GS Ngô Bảo Châu vừa ra mắt sách Toán đầu tiên được xuất bản tại Việt Nam. Tại tọa đàm ra mắt cuốn sách này, vị giáo sư chia sẻ nhiều vấn đề về Toán học, trong đó ông đề cập kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO), cách học Toán...

GS Ngô Bảo Châu cho hay, điều khá đặc biệt là ở Việt Nam, mọi người quan tâm nhiều đến kỳ thi IMO ở cả mặt tích cực lẫn tiêu cực.

“Tôi nghĩ đôi khi người ta làm quá lên nhưng nhiều khi cũng 'dìm hàng', trong khi bản thân nó là việc rất tích cực, là một kỳ thi nghiêm túc, tạo nên một ‘đấu trường’ cho các bạn trẻ có năng khiếu tham gia. Một ‘đấu trường’ như vậy tạo nên nguồn động lực để các em học tập, phấn đấu. Đây như một ‘đường gom’ để các em bước vào hành trình trở thành những nhà khoa học thực thụ”, GS Châu nói.

“Tất nhiên, có nhiều bạn trẻ không thích việc thi cử nhưng sau này vẫn có thể trở thành nhà khoa học giỏi. Tôi nghĩ IMO không phải là một kỳ thi bắt buộc mọi người phải tham gia mới trở thành nhà khoa học. Nhưng bản thân nó là một nguồn cổ vũ để cho một số nhỏ trở thành những nhà khoa học, toán học, tại sao chúng ta lại chỉ trích? Về mặt nguyên tắc, xã hội càng phát triển, cơ hội chúng ta phải tạo ra cho học sinh càng đa dạng; để cho mỗi người, nhất là các bạn trẻ, tìm ra cách phát huy được những khả năng”.

W-GS Ngô Bảo Châu (3).JPG.jpg
GS Ngô Bảo Châu, Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán. Ảnh: Thanh Hùng.

Về vấn đề này, nhiều độc giả tò mò IMO có vai trò như thế nào trên con đường lựa chọn trở thành nhà Toán học của GS Ngô Bảo Châu và nếu như không tham dự IMO, liệu ông có trở thành nhà Toán học như hiện nay?

“Thực ra kỳ thi IMO rất quan trọng đối với việc tôi trở thành nhà Toán học. Hồi cấp 1, Toán không phải là lựa chọn đầu tiên của tôi về môn học thích nhất. Khi đó, tôi thích làm kỹ sư hơn, thích máy móc... Nhưng lần trượt kỳ thi vào chuyên Toán khiến tôi thay đổi. Lúc học ôn, tôi thấy nhiều bài khó quá, nhiều bài không giải được. Nhưng cũng từ lúc đó, tôi có động lực muốn vượt lên chính mình.

Tôi suy nghĩ tại sao bài đó, người ta giải được mà mình lại không? Tại sao một bài Toán, mình mất cả buổi chiều không giải được nhưng lời giải đáp án chỉ ngắn như thế? Nhiều lúc mở lời giải ra, tôi vừa tức vừa sướng vì thấy lời giải hay quá. Những điều nhỏ thôi nhưng tôi nghĩ là động lực cho bản thân ngày càng học tốt và yêu Toán hơn. Chứ nếu Toán dễ, chưa chắc đã thích”, GS Châu kể.

Cũng vì vậy, GS Châu cho rằng, xã hội cũng như các bậc phụ huynh nên suy nghĩ lại quan niệm về việc học hành. “Chúng ta cứ nghĩ nên giảm tải, đơn giản hóa để các em học dễ nhưng thực ra trẻ con rất thích thử thách. Dễ quá chưa chắc trẻ đã thích học”, GS Châu nói.

Theo GS Châu, IMO là một sân chơi có sự thi đua và để các bạn trẻ vượt qua chính mình. “Đó là một kỳ thi rất trong sáng, nghiêm túc để cho một số người tham gia và cũng nhờ vào phong trào đó mà chúng tôi trở thành những nhà khoa học”, GS Châu nói.    

Tại tọa đàm, nhiều học sinh hỏi GS Ngô Bảo Châu về bí quyết, phương pháp để có thể học tốt Toán.

GS Châu chia sẻ: “Khi giải một bài toán do mình tự làm được hoặc khi không thể mà đọc lời giải, cần cố gắng hiểu đến mức lần sau nhìn thấy một bài tương tự là có thể tự giải được. Chúng ta không thể nào biết được hàng nghìn, hàng vạn bài toán nhưng chỉ cần hiểu một cách trọn vẹn những bài mình trải qua, những bài khác sẽ trở nên dễ hơn”.

GS Châu kể, hồi cấp 2, ông cũng từng thi trượt vào khối chuyên Toán. Nhưng sau đó, mỗi khi không giải được bài nào, ông sẽ chép lại lời giải bài đó. Giáo sư chép một lần, hai lần, ba lần... cho đến khi cảm thấy thực sự hiểu bài Toán đó.

“Tôi chép lại một cách rất cẩn thận, nhiều khi chép 2 - 3 lần một lời giải chỉ để hiểu bài Toán. Cũng nhờ việc đó, rất nhiều bài khác tôi đã giải được. Tôi nghĩ quan trọng nhất không phải số lượng bài mình làm được, quan trọng hơn là cố gắng hiểu một cách trọn vẹn lời giải cho các bài Toán”, GS Châu nói.