Google, cơ quan chủ quản của Youtube, vừa thông báo sẽ khấu trừ và đánh thuế thu nhập cho những nhà sáng tạo nội dung trên Youtube (Youtuber) không sống tại Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc các Youtuber tại Việt Nam và các quốc gia khác bên ngoài Mỹ sẽ phải đóng thuế cho thu nhập của mình kiếm được từ Youtube.

Chính sách mới của Youtube sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 6 tới đây và Google kêu gọi các Youtuber cung cấp thông tin thuế với Google để đảm bảo mức đóng thuế phù hợp.

{keywords}
Doanh thu của các Youtuber tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác sẽ bị ảnh hưởng sau khi chính sách mới của Youtube có hiệu lực.

"Tất cả những người sáng tạo nội dung và kiếm tiền trên Youtube, bất kể đang sống ở đâu trên thế giới, đều cần phải cung cấp thông tin thuế. Vui lòng gửi thông tin thuế của bạn càng sớm càng tốt", Google cho biết trong một thông báo đưa ra.

Mức đánh thuế từ thu nhập của các Youtuber sẽ dựa vào nhiều yếu tố. Đối với những Youtuber sống bên ngoài nước Mỹ, nếu khai báo thông tin thuế trước ngày 31/5/2021, họ sẽ phải chịu mức thuế 30% cho các doanh thu đến từ người xem tại Mỹ. Trong khi đó, nếu không nộp khai báo thuế, Youtuber sẽ bị đánh thuế 24% đối với doanh thu đến từ người xem ở mọi quốc gia.

"Theo luật thuế của Hoa Kỳ, Google bắt buộc phải khấu trừ thuế khi người sáng tạo không phải ở Hoa Kỳ phát sinh thu nhập từ người xem ở Hoa Kỳ. Chúng tôi yêu cầu người sáng tạo gửi thông tin thuế liên quan để xác định xem có áp dụng bất kỳ khoản khấu lưu thuế nào của Hoa Kỳ hay không và nếu có, chúng tôi sẽ khấu trừ thuế của Hoa Kỳ từ thu nhập của người sáng tạo bắt đầu từ nửa cuối năm nay", phát ngôn viên của Google giải thích về chính sách mới của Youtube.

Chính sách mới của Google sẽ không ảnh hưởng đến các Youtuber tại Mỹ, nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các Youtuber tại các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, nhất là với những kênh Youtube có lượng người xem lớn đến từ Mỹ.

Sau khi Google thông báo chính sách mới về việc thu thuế, nhiều nhà sáng tạo nội dung Youtube trên toàn thế giới đã chỉ trích Google vì mức thuế 30% là quá cao. Sự thay đổi này cũng được cho là sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều nhà sáng tạo nội dung quy mô nhỏ, những người không có hàng triệu lượt người đăng ký theo dõi kênh của mình.

Youtube trả tiền cho các nhà sáng tạo nội dung để khuyến khích những video với nội dung hay và lôi cuốn người xem. Để tham gia vào mạng lưới kiếm tiền của Youtube, các nhà sáng tạo nội dung phải sở hữu kênh Youtube với hơn 1.000 người đăng ký theo dõi và có được hơn 4.000 lượt xem video của mình trong vòng 12 tháng gần nhất.

Tuy nhiên, vào năm ngoái, Youtube đã cập nhật lại chính sách của mình, cho phép hiển thị nội dung quảng cáo trên các video của những Youtuber không tham gia vào mạng lưới kiếm tiền của Youtube. Điều này đã khiến nhiều người cảm thấy phẫn nộ vì Youtube lợi dụng nội dung của các nhà sáng tạo để kiếm tiền từ quảng cáo, nhưng không hề chia sẻ doanh thu cho họ.

Xu thế kiếm tiền từ Youtube tại Việt Nam cũng đã nở rộ trong những năm gần đây. Bên cạnh những kênh Youtube được đầu tư về nội dung, mang nhiều ý nghĩa thì cũng đã xuất hiện những kênh Youtube "câu view" bất chấp, bằng những nội dung bẩn, độc hại... đòi hỏi cần phải có một sự quản lý chặt chẽ hơn về các nội dung được chia sẻ lên Youtube.

(Theo IBT/ NDTV/ Dân Trí)