LTS: 50 năm trước, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước ta ở thế kỷ XX, một mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhân dân ta và nền Ngoại giao Việt Nam.

Hiệp định Paris cũng là kết tinh của sự phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước với đối ngoại nhân dân, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Nhân dịp 50 năm Hiệp định Paris, Báo VietNamNet thực hiện loạt bài Hiệp định Paris 1973 - Nửa thế kỷ nhìn lại, với góc nhìn đa chiều từ những người trong cuộc, những nhân chứng lịch sử đã góp phần làm nên thắng lợi của Hiệp định

Sự kiện ký kết Hiệp định Paris năm 1973 không chỉ có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử Việt Nam, mà còn là dấu mốc trong lịch sử quan hệ quốc tế.

Bà Hélène Luc, nguyên Thượng nghị sĩ, nguyên Chủ tịch nhóm nghị sĩ hữu nghị Đảng cộng sản Pháp tại Thượng viện Pháp, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp - Việt xúc động mỗi khi nói về khoảng thời gian đoàn đàm phán Việt Nam tham dự hội nghị ở Paris. 

Bà là phu nhân của ông Louis Luc, cố Phó Thị trưởng TP Choisy-le-Roi của tỉnh Val-de-Marne (Pháp).

Bà Hélène Luc

Sau Tết Mậu Thân năm 1968, Tổng thống Mỹ nhận ra rằng không thể giành được chiến thắng, do vậy đã quyết định ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam tại Hội nghị Paris. Lúc đầu, đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tới Pháp và ở tại khách sạn Lutetia (thủ đô Paris), nhưng chi phí quá đắt đỏ.

Đảng Cộng sản Pháp đã đề nghị với phái đoàn Việt Nam đến ở tại trường đào tạo cán bộ của Đảng Cộng sản Pháp tại Choisy-le-Roi, nằm ở phía Đông nam ngoại ô Paris, thuộc tỉnh Val-de-Marne, Vùng hành chính Ile-de-France.

Tại đây, đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Lê Đức Thọ làm cố vấn và ông Xuân Thủy làm trưởng đoàn đã ở và làm việc từ tháng 5/1968 cho đến tháng 3/1973. Nơi đây trở thành địa điểm lưu trú của đoàn trong gần 5 năm đàm phán Hiệp định Paris. 

Bà Hélène Luc cho biết, Thị trưởng và Phó thị trưởng TP Choisy-le-Roi trực tiếp đón đoàn Việt Nam và tạo điều kiện tốt nhất. Bà Helen lúc đó cũng đang là ủy viên của hội đồng TP và là đảng viên của Đảng Cộng sản Pháp tại Đảng bộ Choisy-le-Roi. Ngày 10/5/1968, phái đoàn đến Pháp, ông Gaston Plissonnier, một trong những lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Pháp ra đón tại sân bay Orly.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cùng Thị trưởng TP Choisy-le-Roi cắt băng khánh thành Quảng trường và Tấm bia tưởng niệm vì hòa bình, năm 2013. Ảnh: Báo Nhân dân

Bà Hélène Luc kể: “Chúng tôi huy động nhiều tình nguyện viên để đoàn không thiếu gì về mặt vật chất và đặc biệt là đảm bảo an ninh cho đoàn. Chúng tôi cũng sắp xếp phương tiện liên lạc, giúp đoàn có thể trực tiếp điện đàm, gửi điện tín về Hà Nội. Trong quá trình đàm phán, việc liên lạc rất quan trọng. Các thiết bị liên lạc cũng bị tấn công nhiều lần bởi các kẻ thù của Việt Nam”.

Trong suốt thời gian đó, Choisy-le-Roi đã được giữ bí mật, tới mức không có mấy người dân ở TP này biết nơi các thành viên trong đoàn Việt Nam sống và hoạt động. Cũng tại nơi đây đã diễn ra các cuộc họp bí mật giữa lãnh đạo của đoàn Việt Nam với ông Henry Kissinger bên cạnh các cuộc họp công khai ở Paris.

Vào thời gian này, ở ngay trước tháp Eiffel đã diễn ra những cuộc tuần hành, diễu hành rất lớn, tập hợp những người ủng hộ Việt Nam, trong đó có rất đông sinh viên và cả các chính khách Pháp. Cuộc biểu tình diễn ra sôi nổi đúng vào thời điểm Đại sứ Mỹ Harriman đến Paris bắt tay Bộ trưởng Xuân Thuỷ tại Kleber, đó là hình ảnh mang tính biểu tượng.

