Qua 10 năm thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đã ý thức được vai trò, trách nhiệm trong thực hiện công tác Phổ biến giáo dục pháp luật nên đã thường xuyên quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong vận động tổ chức thực hiện.

thixabadon.jpg
Một góc thị xã Ba Đồn

Bên cạnh việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương đã lồng ghép tuyên truyền, Phổ biến giáo dục pháp luật vào nội dung sinh hoạt cơ quan, chuyên môn; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phối hợp với cơ quan tư pháp các cấp và đơn vị có liên quan tăng cường công tác Phổ biến giáo dục pháp luật gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới”…

Việc ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Luật Phổ biến giáo dục pháp luật đã tạo nên những hiệu quả tích cực, trong đó trọng tâm là đã ban hành các văn bản có tính chất định hướng trong quá trình thực hiện tuyên truyền, Phổ biến giáo dục pháp luật.

Cùng với đó, Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật các cấp không ngừng được kiện toàn và hoạt động có hiệu quả. Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho công tác Phổ biến giáo dục pháp luật ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ Phổ biến giáo dục pháp luật… Từ năm 2013 đến nay, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh tổ chức được khoảng 8.300 hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật; cấp hơn 3.200.000 tài liệu tuyên truyền; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương còn tích cực hưởng ứng và tham gia trên 3.000 cuộc thi, hội thi pháp luật với nhiều hình thức phong phú (thi viết, thi trả lời trực tiếp, sân khấu hóa…); thực hiện 9.096 vụ việc cho 9.096 đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý…

Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị, địa phương đã chia sẻ nhiều tham luận từ thực tiễn kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền, Phổ biến giáo dục pháp luật như: Hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin; kinh nghiệm trong xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; một số giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa Mặt trận và ngành Tư pháp về công tác hòa giải ở cơ sở; những đổi mới và kết quả nổi bật về công tác tuyên truyền, Phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường…

Theo ông Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, để công tác Phổ biến giáo dục pháp luật và việc triển khai Ngày Pháp luật thời gian tới trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, đồng chí yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các kế hoạch, chương trình hành động của cấp ủy các cấp về nhiệm vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật;  

Bên cạnh đó cũng cần xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; quan tâm hơn nữa về nguồn lực cho công tác Phổ biến giáo dục pháp luật tại cơ quan, đơn vị, địa phương để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao; căn cứ vào nhiệm vụ chính trị của địa phương để lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; phát huy những hình thức Phổ biến giáo dục pháp luật mang lại hiệu quả đã thực hiện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong Phổ biến giáo dục pháp luật...

Minh Thu và nhóm PV, BTV