- Một tuần sau khi bài viết "Góp ý với Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung" về đề Văn thi ĐH đăng tải, ngày 24/7, Tiến sĩ Trung có trao đổi lại. VietNamNet đăng tải để độc giả tiện theo dõi.

Cảm ơn tác giả đã quan tâm tới bài viết của tôi. Ngoài những điều nho nhỏ mà Văn Hữu chỉ ra do người thực hiện bài phỏng vấn nghe nhầm đã được sửa chữa, tôi chỉ trao đổi lại với Văn Hữu vài điều.

Ảnh Lê Anh Dũng

- Tôi là người giáo viên dạy các em hàng ngày, làm sao tôi có thể không biết Đôi mắt của Nam Cao đã được đưa ra khỏi chương trình? Câu chuyện tôi kể cho phóng viên: “Mấy năm trước có một học sinh Chuyên ngữ đi thi...” thì ngoại trừ việc người thực hiện phỏng vấn bỏ chữ in nghiêng đi (vì cho rằng không ai vạch lá tìm sâu) thì đây là câu chuyện điển hình trong quá trình dạy học khiến tôi nhận ra rằng, cách ra đề của “mấy năm trước”, học sinh chỉ cần học vẹt cũng có điểm.

- Lý lẽ và dẫn chứng là sức mạnh của văn nghị luận, điều tối thiểu ấy ai cũng biết. Lý lẽ còn dễ xác định, dẫn chứng là khôn cùng, không ai đưa vào đáp án những dẫn chứng cụ thể để bắt học sinh phải làm đúng như thế. Văn Hữu nhọc công giảng giải cho tôi về sự khác biệt giữa dàn ý và đáp án mà không hiểu ý tôi là cần chú ý đến dẫn chứng như một yêu cầu quan trọng của bài nghị luận, và nếu bài văn thiếu dẫn chứng sẽ không thể đạt điểm tối đa.

- Khi đề đưa ra hai đối tượng mà chỉ yêu cầu học sinh "cảm nhận" riêng lẻ mỗi đối tượng (phần so sánh chỉ là "yêu cầu nhỏ") thì vô tình cắt bài văn của học sinh thành hai mảnh rời rạc, chiếc băng dính so sánh không đủ gắn hai thanh ray để thành đường tàu cho đoàn tàu vận hành.

- Văn Hữu cho rằng "Trong truyện ngắn, nhân vật không phải là hạt nhân. Hạt nhân là tình huống truyện. Nhân vật mờ, truyện ngắn vẫn sống, nhưng thiếu tình huống truyện thì truyện ngắn lập tức chết ngay". Nếu lý lẽ cực đoan này của Văn Hữu là đúng thì nhà văn nổi tiếng Thạch Lam - tác giả của nhiều truyện ngắn không có tình huống - sẽ không còn chỗ đứng trong văn học.

- Đúng là Văn Hữu thuộc Phạm Văn Đồng hơn tôi. Tuy nhiên, việc yêu cầu cao về yếu tố hình thức trong bài nghị luận của học sinh không bao giờ là thừa, nhất là hiện nay tình trạng viết văn sai về chính tả, ngữ pháp và các kỹ năng nghị luận khác đã đến mức đáng báo động.

Tranh luận với Văn Hữu không khó, nhưng thái độ “góp ý” của Văn Hữu làm tôi mất cảm hứng tranh luận. Có một cái cao hơn Văn Hữu, cao hơn Nguyễn Quang Trung là đề văn thi đại học, vì nó liên quan tới số phận của ngàn vạn học trò, liên quan tới việc dạy và học văn của toàn xã hội. Trên tinh thần ấy, bài trả lời phỏng vấn của tôi hướng vào đề văn với ý thức xây dựng, còn bài “góp ý” của Văn Hữu lại nhằm vào Nguyễn Quang Trung, chẻ sợi tóc làm tư để “bắt lỗi” với ngôn ngữ và cách diễn đạt thiếu thiện chí. Ngay cả những người bàng quan nhất nếu vô tình đọc Văn Hữu, họ cũng dễ nhận ra thái độ của tác giả này. Phải chăng Văn Hữu muốn chứng minh đề văn là hoàn hảo, không còn gì để trao đổi, chỉ có Nguyễn Quang Trung là “lầm lẫn”, “lơ mơ”, “hoang tưởng”... Đấy là thái độ cầu thị hay là phản ứng tự vệ của Văn Hữu?

Để tránh một cuộc tranh luận không cần thiết, tôi xin kết thúc cuộc trao đổi ở đây để dành thời gian vào việc có ích hơn: dạy văn, ra đề và chấm văn sao cho đỡ sai sót, và ở phương diện này, những lời “góp ý” của Văn Hữu dù đúng dù sai đối với tôi cũng thật cần thiết.

  • Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung (Trường THPT chuyên Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội)