4 năm nay, ông Nguyễn Văn Mền (72 tuổi ở Bình Lục, Hà Nam) cứ cuối tuần lại phải bắt xe khách lên Hà Nội lấy thuốc và kiểm tra tim mạch định kỳ. Ban đầu con cái ông cắt cử nhau đưa đón hoặc đưa ông đi, nhưng rồi thấy phiền toái và mất công mất việc của các con nên ông tự đi và tự về.

Nếu thiếu tiền lấy thuốc hoặc có tình huống phát sinh ông mới gọi con ra hỗ trợ. Cứ như vậy, ông sống chung với tiểu đường, huyết áp và hẹp van tim để rồi coi đây như số mệnh của mình. Nhiều lúc ông tặc lưỡi, nếu chết sớm được để khỏi lụy phiền ai cũng tốt, nhưng chẳng nhẽ lại nghĩ quẩn làm liều thì ảnh hưởng đến con cháu nên ông lại phải ráng sống.

"Lương hưu thấp, ăn uống chả đáng bao nhưng mang trong mình nhiều bệnh như: mỡ máu, huyết áp, xơ vữa động mạch, thoái hóa khớp và đặc biệt là tim…nên đối với gia đình tôi đang thực sự là gánh nặng. Tiền thuốc men, tiền khám bệnh còn tốn hơn cả mua thực phẩm nhưng may có con trai cả đứng ra lo tất. Tiền đi lại, thuê giúp việc trông coi ở quê do đứa thứ 2 lo. Còn lại những chuyện quà bánh thì có đứa gái út sống gần nhà, thỉnh thoảng chạy qua chạy lại. Tôi may mắn hơn nhiều người khi về gì còn được cậy con", ông Mền tâm sự.

10 tin hung yen.jpg
Tiền thuốc men, tiền khám bệnh của người cao tuổi còn tốn hơn cả mua thực phẩm. 

Theo khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH, đa phần đời sống vật chất của người cao tuổi nước ta còn gặp nhiều khó khăn. Thậm chí rất nhiều người cao tuổi vẫn còn đang phải vật lộn mưu sinh, nhiều cụ phải tự kiếm sống hoặc nhờ vào sự phụng dưỡng và chăm sóc của con cái. Hình ảnh người cao tuổi ở quê ra những đô thị lớn bán vé số, nhặt ve chai hay làm bảo vệ, giúp việc... không còn xa lạ với nhiều người.

Đặc biệt, sức khỏe của người cao tuổi mới là điều đáng bàn khi tuổi càng cao, sức khỏe càng suy giảm. Đáng chú ý, bệnh già vốn nhiều và chi phí thăm khám, chữa bệnh cũng rất tốn kém. Những bệnh người cao tuổi hay mắc có thể kể đến như: xương khớp, cao huyết áp, các bệnh về mắt, tim mạch, tiểu đường, mỡ máu, viêm gan và suy giảm trí nhớ....

Chính tình trạng đa bệnh tật như vậy đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý, hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người cao tuổi. Trong khi đó, cũng do điều kiện kinh tế, thời gian nên nhiều người cao tuổi (đặc biệt là người cao tuổi ở nông thôn) không có điều kiện hoặc thói quen khám bệnh định kỳ, thậm chí khi bị ủ bệnh còn không biết hoặc rất chủ quan trong điều trị bệnh.

Do đó, khi người cao tuổi đổ bệnh thì thường rất dễ tử vong hoặc nếu có phát hiện được bệnh thường ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị rất khó khăn, tốn kém và thường để lại các di chứng nặng nề. Trong khi đó, hệ thống bệnh viện nói chung, các cơ sở y tế chuyên về lão khoa nói riêng của nước ta đa phần lạc hậu, chưa đầy đủ và không đáp ứng được nhu cầu của đại bộ phận người cao tuổi.

Nói sâu hơn về vấn đề này, BS chuyên khoa II Lê Thị Cúc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Theo thống kê, trung bình mỗi người cao tuổi có 2,6 bệnh. Tuổi càng cao bệnh càng nhiều và thường là bệnh nặng, khó chữa. Đáng lưu ý, dù bệnh tật đeo bám nhưng hơn 70% người cao tuổi vẫn phải tiếp tục lao động sản xuất, không chỉ kiếm sống mà còn phụ giúp cho con cháu nhất là ở khu vực nông thôn. Khi phát bệnh thì không đi thăm khám và điều trị ngay mà sợ... tốn kém".

Cũng theo BS Cúc, nhu cầu chăm sóc y tế đối với người cao tuổi ở nước ta về cơ bản chưa theo kịp được tốc độ già hóa dân số. Đáng lưu ý, do số cơ sở y tế lão khoa rất hạn chế nên nếu mắc bệnh, người cao tuổi vẫn phải đi chăm sóc sức khỏe theo hệ thống y tế nói chung cũng gây bất tiện. Mỗi lần thăm khám các cụ phải chờ đợi, không có dịch vụ y tế riêng cộng với thủ tục rườm ra, chi phí tốn kém khiến nhiều người cao tuổi... đến viện rồi lại phải bỏ về.

Trong khi đó, theo quy định tại Luật Người cao tuổi, người từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, thì được cấp thẻ bảo hiểm y tế từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên theo thống kê của Hội người cao tuổi 63 tỉnh thành báo cáo lên cho thấy. vẫn còn khoảng 1 triệu người cao tuổi chưa đủ 80 tuổi nên không có BHYT và vì thế họ "nằm ngoài" nhóm đối tượng được chăm sóc y tế.

Được biết, trong lần sửa đổi và bổ sung Luật người cao tuổi năm 2023 này, nhiều địa phương phấn đấu phủ được 100% thẻ BHYT cho người cao tuổi. Bởi, chỉ có hỗ trợ từ các cấp các ngành cũng như toàn xã hội thì người cao tuổi ở nông thôn nói chung, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn nói riêng mới có cơ hội sở hữu tấm BHYT và có điều kiện được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Đứng dưới góc độ xã hội học, nhiều chuyên gia cho rằng làm thế nào để già hóa dân số không trở thành gánh nặng lên nền kinh tế nói chung, hệ thống an sinh xã hội nói riêng là vấn đề khó không chỉ của riêng Việt Nam. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, việc tăng được tiền hưu trí, bổ sung các quỹ trợ cấp, nâng được năng lực của hệ thống y tế và sự chăm lo của toàn cộng đồng và đặc biệt là sự chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ của mỗi người sẽ là chìa khóa cho bài toán nan giải này.

Lê Giáp Việt Hoàng, Phạm Trần Giao Linh, Vũ Việt Bảo Phùng, Phạm Bình Minh, Nguyễn Thị Hà Sơn