Nhà tôi có hai bé, một trai và một gái. Bé trai lớn 8 tuổi, đang học lớp ba. Là con đầu nên chưa có nhiều kinh nghiệm nuôi dạy từ sớm, tôi mới cùng con đọc sách, đọc truyện trong khoảng 2 năm nay. Quả thực đây là một hành trình tương đối gian nan, vất vả đòi hỏi sự kiên nhẫn, bền bỉ của người lớn.
Ngày nay, trên các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính, iPad, tivi… có rất nhiều chương trình hay và hấp dẫn, lại thuận tiện, gọn nhẹ, có mặt ở khắp nơi, vì vậy trẻ em thường xuyên truy cập và không chú ý tới sách, truyện.
Phần lớn thời gian bé nhà tôi học tại trường, tối về có buổi học thêm hoặc làm bài tập dưới sự hướng dẫn của mẹ và gia sư, do đó việc đọc sách, truyện chỉ tranh thủ được khoảng 45 phút trước khi đi ngủ. Dịp cuối tuần có một số buổi chiều tôi và cháu tham gia đọc sách chừng một tiếng nữa.
Tôi chấp nhận giai đoạn ban đầu là đọc cho con nghe, cháu cũng dõi theo trang sách bố đọc. Muốn trẻ tìm kiếm sự thú vị từ trong sách thì chúng ta phải "vừa mồi vừa nhử”. Quá trình đọc cho con là cách tôi dẫn dắt cháu cùng đi tìm sự thích thú, khám phá tri thức.
Tôi chọn mua truyện tranh cho con dễ xem, dễ nhìn hình ảnh và thu hút cái nhìn trực quan, sinh động. Một số người cho rằng truyện tranh đọc nhiều gây hiệu ứng không tốt là khả năng tưởng tượng, suy nghĩ của trẻ ít nảy nở, phát triển. Nhưng so với các món “đồ ăn nhanh” là video, clip ngắn trên Tiktok, YouTube, Facebook... truyện tranh vẫn là lựa chọn tối ưu ở lứa tuổi tiểu học.
Để dần tạo nên thói quen đọc sách cho con, tôi tìm mua đa dạng các loại sách thiếu nhi như bách khoa thư thế hệ mới, sách thường thức dạy tiêu tiền đúng cách, hướng dẫn sử dụng điện, phương tiện giao thông đến cuốn lịch sử bằng thơ của tác giả Thái Bá Tân. Ngoài ra là truyện tranh các nhân vật lịch sử của nước nhà, truyện cổ tích, văn học thiếu nhi, truyện ngắn của các nhà văn nổi tiếng…
Nhìn chung, việc lựa chọn sách rất cần độ nhạy bén và thông thái của cha mẹ. Chẳng hạn như lứa tuổi con mình loại sách nào, ngôn ngữ và văn phong nào con thích, con hiểu và dễ tiếp nhận. Mặt khác phải có sự thay đổi đa dạng như món ăn vì lúc bé thích cuốn này, khi lại khoái cuốn kia…
Quan sát bạn thứ hai mới 4 tuổi, tôi cảm nhận được niềm vui thích với sách vì ngày nào cháu cũng đòi bố đọc cho nghe truyện thiếu nhi. Sự kiên trì và đầu tư về thời gian, tiền bạc, sức lực tôi dành cho bạn lớn đã mang hiệu ứng rất tốt cho cô con gái nhỏ. Tôi nhận thấy, nếu bạn lớn được bố mẹ rèn việc đọc sách từ lúc 4-5 tuổi sẽ đỡ vất vả hơn nhiều.
Những nỗ lực của tôi đã thu được kết quả xứng đáng, tôi thấy rõ sự ham thích của hai con với sách vở. Thi thoảng cháu lớn lôi sách, truyện, bách khoa thư ra nghiền ngẫm, như thể con đang “tua” các trang sách trong trạng thái một mình, ngồi đọc lại rất tự nhiên và chăm chú. Có vẻ như con đường đi của tôi đã đúng...
Thậm chí việc sách, truyện thi thoảng bày bừa phòng khách hay trên giường gây ra sự phiền toái, nhưng cũng hữu dụng vì nó đập vào mắt bọn trẻ, kích thích chúng cầm lên và đọc, dần hình thành bản năng tự học, tự nghiên cứu sau này.
Hướng dẫn con trẻ thói quen đọc sách là quá trình không thể một sớm một chiều. Ngoài một số cách thức nêu trên, phụ huynh cần kiểm soát giờ xem, nội dung xem trên thiết bị công nghệ của con cái. Tích cực tổ chức các hoạt động dã ngoại cho trẻ hòa mình vào thiên nhiên và cảm nhận cuộc sống.