Trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc, các mục tiêu về dân số chiếm vị trí đặc biệt quan trọng, gắn bó mật thiết với phát triển bền vững.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ thông tin, công nghệ y, sinh học phát triển với tốc độ rất nhanh.

Toàn cầu hóa, đô thị hóa và hội nhập văn hóa, chủ yếu từ các nước phát triển có mức sinh thấp làm thay đổi mô hình gia đình, kết hôn, sinh con và tăng nhanh quá trình di cư cả trong nước và quốc tế; ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, áp lực cuộc sống, việc làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

W-hoc-sinh-11.jpg
Mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam là nước có dân số chất lượng tốt, lực lượng lao động đông đảo, thu nhập cao. Ảnh: Hoàng Hà

Trong giai đoạn hiện nay, một trong những thách thức lớn nhất của một số quốc gia là tình trạng già hoá dân số tăng nhanh và mức sinh giảm mạnh. Tỷ suất sinh của phụ nữ châu Á thuộc nhóm thấp nhất thế giới. 

Có nhiều nước ban hành chính sách dân số và luật về dân số, nhưng nội dung quy định của mỗi nước khác nhau. Chính sách dân số của các quốc gia cũng rất đa dạng, từ việc đưa ra mục tiêu, định hướng về công tác dân số, đến những chính sách cụ thể về số con đối với cặp vợ chồng...

Đối với hình thức xây dựng luật, vừa có quy định khung, vừa có quy định chi tiết. Không có quốc gia nào ban hành luật để điều chỉnh toàn diện các vấn đề dân số, bao gồm quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số.

Năm 2006, nước ta đã đạt mức sinh thay thế và giữ được mức sinh xung quanh mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc; duy trì mức độ gia tăng dân số phù hợp hằng năm; quy mô dân số đạt hơn 100 triệu người. Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, tạo ra những lợi thế to lớn cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội; phân bố dân số đã hợp lý hơn; chất lượng nguồn nhân lực, chỉ số phát triển con người ngày càng được cải thiện; tuổi thọ bình quân người Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Pháp lệnh Dân số được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2003, sửa đổi Điều 10 năm 2008. Pháp lệnh Dân số đã có nhiều tác động tích cực trong việc điều chỉnh các vấn đề dân số; khắc phục được tình trạng tản mạn, phân tán điều chỉnh dân số ở nhiều văn bản trước đó; tạo cơ sở pháp lý quan trọng thực hiện công tác dân số; góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác dân số.

Tuy nhiên, qua 20 năm thực hiện, Pháp lệnh Dân số đã bộc lộ những hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Vì vây, Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng Luật Dân số nhằm đáp ứng yêu cầu công tác dân số trong thời tình hình mới.

Mục đích xây dựng Luật Dân số nhằm tạo cơ sở pháp lý để thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới nhằm giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng nguồn nhân lực và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững; đáp ứng yêu cầu công tác dân số trong thời tình hình mới.

Dự án luật bổ sung chính sách “Thích ứng với già hóa dân số, dân số già” và chính sách “Phân bố dân số hợp lý”. Không tiếp tục đề xuất chính sách “Phá thai an toàn”.

Gộp chính sách “Tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn” với chính sách “Tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh”, đồng thời bổ sung nội dung để đề xuất thành chính sách “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. 

Tiếp tục đề xuất các chính sách “Duy trì mức sinh thay thế”; “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên”; “Lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội” nhưng được chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến thẩm tra của Uỷ ban Xã hội và ý kiến các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức.

Thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến Luật Dân số vào kỳ họp thứ 10 năm 2025 Quốc hội khóa 15 và thông qua Luật Dân số vào kỳ họp thứ 11 năm 2026 Quốc hội khóa 15.