ, hoà giải. Tôi chạm cốc với Ngoại trưởng Mỹ William Rogers, chúc "Hoà bình"; nói chuyện với Ngoại trưởng Sài Gòn Trần Văn Lắm, ông ta nhờ tôi chuyển lời thăm "Anh Phát" (đồng chí Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời ). Bốn người phát ngôn báo chí của bốn đoàn nâng cốc chúc sức khoẻ nhau.

* (Lược theo hồi ức của bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước cộng hòa XHCN Việt Nam, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam… Bà cũng là người phụ nữ duy nhất đại diện cho Việt Nam tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình tại Paris trong giai đoạn 1968-1973. Bà là một trong những người đại diện các bên ký Hiệp định Paris năm 1973 và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định này).

Thiếu tá, Ths Phạm Thúy Quỳnh - Trường Quân sự Quân khu 7