Hai người cùng cảnh ngộ
Ở tập 208, ê-kíp chương trình Gõ cửa thăm nhà đã đến thăm cơ sở massage khiếm thị, cũng là tổ ấm của vợ chồng chị Bùi Thị Dung (SN 1993) và Nguyễn Minh Hải (SN 1995, quận Tân Phú, TP.HCM).
Vợ chồng chị Dung cùng là người khiếm thị, vượt nghịch cảnh, tự tìm kế sinh nhai. Hai người chào đời với đôi mắt sáng nhưng số phận trớ trêu bắt họ bước tiếp trong bóng tối.
Lúc 5 tuổi, chị Dung vẫn thường sang nhà hàng xóm chơi. Một lần chị đi chơi về thì mẹ phát hiện mắt phải của chị có đốm trắng.
Mẹ nhờ người thân dắt chị Dung xuống TP.HCM khám mắt. Bác sĩ chẩn đoán chị bị cườm mắt.
“Dù phát hiện bệnh sớm nhưng thời đó, bệnh viện chưa đủ công nghệ để chữa trị. Tôi trở về quê thì có một đoàn bác sĩ đến mổ mắt miễn phí. Mẹ đưa tôi đến khám và được tư vấn mổ mắt sớm.
Bác sĩ nói rõ, ca mổ không giúp khôi phục thị lực mà chỉ để ngăn không lây sang mắt trái. Đồng thời, mắt phải sẽ trông giống như bình thường”, chị Dung kể.
Sau ca mổ, mắt phải của chị không nhìn thấy, còn mắt trái yếu dần. Chị sợ mẹ lo lắng nên giấu tình trạng của mắt trái. Đến năm lớp 3, chị bị bong võng mạc mắt trái, vĩnh viễn sống trong bóng tối.
Chị Dung buồn khổ, mặc cảm trong khoảng 3 năm. Lúc 11 tuổi, chị được gia đình đưa xuống TP.HCM, theo học Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu.
Tại đây, chị nhanh chóng hòa nhập, học cách sinh hoạt và làm việc trong bóng tối. Bên cạnh đó, chị nỗ lực học tập và thi đậu chuyên ngành Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TP.HCM.
Về phần Minh Hải, cậu không rõ nguyên nhân khiến mắt yếu dần và mù vĩnh viễn từ năm 13 tuổi.
Minh Hải kể: “Khi mẹ mang thai tôi được 5 tháng, căn nhà của gia đình bị sét đánh trúng, cháy mất 2/3. Vụ tai nạn khiến anh họ tôi mất tại chỗ, mẹ tôi ngất xỉu.
Lúc đó, trời mưa to nên hàng xóm không hay biết. Mấy tiếng đồng hồ sau, mọi người mới phát hiện sự việc, gọi bố tôi về đưa vợ đi cấp cứu”.
Trong quá trình cấp cứu, bác sĩ phải tiêm nhiều loại thuốc, cứu mẹ con Hải thoát khỏi cửa tử. Tuy nhiên, Hải chào đời với cơ thể yếu ớt, phải nằm lồng ấp trong thời gian dài.
Hải lớn dần với đôi mắt bị nhược thị. Bạn bè thường trêu, gọi cậu là Hải lác, Hải lé…
Bị bạn bè kỳ thị, Hải học kém dần, tụ tập bạn bè quậy phá và trở thành học sinh cá biệt của trường.
Năm 13 tuổi, mắt Hải mờ dần rồi không thấy nữa. Bố đưa Hải ra Hà Nội điều trị nhưng không thể cứu vãn. Hải buồn và khóc suốt 2 tiếng đồng hồ tại bệnh viện.
Thấy con khóc, bố Hải lúng túng, dắt con trai đến Nhà thờ Lớn Hà Nội cầu nguyện. Tại đây, bố nói với Hải: “Ở bên kia, bố thấy có một bệnh nhân ung thư, rụng hết tóc nhưng cô ấy rất vui vẻ.
Cô ấy có thể không sống được bao lâu nữa, đến tính mạng còn không giữ được, con mất đi đôi mắt thì tại sao phải buồn”.
Kể từ đó, Hải không quan tâm đến chuyện mình bị khiếm thị. Cậu chấp nhận và cố gắng thay đổi sao cho phù hợp.
Hải tự mình vươn lên, nhận được học bổng toàn phần ngành Quản trị kinh doanh tại trường Đại học RMIT ở TP.HCM.
Mối tình “chị - em”, cùng xây tổ ấm
Năm thứ 3 đại học, chị Dung làm thêm và bị lừa bán hàng đa cấp mà không hay biết. Để được nhận tiền hoa hồng, chị đăng rất nhiều bài viết trên các nhóm khiếm thị.
Hải tình cờ đọc được bài viết, lấy số điện thoại gọi cho chị Dung. Tuy nhiên, Hải không xin việc mà muốn làm quen với chị gái hơn cậu 2 tuổi.
Từ đó, hai người trò chuyện và dần dà nảy sinh tình cảm. Mối tình “chị - em” cứ thế lớn dần, mặc kệ sự gièm pha của người khác.
Gia đình cũng không hài lòng khi chị Dung dẫn Hải về ra mắt. Bố mẹ muốn chị lấy một người chồng sáng mắt.
Hải và chị Dung đã nỗ lực để được ở bên nhau. Họ kết hôn năm 2017 và cùng mở cơ sở massage khiếm thị vào năm 2020.
Hải cho biết: “Năm 14 tuổi, tôi được học trong một mái ấm. Tại đây, thầy cô luôn nói, bây giờ masage khiếm thị không còn lành mạnh, các bạn nhân viên bị quấy rối, tấn công, sàm sỡ…
Tôi luôn trăn trở tại sao nó lại xảy ra như vậy. Massage là công việc giúp người khiếm thị có thu nhập ổn định, đỡ vất vả hơn bán hàng rong, ăn xin ngoài đường…
Từ đó, tôi quyết tâm làm gì đó để thay đổi môi trường làm việc, giúp người khiếm thị tự tin và theo đuổi công việc massage.
Hiện tại, cơ sở của tôi có 5 kỹ thuật viên, có lúc đông hơn, tùy theo lượng khách. Doanh thu của tiệm cũng ổn định”.
Ngay từ ngày đầu mở cửa đón khách, Hải đã treo bảng “massage khiếm thị lành mạnh” nhưng cơ sở gặp không ít trường hợp khách hàng có hành vi “đụng chạm” kỹ thuật viên.
Hải kể, mấy tháng trước, một nữ nhân viên khiếm thị bị khách quấy rối. Bình thường, cơ sở không để nhân viên nữ phục vụ khách nam. Nhưng, hôm đó khách đến quá đông, Hải phải cho nhân viên nữ hỗ trợ. Không ngờ, vị khách này tự ý vỗ mông, sờ mó các vị trí nhạy cảm của nữ nhân viên.
“Nữ nhân viên bức xúc, nhờ tôi giải quyết, yêu cầu khách xin lỗi. Một số khách nhận lỗi nhưng cũng có khách chửi bới, đòi quỵt tiền, còn đổ thừa cho nhân viên cố tình động chạm. Những lần như thế, tôi phải nhờ công an khu vực đến giải quyết”, Hải chia sẻ.
Hải cho biết, tiệm của vợ chồng Hải là một trong những nơi có môi trường làm việc trong sáng. Hải hy vọng việc kinh doanh phát triển, mở thêm cơ sở để người khiếm thị có nơi làm việc ổn định.
Ảnh: Gõ cửa thăm nhà