Hiện nay, xu hướng tiến ra biển, làm giàu từ biển và khai thác các nguồn tài nguyên từ biển đang ngày càng tăng.

Đồng thời, tình trạng ô nhiễm môi trường biển, phá hủy đa dạng sinh học, cạn kiện tài nguyên biển cũng dần trở nên đáng báo động, gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội.

Bởi vậy, công tác bảo tồn biển, gìn giữ đa dạng sinh học biển, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường biển cũng như bảo vệ và khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên biển trở nên cấp bách.

Theo đánh giá của Tổ chức Bảo tồn quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học biển lớn của thế giới, với nhiều kiểu hệ sinh thái, loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu.

Ba hệ sinh thái lớn thường được đề cập trong Biển Đông là rạn san hô, rừng ngập mặn, và nguồn lợi hải sản.

Biển Đông chiếm 20% tổng diện tích rạn san hô của khu vực Đông Nam Á trong khi khu vực này chiếm 34% tổng diện tích rạn san hô của thế giới với 50 trong số 70 loài san hô được biết đến trên thế giới có mặt ở khu vực Tây Ấn-Thái Bình Dương.

W-sanho.png
Biển Đông chiếm 20% tổng diện tích rạn san hô của khu vực Đông Nam Á 

Biển Đông chiếm 12% tổng diện tích rừng ngập mặn của thế giới và 30% tổng diện tích rừng ngập mặn của châu Á với 41 trong số 51 loài cây ngập mặn được biết đến trên thế giới. Các vùng biển Đông Á là nơi tập trung 20 trong số 50 loài cỏ biển được biết đến trên thế giới trong đó 18 loài sinh trưởng trong các vùng ven bờ Biển Đông. Biển Đông cũng là một trong 20 vùng biển có nguồn lợi hải sản phong phú trên thế giới, với hơn 2.000 loài cá, hơn 90 loài tôm và hơn 70 loài thân mềm.

Biển Việt Nam có 2.038 loài cá, trong đó có trên 100 loài cá có thể đánh bắt vì mục đích kinh tế; 653 loài rong biển; 657 loài động vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn; 225 loài tôm biển; 14 loài cỏ biển; 15 loài rắn biển; 12 loài thú biển; 5 loài rùa biển và 43 loài chim nước. Trữ lượng cá có thể đánh bắt hiện đã suy giảm 25-30%. (từ 4 xuống dưới 3 triệu tấn/năm).

Ngoài ra, Biển Việt Nam còn có dầu mỏ. Trữ lượng dầu mỏ Việt Nam khoảng 4,4 tỷ thùng, xếp thứ 28 trong số 52 quốc gia có trữ lượng dầu mỏ xác minh trên thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Trữ lượng khí đã xác minh của Việt Nam đạt khoảng 0,6 nghìn tỷ m3, đứng thứ ba trong khu vực. Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã và đang triển khai hoạt động khai thác dầu khí tại 36 mỏ với 21 hợp đồng dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của thềm lục địa Việt Nam, có 5 hệ thống đường ống dẫn khí, 3 nhà máy xử lý khí (2 ở Vũng Tàu, 1 ở Cà Mau).

Nhưng các hệ sinh thái biển và các tài nguyên biển đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như ô nhiễm môi trường, khai thác đánh bắt cá quá mức, đa dạng sinh học biển bị đe dọa…

Theo ước tính của các nhà khoa học, 80% lượng rác thải ra biển xuất phát từ các hoạt động trên đất liền. Việt Nam có 112 cửa biển, đây chính là nguồn để rác trôi ra đại dương.

Trước thực trạng đó, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu: “quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000”.

Để đạt được mục tiêu trên, trước hết, các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngư dân ven biển, trên đảo cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với việc bảo tồn, phát triển sinh học biển theo quy định của Luật Đa dạng sinh học.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để không chỉ tạo cơ chế thuận lợi, mà còn tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động khai thác, bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học biển một cách hiệu quả.

Hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế về bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên gắn với xây dựng, quảng bá thương hiệu, khai thác tiềm năng các loài đặc hữu và các kỳ quan sinh thái trong phát triển du lịch, kinh tế ven biển; tài nguyên, môi trường biển; tập trung vào các vùng biển sâu, biển xa; mở rộng diện tích, thành lập mới các khu vực bảo tồn biển trên cơ sở quy hoạch không gian biển quốc gia, chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học biển, phục hồi các hệ sinh thái.

Cùng với đó, kết hợp chặt chẽ giữa đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học biển với đa dạng hóa hình thức, biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, sự cố môi trường biển, ngăn chặn các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của các sinh vật biển, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển nói riêng, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Kiều Nga và nhóm PV, BTV