Bà Hélène Luc nêu về tướng De Gaulle - người chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh Đông Dương bùng nổ năm 1945, ông đã rút ra bài học cho mình. Ông là người thúc đẩy mở ra cuộc hòa đàm tại Paris, ông cử đặc phái viên tới Hà Nội, Sài Gòn thăm dò chính quyền hai miền về việc lập một cuộc hòa đàm ở Paris.

Tướng Charles de Gaulle khi đó rất ủng hộ Việt Nam. Ban đầu, có ý kiến đề xuất nên chọn Vienna hoặc Geneva làm nơi đàm phán, nhưng tướng De Gaulle nói rằng, đàm phán phải diễn ra ở Paris vì sẽ có sự ủng hộ lớn hơn, và nhân dân Pháp từ lâu cũng đã ủng hộ đấu tranh cho hòa bình tại Việt Nam. Rất may, đàm phán đã diễn ra tại Paris và tướng De Gaulle đã có chỉ thị để bố trí cho đoàn.

Bà Hélène Luc cũng đồng tình và cho rằng việc chọn Paris là nơi đàm phán có vai trò rất quan trọng vì đó không chỉ là sự ủng hộ của Paris, những người Paris mà còn bởi Paris là điểm tụ hội của rất nhiều người châu Âu ủng hộ Việt Nam. 

Bà Hélène Luc cùng bạn bè quốc tế thăm Lăng Bác.

Năm 1968, rất nhiều sinh viên của Pháp đã hô vang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh để ủng hộ Việt Nam, bởi vì đó là một cuộc đấu tranh chính nghĩa để chống lại chủ nghĩa đế quốc. Nếu như Việt Nam giành thắng lợi, cũng là một thắng lợi của Pháp và của nhân dân trên toàn thế giới.

Bà Hélène Luc cho biết, ngày buồn nhất đối với bà là ngày nhận tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. “Tại Choisy le Roi, chúng tôi cũng đã kết hợp với đoàn đàm phán tổ chức truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi thấy rằng lúc đó rất khó có thể an ủi các thành viên đoàn đàm phán trước mất mát hết sức to lớn ấy”, bà chia sẻ.

Ngày 27/1/1973, thông báo được chờ đợi nhất trong 5 năm qua đã xuất hiện trên truyền thông: Hiệp định Paris được ký kết. Ngay hôm đó Hội đồng TP Choisy-le-Roi đã nhóm họp, ông Louis Luc thông báo tin vui và ca ngợi những thành viên đoàn đàm phán.

Ngày 2/9/1978, nhận lời mời của Chính phủ Việt Nam, một phái đoàn Choisy-le-Roi do ông Louis Luc dẫn đầu đã tới Hà Nội dự lễ kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam.

Bà Hélène Luc cho biết, vào năm 2013, theo sáng kiến của Thị trưởng và Hội đồng Tỉnh, Tòa thị chính Choisy-le-Roi đã sản xuất một bộ phim tư liệu do Daniel Roussel làm đạo diễn. Phim kể về quá trình đàm phán Hiệp định và cuộc sống của đoàn đàm phán Việt Nam tại Choisy-le-Roi. “Trong bộ phim này, chúng tôi cũng đã thuật lại hết tất cả quá trình đàm phán. Từ ý kiến của Bộ trưởng Xuân Thủy nói rằng ‘miền Bắc và miền Nam đều là một nhà cho nên miền Bắc sẽ không bao giờ từ bỏ giúp đỡ miền Nam đứng lên đấu tranh giành độc lập”. 

Thời gian đàm phán lúc đầu dự kiến chỉ là vài tháng nhưng sau đó kéo dài đến vài năm bởi vì vấn đề lớn lúc đó là phải thống nhất Việt Nam. Việt Nam không thể nào bị chia rẽ thành hai miền được. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Quảng trường Hiệp định Paris tại TP Choisy-le-Roi vào năm 2018. Ảnh: TTXVN

Bà Hélène Luc cũng nói về chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 3/2018). Tổng Bí thư đến thăm TP Choisy-le-Roi - nơi diễn ra các cuộc đàm phán Hiệp định Paris và đã nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của TP trong đàm phán hòa bình. 

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Choisy-le-Roi luôn duy trì tình hữu nghị, đoàn kết gắn bó với Việt Nam. TP đã kết nghĩa với quận Đống Đa (Hà Nội) từ năm 1973, hỗ trợ quận Đống Đa tái thiết sau chiến tranh, xây dựng trường học, trạm xá…

Vào năm 2013, kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, TP Choisy-Le-Roi đã khánh thành quảng trường “Hiệp định Paris” và cột “Biểu tượng vì Hòa bình” được đặt ngay tại đường phố mang tên Louis Luc - người chồng đã quá cố của bà Hélène Luc.