Chiều 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Người ngoài Đảng không dưới 10%

Báo cáo tờ trình, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, bên cạnh tiêu chuẩn, đại biểu HĐND cần phải có cơ cấu hợp lý để đảm bảo tính đại diện trong cơ quan dân cử, tiêu biểu cho trí tuệ và sự đoàn kết của toàn dân tộc, phù hợp với sự phân bố dân cư, dân tộc, giới tính, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương.

{keywords}
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Vì vậy, công tác chuẩn bị nhân sự ứng cử phải bảo đảm việc giới thiệu, lựa chọn bầu được những đại biểu thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Việc dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu để ứng cử đại biểu ở mỗi đơn vị hành chính “phải bảo đảm dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch”.

Đồng thời coi trọng chất lượng, lựa chọn đại biểu là những người tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, đạo đức, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh. Cạnh đó, cần bảo đảm cơ cấu hợp lý trong các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân…

Dự thảo Nghị quyết của UB Thường vụ Quốc hội nêu rõ, tổng số người trong danh sách chính thức phải có ít nhất 35% nữ và phấn đấu tỷ lệ nữ trúng cử khoảng 30%. Ngoài ra, dự thảo cũng quy định, tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND là người ngoài Đảng không dưới 10%; đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) không dưới 15% tổng số người được giới thiệu.

Tuy nhiên, qua thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc người ứng cử đại biểu trúng cử phụ thuộc vào sự tín nhiệm của cử tri. Vì vậy, việc dự thảo đưa ra các con số mục tiêu phấn đấu như vậy sẽ “không bảo đảm tính dân chủ, khách quan, minh bạch trong công tác bầu cử”.

Tăng đại biểu chuyên trách

Đối với việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, dự thảo Nghị quyết quy định tại TP.HCM và Đà Nẵng không tổ chức bầu cử đại biểu HĐND quận, phường nhiệm kỳ 2021 - 2026; TP. Hà Nội không tổ chức bầu cử đại biểu HĐND phường nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Liên quan đến số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, dự thảo Nghị quyết quy định số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở mỗi Ban của HĐND TP.HCM là không quá 3 người.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật cho rằng theo Nghị quyết 131 của Quốc hội (về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM), nếu bố trí đủ thì mỗi ban của HĐND có tối đa bốn người hoạt động chuyên trách. Do vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị chỉnh lý lại để bảo đảm tính thống nhất với Nghị quyết của Quốc hội.

Có ý kiến cho rằng nên cho phép Hà Nội được tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở các Ban của HĐND TP và các Ban của HĐND quận, thị xã trong tổng số biên chế được giao cho Hà Nội.

Qua thẩm tra, ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội được Quốc hội cho thực hiện thí điểm khác với mô hình tại Đà Nẵng và TP.HCM. Cụ thể, Hà Nội không tổ chức HĐND ở phường; đối với quận, huyện, thị xã và thành phố vẫn tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND.

Vì vậy, trước mắt chưa nên tăng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở cấp thành phố. Nếu có, chỉ nên tăng ở các quận, thị xã thuộc Hà Nội và phải bảo đảm không làm tăng số lượng biên chế được giao của địa phương.

Tuy nhiên, nếu vận dụng theo cách này thì chưa thật sự bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và chưa được Chính phủ xem xét, xác định rõ tăng ở vị trí nào.

Vì vậy, ông Tùng đề nghị Chính phủ bổ sung nội dung này trong Tờ trình và dự thảo Nghị quyết để UB Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.

Thu Hằng 

Phú Quốc trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam

Phú Quốc trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam

Chiều 9/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Phú Quốc và thành lập các phường thuộc thành phố Phú Quốc, Kiên Giang.